Tỏ lòng (Thuật hoài) Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lớn lao, vẻ đẹp của thời đại sức mạnh va khí thế hào hùng. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tỏ lòng (Thuật hoài) Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

- Tác giả Phạm Ngũ Lão:

+ Phạm Ngũ Lão (1255-1320) người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc Hưng Yên).

+ Là con rể của Trần Hưng Đạo, được giữ đội quân hữu vệ.

+ Ông có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên.

+ Ông thích đọc sách, ngâm thơ. Ông được ca ngợi la người văn võ song toàn.

- Tác phẩm "Tỏ lòng":

+ Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ ra đời trong không khí quyết thắng của quân dân thời Trần khi lực lượng nước Đại Việt đã lớn mạnh nhưng trong chiến đấu giặc Mông - Nguyên lại chưa đi đến thắng lợi cuối cùng.

+ Bài thơ có thể chia thành ba phần như sau:

  • Phần 1 (câu 1): Hình ảnh người tráng sĩ.
  • Phần 2 (câu 2): Hình ảnh quân đội nhà Trần.
  • Phần 3 (câu 3, 4): Tâm sự của nhà thơ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hình ảnh người tráng sĩ

- Hình ảnh người tráng sĩ:

+ Hành động: cắp ngang ngọn giáo => tư thế hiên ngang, sẵn sang chiến đấu.

+ Không gian: non sông => giang sơn hùng vĩ, tổ quốc muôn đời.

- Sự khác nhau giữa phiên âm và dịch thơ: Phần dịch thơ nghe âm điệu uyển chuyển hơn tuy nhiên làm mất đi tư thế vững trãi của tráng sĩ => cách dịch hay nhưng thiếu sự mạnh mẽ.

=> Người tráng sĩ trong tư thế mạnh mẽ hào hùng sẵn sang lập lên chiến công vang dội đặt trong không gian núi sông hùng vĩ, lâu dài.

2.2. Hình ảnh quân đội nhà Trần

- Hình ảnh: “ba quân” : tiền quân, trung quân và hậu quân => quân đội của cả nước, sự đoàn kết của cả nước.

- Khí thế: “như hổ báo” át cả sao ngưu.

- Câu thơ này có 2 cách hiểu:

(1) khí thế 3 quân hùng mạnh có thể nuốt trôi cả trâu

(2) khí thế hào hùng ngút trời làm mờ cả sao Ngưu trên trời

- Thủ pháp nghệ thuật: so sánh phóng đại có tác dụng làm tăng hào khí của quân đội nhà Trần.

=> Câu thơ là sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan vè cảm nhận chủ quan cho thấy sức mạnh và tầm vóc. Hình ảnh người tráng sĩ hùng dũng cùng tầm vóc mạnh mẽ và sức mạnh của quân đội nhà Trần. Nghệ thuật so sánh phóng đại cùng giọng điệu hào hùng được kết hợp nhuần nhuyễn mang lại hiệu quả cao.

2.3. Tâm sự của nhà thơ

- Giọng điệu: trầm lắng, suy tư => bộc lộ tâm trạng băn khoăn trăn trở.

- Tâm sự: đã là nam nhi phải trả nợ công danh làm điều có công với đất nước.

- Lí tưởng công danh của Phạm Ngũ Lão mang nội dung tiến bộ. Hai câu thơ thể hiện cái tâm mang nhân cách giá trị cao đẹp của Phạm Ngũ Lão.

- Hai câu thơ này có thể hiểu là nam tử chưa hoàn thành chuyện công danh, khi nghe chuyện Vũ Hầu liền lấy làm hổ thẹn. Vũ Hầu ở đây chính là Khổng Minh, nhà quân sư lỗi lạc của Lưu Bị nói riêng và của thời Tam Quốc, cũng như toàn lịch sử nhân loại nói chung. Chữ “thẹn”: tác giả tự thấy xấu hổ với bản thân mình. Thấy mình chưa trả nợ xong công danh => khát khao muốn lập công.

- Điều Phạm Ngũ Lão muốn bày tỏ chính là đấng nam nhi phải biết lấy gương sáng của người xưa mà so sánh, để phấn đấu cho xứng với tiền nhân. Niềm khát vọng công danh của tác giả, thực chất là khát vọng được cống hiến tuổi trẻ, công sức, tài năng cho Vua, cho giang sơn xã tắc, để có thể ngẩng cao đầu sống giữa thời đại anh hùng.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Khắc họa được vẻ đẹp con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại. Hình tượng trang nam nhi với lí tưởng và nhân cách lớn lao, sức mạnh và khí thế hào hùng - hào khí Đông A.

- Về nghệ thuật:

+ Âm hưởng hào hùng, nhịp điệu chắc khỏe.

+ Lối so sánh cường điệu.

+ Ngôn ngữ hàm súc, cô đọng.

4. Luyện tập

Câu 1: Viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài thơ "Tỏ lòng" của Phạm Ngũ Lão.

Gợi ý trả lời:

"Tỏ lòng" là bài thơ được viết nên bằng tất cả tấm lòng, khao khát của một người quân tử muốn giúp nước, giúp đời. Chỉ với bốn câu thơ thôi nhưng ý tứ thật sâu sắc, chí nguyện giúp đời cứu nước thật lớn lao. Bài thơ đã thôi thúc trong lòng em ý thức sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước mình, sẽ sống hết mình, cống hiến thật nhiều cho sự phát triển của Tổ quốc hôm nay và mai sau. Chúng ta có thể thấy được lí tưởng mà tác giả hướng đến hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực, thể hiện rõ ý chí quyết tâm đối với sự nghiệp cứu nước, cứu đời. Mặc dù là một vị tướng có nhiều công lao to lớn đối với công cuộc đánh đuổi ngoại xâm và bảo vệ đất nước nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn cho rằng mình vẫn còn "vương nợ" công danh. Bởi vậy, ông mang trong mình nỗi thẹn khi "tai nghe chuyện Vũ hầu". Đó là nỗi "thẹn" khi chưa có tài thao lược lớn như Gia Cát Lượng. Qua đó, chúng ta có thể thấy được nhân cách cao đẹp của tác giả.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về câu thơ "Nam nhi vị liễu công danh trái"?

Gợi ý trả lời:

- Tác giả cho rằng đã là nam nhi thì phải có trách nhiệm trong việc xây dựng và giữ gìn đất nước, đó cũng là một tuyên ngôn khẳng định chí làm trai của Nguyễn Công Trứ, theo đó ta thấy quan niệm này không chỉ của riêng Phạm Ngũ Lão mà còn có cả tất cả những bậc nam nhi có chí thời bấy giờ.

- Đó là xu hướng chung, quan niệm chung của họ và cũng chính vì thế mà Phạm Ngũ Lão cũng không nằm ngoài quan niệm đó. Tuy nhiên ở đây tác giả nhấn mạnh thêm quan niệm ấy và mở nó ra với ý nghĩa của cá nhân tác giả mà thôi.

- Dù là một vị tướng trung thành giống như cánh tay phải của Trần Hưng Đạo, trải qua biết bao nhiêu trận đánh vào sinh ra tử nhưng đối với ông đó vẫn chưa được liệt kê vào những công danh của đất nước.  Đối với Phạm Ngũ Lão thì công danh vẫn là một thứ mà còn vương nợ với ông.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được vẻ đẹp của con người và thời đại nhà Trần, thế kỉ XIII qua hình tượng trang nam nhi với lí tưởng và nhân cách lớn lao, sức mạnh và khí thế hào hùng - hào khí Đông A.

- Sự nghiệp công danh của cá nhân thống nhất với sự nghiệp chung, sự nghiệp cứu nước, cứu dân.

- Nghệ thuật thơ: hàm súc, xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình lớn lao, mang tầm vóc sử thi.

- Có ý thức về bản thân, rèn ý chí, biết ước mơ và nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ đó để hoàn thiện bản thân.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM