Chiến thắng Mtao Mxây (trích Đăm Săn - sử thi Tây Nguyên)

Bài học với nội dung trọng danh dự, găn bó với hạnh phúc gia đình và tha thiết với cuộc sống bình yên, phồn vinh của dân tộc. Đó là những tình cảm cao cả nhất thôi thúc Đăm Săn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu với phép so sánh và phóng đại được sử dụng có hiệu quả cao là những đặc điểm nghệ thuật tiêu biểu của sử thi. Bài học hôm nay mang nhiều giá trị tiêu biểu mời các em cùng tham khảo.

Chiến thắng Mtao Mxây (trích Đăm Săn - sử thi Tây Nguyên)

1. Tìm hiểu chung

1.1 Khái quát về thể loại sử thi dân gian

- Sử thi thần thoại: Đi vào đề tài chính của thần thoại như sự hình thành vũ trụ, sự ra đời của muôn loài, nguồn gốc dân tộc, sự sáng tạo văn hóa.

- Sử thi anh hùng:

  • Nội dung: miêu tả nghề nghiệp và chiến công của người anh hùng trong khung cảnh những sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với toàn thể cộng đồng.

  • Nhân vật: là những anh hùng đại diện cho toàn thể cộng đồng về mọi phương diện

  • Nghệ thuật: ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, ngôn ngữ trần thuật của người kể sử thi, các biện pháp tu từ so sánh, phóng đại... góp phần tạo nên âm hưởng hùng tráng của thể loại

1.2 Sử thi anh hùng "Đăm Săn"

- Thể loại: Sử thi anh hùng ca

- Tóm tắt:

  • Đăm Săn về làm chồng Hơ Nhị, Hơ Nhị và trở thành một tù trưởng giàu có, hùng mạnh.

  • Đăm Săn đánh thắng các tù trưởng độc ác, giành lại vợ, đem lại sự giàu có và uy danh cho mình và cho cộng đồng.

  • Đăm Săn khát vọng chinh phục thiên nhiên, vượt qua mọi tập tục XH nhưng thất bại. Đăm Săn cháu tiếp bước.

1.3. Đoạn trích

- Vị trí: Đoạn trích nằm ở phần giữa tác phẩm, đoạn trước kể về việc Đăm Săn đánh nhau với Mtao Grư để cứu Hơ Nhị; đoạn tiếp theo, Đăm Săn và dân làng đi chặt cây Smuk

- Bố cục: 3 phần

  • Phần 1: Cuộc chiến giữa hai tù trưởng: (từ "Nhà Mtao Mxây đầu sàn hiên ... cắt đầu Mtao Mxây đem bêu ngoài đường)

  • Phần 2: Cảnh Đăm Săn cùng các nô lệ trở về làng sau chiến thắng. (từ “Ơ nghìn chim sẻ” đến “rồi vào làng”)

  • Phần 3: Cảnh nhà Đăm Săn ăn mừng chiến thắng. (còn lại)

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1 Cuộc chiến giữa hai tù trưởng

- Đăm Săn khiêu chiến và Mtao Mxây đáp lại; nhưng tỏ ra run sợ (sợ bị đâm lén, dáng tần ngần do dự, đắn đo…).

- Vào cuộc chiến:

  • Hiệp 1: Mtao Mxây múa khiên trước (khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô) → lộ rõ sự kém cỏi, nhưng vẫn nói những lời huênh hoang (quen đi đánh thiên hạ, bắt tù binh, xéo nát đất đai thiên hạ…). Còn Đăm Săn vẫn bình tĩnh, thản nhiên.

  • Hiệp 2: Đăm Săn múa trước (Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh, một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô…). Còn Mtao Mxây hoảng hốt trốn chạy (bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông…).

  • Hiệp 3: Đăm Săn múa rất đẹp và dũng mãnh (chàng múa trên cao, gió như bão…múa dưới thấp, gió như lốc…Tr.32 ). Đâm trúng kẻ thù, nhưng không thủng.

  • Hiệp 4: Đăm Săn nhờ ông trời chỉ cách đã giết chết kẻ thù.

→ Qua cuộc chiến, ta thấy được sự vượt trội của Đăm Săn về tài năng, bản lĩnh, xứng đáng đại diện cho cả cộng đồng. 

2.2 Thái độ của mọi người đối với Đăm Săn

- Ba lần Đăm Săn kêu gọi thì cả ba lần dân làng Mtao Mxây đều hưởng ứng (ba tượng trưng cho số nhiều): “Không đi sao được...” → Họ nhất trí xem Đăm Săn là tù trưởng, là anh hùng của họ.

- Lời nói của dân làng qua ba lần đối đáp có sự biến đổi, phát triển → Sự thần phục, lòng trung thành tuyệt đối của dân làng Mtao Mxây với Đăm Săn.

- Mọi người cùng nhau ra về theo Đăm Săn, đông vui như hội: “Đoàn người đông như bầy cà tong... cõng nước.”

→ Thể hiện sự thống nhất cao độ giữa quyền lợi, khát vọng của cá nhân người anh hùng với cộng đồng, bộ tộc đồng thời cũng thể hiện lòng yêu mến, sự tuân phục của tập thể cộng đồng với cá nhân người anh hùng – nhân vật kết tinh vẻ đẹp của cộng đồng.

2.3. Cảnh Đăm Săn ăn mừng chiến thắng

- Hành động của Đăm Săn sau chiến thắng:

  •  Nói với tôi tớ → tự hào, tự tin về sức mạnh của bản thân và sự giàu có của thị tộc.

  • Ra lệnh nổi nhiều loại cồng chiêng → thể hiện sức mạnh của nguời anh hùng và sự giàu có của thị tộc 

- Hình ảnh Đăm Săn:

  • “Đăm Săn nằm tên võng, tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng ở dưới đất là một nong hoa”.

  • “Uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán”.

  • “Là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước…”

  • “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực…trong bụng mẹ”

→ Những hình ảnh so sánh, phóng đại để ca ngợi một tù trưởng anh hùng. ⇒ Có thể thấy, hình ảnh Đăm Săn được miêu tả bằng cái nhìn ngưỡng vọng từ dưới nhìn lên trên, sùng kính, tự hào. Điều này có nghĩa người anh hùng sử thi được tôn vinh tuyệt đối.

- Khung cảnh ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn:

  • Cho thấy sự giàu có, sung túc, vững mạnh của tù trưởng Đăm Săn cũng như buôn làng của chàng.

2.4 Giá trị nghệ thuật tác phẩm

- Ngôn ngữcủa người kể biến hóa linh hoạt, hướng tới nhiều đối tượng; ngôn ngữ đối thoại được khai thác ở nhiều góc độ. Ngôn ngữ trang trọng, kết hợp ngôn ngữ kể, tả của người dẫn truyện và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, ngôn ngữ giàu âm thanh và hình ảnh.

- Nghệ thuật kể xem lẫn tả

- Các biện pháp nghệ thuật: So sánh, cường điệu, phóng đại, đối lập

3. Luyện tập

Câu 1: Vì vợ là Hơ Nhị bị Mtao Mxây bắt cóc nên Đăm Săn tìm đánh hắn để đòi lại nàng. Thế nhưng sau khi đã giết được kẻ thù thì "Đăm Săn không nhớ gì đến vợ nữa. Bây giờ cái chính đối với chàng là chiến lợi phẩm - của cải thu được và nô lệ" (Nhi-cu-lin).Anh (chị) hãy lựa chọn câu trả lời đúng trong hai phương án sau và lí giải sự lựa chọn của mình.

A. Cuối cùng Đăm Săn đã hành động trái với động cơ, mục đích mà chàng nói ra trước đó.

B. Hành động của Đăm Săn không hề mâu thuẫn, mà trái lại vẫn thống nhất với những lời nói ra trước đó.

Gợi ý trả lời:

- A là phương án đúng.

  • Ở đây không hề có mâu thuẫn. Đây là điểm đặc trưng cho kiểu nhân vật anh hùng sử thi : mọi hành động của nhân vật có vẻ ngoài như là chỉ xuất phát từ mục đích cá nhân, nhưng thực chất sâu xa bên trong lại hoàn toàn phù hợp với khát vọng, nhu cầu, tính cách của toàn thể cộng đồng.

  • Dựa vào gợi ý trên, anh (chị) cần phân tích sao cho nổi bật được sự thống nhất giữa động cơ ban đầu "thúc ép" Đăm Săn đi đánh Mtao Mxây với cái động cơ khiến cho khi đã chiến thắng kẻ thù rồi, chàng lại "quay ra" chỉ biết say sưa với bao của cải và nô lệ vừa giành được, với viễn tưởng về oai danh lừng lẫy của mình và về sự hùng mạnh của bộ lạc, "dường như" quên hẳn động cơ ban đầu.

  • Lí giải được điều này có nghĩa là anh (chị) đã hiểu sâu sắc bản chất của hình tượng anh hùng sử thi và điều gì đã tạo nên vẻ đẹp một đi không trở lại mà đời sau "không thể bắt chước" (Mác) của kiểu hình tượng anh hùng đó.

Câu 2: Kết thúc đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây có đoạn

Cả miền Ê-đê Ê-ga ca ngợi Đăm Săn là một dũng tướng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước. Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu tên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc : Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ.

Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả nhân vật? Hãy phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các biện pháp đó.

Gợi ý trả lời:

  • Các biện pháp nghệ thuật sau đã được sử dụng : so sánh, phóng đại, so sánh trùng điệp, liên tiếp nhiều vế, từ mô tả từng phần đến mô tả bằng một nhận xét bao trùm, khái quát (với một từ rất Ê-đê có giá trị khái quát cao).

  • Thống kê và phân loại các biện pháp nghệ thuật (với dẫn chứng cụ thể) đã được sử dụng.

  • Phân tích giá trị của từng biện pháp đó trong việc mô tả hình tượng người anh hùng sử thi vừa chân thực vừa có phần hư cấu hết sức độc đáo ; phân tích giá trị của những biện pháp đó trong việc bộc lộ tình cảm của nghệ nhân kể khan (qua đó, của toàn thể nhân dân) đối với nhân vật anh hùng sử thi

4. Kết luận

- Đoạn trích đã thể hiện những đặc trưng cơ bản của thể loại sử thi: ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu.

- Qua đó giúp chúng ta nhận thức được lẽ sống, niềm vui của người anh hùng sử thi chỉ có được trong cuộc chiến đấu vì danh dự, hạnh phúc và danh dự cho cộng động.

Ngày:27/07/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM