Soạn bài Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) Ngữ văn 9 siêu ngắn

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em nắm được những cách viết được bài văn nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích). Hy vọng rằng tài liệu này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Luyện tập làm bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) Ngữ văn 9 siêu ngắn

1. Soạn câu 1 trang 69 SGK Ngữ văn 9 siêu ngắn

Lập dàn ý cho đề bài: Cảm nhận của em về đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng:

a. Mở bài: Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh gia đình xa nhau.

- Tình yêu thương của nhân vật ông Sáu đối với bé Thu.

- Sự hụt hẫng ngày trở về.

- Niềm vui ngày ra đi.

- Tình cha qua chiếc lược.

- Tình cảm, thái độ của bé Thu đối với cha.

c. Kết bài: Cảm nhận của bản thân về tác phẩm "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

2. Soạn câu 2 trang 69 SGK Ngữ văn 9 siêu ngắn

Em hãy viết bài văn nghị luận về đề bài: Cảm nhận của em về đoạn trích truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng:

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn chuyên viết về cuộc sống và con người Nam Bộ với rất nhiều thể loại khác nhau: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch…Tác phẩm "Chiếc lược ngà" được nhà văn sáng tác năm 1966 tại chính chiến trường miền Nam trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt. Truyện thể hiện thật thấm thía, cảm động tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Qua thiên truyện, chúng ta thấy được tài năng xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật khắc họa miêu tả tâm lí, tính cách nhân vật khéo léo của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.

Truyện được xây dựng trên hai tình huống cơ bản: Tình huống thứ nhất: Hòa bình lập lại, anh Sáu được nghỉ phép về thăm nhà, thăm con sau tám năm ròng xa cách. Nhưng thật trớ trêu thay, bé Thú đã không chịu nhận anh Sáu là cha vì trên khuôn mặt anh có vết thẹo (khác với tấm hình chụp với mẹ nó). Và đến lúc Thu hiểu ra và biểu lộ tình cảm với cha thì cũng là lúc ông Sáu phải lên đường. Tình huống thứ hai: Anh Sáu trở lại chiến khu và dồn hết tất cả tình thương, nỗi nhớ con bằng cách làm một chiếc lược ngà để tặng cho con. Nhưng anh chưa kịp trao món quà ấy cho con thì anh đã hi sinh. Trước lúc nhắm mắt, anh đã nhờ đồng đội trao tận tay chiếc lược đó cho con gái. Với cách tạo tình huống truyện như thế, nhà văn đã đầy câu chuyện lên sự kịch tính, chất chứa yếu tố bất ngờ và xúc động. Tình huống thứ nhất là tình huống cơ bản của truyện, bộc lộ tình cảm mãnh liệt của Thu với cha. Tình huống thứ hai lại biểu lộ tình cảm sâu sắc của người cha dành cho đứa con gái bé bỏng. Từ đó bật sáng tư tưởng chủ đề của tác phẩm: tình cảm cha con sâu nặng, bền chặt nhưng éo le, đau khổ trong chiến tranh.

Truyện xoay quanh hai nhân vật chính là bé Thu và ông Sáu, thông qua tình huống truyện éo le, mỗi nhân vật bộc lộ tính cách, phẩm chất của mình. Trước hết về bé Thu, em là con của ông Sáu nhưng từ nhỏ đã phải xa cha do ba vào chiến trường. Sau tám năm xa cách, Thu được gặp lại ba, những tưởng đó sẽ là cuộc đoàn viên đầy hạnh phúc, nhưng trái ngược với ông Sáu mừng rỡ lao về phía em thì Thu dửng dưng, thậm chí hốt hoảng gọi Má. Má . Những ngày sau đó, dù ông Sáu hết lòng chăm sóc nhưng bé Thu vẫn lạnh nhạt, thậm chí xa lánh, ngang ngạnh cự tuyệt ông Sáu. Dù ông đã làm hết cách nhưng bé Thu vẫn không gọi ông là ba. Những lúc gặp khó khăn, nguy cấp Thu chỉ gọi trống không, không nhận được sự trợ giúp của ông Sáu, nó cũng loay hoay tự làm một mình.

Trong bữa cơm, ông Sáu gắp cho nó cái trứng cá, Thu gạt ra, bị ông Sáu đánh, cô bé lập tức bỏ về nhà bà ngoại. Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả thật chính xác thái độ, hành động khác thường của bé Thu. Bởi trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt em không hiểu những éo le mà chiến tranh gây ra, nên chỉ vì một vết thẹo trên mặt ông Sáu em kiên quyết không nhận ba. Điều đó cũng cho thấy Thu là đứa trẻ bướng bỉnh, cá tính nhưng đằng sau sự từ chối đến cứng đầu đó là tình yêu thương thắm thiết Thu dành cho ba mình.

Diễn biến tâm lý của cô bé Thu được tác giả Nguyễn Quang Sáng thể hiện rất sinh động chi tiết, khiến người đọc cảm nhận được cô bé là người cá tính, gai góc giống như một con nhím nhỏ luôn xù lông của mình ra để bảo vệ lớp thịt mềm yếu bên trong. Nội tâm của con bé Thu vô cùng sâu sắc, tình cảm. Trong thái độ cứng đầu của bé Thu thể hiện tình cảm thiêng liêng mãnh liệt của cô bé dành cho cha mình, bởi cô bé không biết ông Sáu mặt có vết sẹo kia chính là ông Sáu trong bức hình chụp cùng mẹ ngày cưới. Nên cô bé mới có thái độ chống đối như vậy mà thôi.

Ba ngày phép ngắn ngủi rồi cũng qua, ngày ông Sáu chuẩn bị lên đường đang bịn rịn chia tay người nhà thì bất chợt cô bé Thu cất tiếng gọi rồi nó lao vào ôm ba “không cho ba đi” vừa nói nó vừa khóc, nghe thật cảm động xót xa, thể hiện tình cảm của một người con không muốn ba mình đi xa. Tiếng ba mà cô bé Thu gọi thể hiện sự dồn nén bao lâu trong tâm hồn cô bé. Nó là tiếng gọi tha thiết từ đáy lòng của người con dành cho ba của mình.

Tóm lại, qua truyện ngắn "Chiếc lược ngà" chúng ta thực sự thấm thía và cảm động trước tình cảm cha con sâu nặng, bền chặt của cha con ông Sáu trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Truyện không chỉ dừng lại ở việc khắc họa tình cảm phụ tử mà còn có ý nghĩa tố cáo hiện thực, tố cáo chiến tranh đã đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đã phá tan đi biết bao nhiêu là hạnh phúc của các gia đình, khiến vợ chồng xa cách, cha con xa nhau. Từ câu chuyện, chúng ta càng cảm thấy trân trọng hơn nền hòa bình dân tộc và càng quí trọng hơn tình cảm gia đình mà mở rộng ra là tình yêu quê hương đất nước.

(Sưu tầm)

Ngày:29/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM