Hướng dẫn trình bày luận văn thạc sĩ

Mời các bạn cùng tham khảo bài viết "Hướng dẫn trình bày luận văn thạc sĩ" để nắm rõ hơn về các quy định khi trình bày các mục trong luận văn thạc sĩ. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn có thêm kinh nghiệm trong quá trình hoàn thành luận văn của mình.

Hướng dẫn trình bày luận văn thạc sĩ

Luận văn có thể kết cấu thành các chương, phần nhưng phải bảo đảm có những nội dung chính sau:

1. Phần thứ nhất (phần mở đầu)

Lý do chọn đề tài hay còn gọi là “tính cấp thiết của đề tài” hoặc "sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu":

Mục tiêu nghiên cứu gồm: Mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể.

Đối tượng nghiên cứu và đối tượng khảo sát

Phạm vi giới hạn đề tài bao gồm: Phạm vi về nội dung; Phạm vi về không gian; Phạm vi về thời gian.

Phương pháp nghiên cứu bao gồm: Phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng hoặc dựa trên các mục tiêu cụ thể để viết phương pháp nghiên cứu phù hợp.

2. Phần thứ 2 (phần nội dung)

2.1 Cơ sở lý thuyết

Trình bày cơ sở lý thuyết làm nền tảng cho việc triển khai nghiên cứu và phân tích thực trạng. Tác giả cần thể hiện khả năng tổng hợp và biện luận các lý thuyết liên quan trực tiếp đến đề tài. 

2.2 Phân tích thực trạng phải bao gồm các nội dung sau:

- Giới thiệu khái quát địa bàn nghiên cứu.

- Các kết quả nghiên cứu, phân tích thực tiễn trên những khía cạnh gắn với mục tiêu nghiên cứu. Nội dung phân tích thực trạng cần bám sát khung lý thuyết đã được trình bày trong phần cơ sở lý thuyết, được minh chứng thông qua các số liệu có độ tin cậy. Việc phân tích thực trạng cần tập trung trong phạm vi nghiên cứu đã giới hạn và giải quyết được các mục tiêu của đề tài. 

2.3 . Đánh giá, thảo luận những kết quả thu được và các đề xuất giải pháp (hàm ý chính sách hoặc hàm ý quản trị):

Kết quả thu được từ nghiên cứu là những thông tin, kiến thức, kết luận được rút ra từ phân tích thực tế, dựa trên cơ sở lý thuyết. Trên cơ sở đánh giá thực trạng học viên đề xuất giải pháp, kiến nghị hoặc dựa trên phân tích dữ liệu đề xuất hàm ý chính sách hoặc hàm ý quản trị.

3. Phần thứ ba

Kết luận đề tài bao gồm những nội dung sau:

- Kết luận chung

- Hạn chế của đề tài

- Đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo

4. Hình thức trình bày luận văn

4.1 Soạn thảo văn bản

Luận văn sử dụng kiểu chữ Times New Roman, cỡ chữ 13 của hệ soạn thảo văn bản Winword hoặc tương đương. Khoảng cách giữa các dòng là 1.5 lines. Khoảng cách chữ bình thường, không được ép hoặc kéo dãn khoảng cách chữ.

Số trang được đánh ở giữa, phía dưới mỗi trang giấy, trang số 1 là trang đầu tiên của phần mở đầu và kết thúc ở trang cuối của phần tài liệu tham khảo. Không đánh số các trang phụ bìa, lời cam đoan, mục lục và phụ lục. Nếu có bảng biểu, hình vẽ trình bày theo chiều ngang khổ giấy (landscape) thì chiều dọc là chiều từ gáy luận văn đọc ra nhưng hạn chế trình bày theo cách này.

4.2 Tiểu mục và các chương

Tên chương: Cỡ chữ 14; Kiểu chữ: in hoa, nét đậm; Căn lề: bên trái và dãn dòng: 1,5 lines.

Các tiểu mục của luận văn được trình bày và đánh số thành nhóm chữ số, nhiều nhất gồm bốn chữ số với số thứ nhất chỉ số chương (ví dụ 4.1.2.1 chỉ tiểu mục 1 nhóm tiểu mục 2 mục 1 chương 4). Tại mỗi nhóm tiểu mục phải có ít nhất hai tiểu mục, nghĩa là không thể có tiểu mục 2.1.1 mà không có tiểu mục 2.1.2 tiếp theo.

Đề mục và nội dung của nó phải đi liền với nhau, tránh trường hợp đề mục nằm cuối trang này nhưng nội dung ở đầu trang sau.

Có hai loại đề mục:

a) Các đề mục cùng cấp phải có kiểu trình bày giống nhau trong toàn bộ luận văn (ví dụ 1.1.2, 1.1.3 và 2.1.3).

b) Các đề mục không cùng cấp (ví dụ 1.1 và 1.1.1). Kiểu trình bày đối với các đề mục không cùng cấp phải khác nhau

4.3 Trình bày luận văn thạc sĩ 

Luận văn phải sử dụng văn phong khoa học phù hợp, trình bày rõ ràng, mạch lạc, sạch sẽ, không được tẩy xóa, có đánh số trang, đánh số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị, in trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210x297mm), lề trên 20mm; lề dưới 20mm; lề trái 35mm; lề phải 15mm. Tất cả các chương, phần, mục, tiểu mục phải dùng chữ số tự nhiên, không được dùng số la mã.

Luận văn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu được trình bày từ 60 đến 80 trang A4. Đối với lĩnh vực khoa học xã hội có thể nhiều hơn nhưng không quá 100 trang; luận văn thạc sĩ theo định hướng ứng dụng trình bày từ 40 đến 60 trang, không kể các phần mục lục, danh mục bảng biểu, phụ lục.

Trình tự được sắp xếp như sau:

(1) Bìa luận văn bản chính thức: Đóng bìa cứng, màu xanh đậm, in chữ nhũ vàng, đủ dấu tiếng Việt hoặc tiếng Anh nếu luận văn viết bằng tiếng Anh.

(2) Trang bìa phụ

(3) Quyết định giao đề tài hoặc Quyết định thay đổi trong quá trình thực hiện luận văn.

(4) Lời cam đoan

(5) Lời cảm ơn

(6) Mục lục

(7) Danh mục ký hiệu, chữ viết tắt (xếp theo thứ tự ABC)

(8) Danh mục bảng biểu (9) Danh mục hình vẽ, đồ thị, sơ đồ

(10) Phần nội dung

(11) Danh mục công trình khoa học đã công bố của tác giả (nếu có)

(12) Danh mục tài liệu tham khảo

(13) Phụ lục (nếu có).

5. Những yêu cầu khác đối với luận văn thạc sĩ

Luận văn phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Nếu luận văn là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của một tập thể trong đó tác giả đóng góp phần chính thì phải xuất trình các văn bản của các thành viên trong tập thể đó đồng ý cho phép học viên sử dụng công trình này trong luận văn để bảo vệ lấy bằng thạc sĩ. 

Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn rõ ràng. Nếu sử dụng tài liệu của người khác (trích dẫn bảng, biểu, công thức, đồ thị cùng những tài liệu khác) mà không chú dẫn tác giả và nguồn tài liệu thì luận văn không được duyệt để bảo vệ hoặc bị xử lý theo quy định về sao chép luận văn.

Hi vọng với những thông tin hữu ích trên đây sẽ giúp bạn hoàn thành luận văn thạc sĩ một cách hoàn hảo và ấn tượng nhất.

Ngày:19/01/2021 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM