Đọc Tiểu Thanh kí Ngữ văn 10

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được Tiểu Thanh thuộc kiểu những người phụ nữ tài sắc, bất hạnh mà Nguyễn Du đặc biệt quan tâm trong sáng tác của mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Đọc Tiểu Thanh kí Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh năm Ất Dậu (1765), mất năm Canh Thìn (1820).

- Quê cha ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; quê mẹ ở Bắc Ninh, nhưng ông lại được sinh ra ở Thăng Long. Nhờ đó, Nguyễn Du dễ dàng tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa.

- Gia đình: Đại quý tộc, nhiều đời làm quan to, có truyền thống làm thơ văn và say mê ca; sinh ra và lớn lên trong thời kì lịch sử đầy biến động dữ dội của xã hội phong kiến.

- Cuộc đời: đầy bi kịch, Nguyễn Du sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ở với anh trai là Nguyễn Khản.

- Các tác phẩm văn học của Nguyễn Du: Thơ chữ Hán, Nguyễn Du có 3 tập thơ (Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục). Thơ chữ Nôm, Nguyễn Du có hai kiệt tác “Truyện Kiều” và “Văn tế thập loại chúng sinh”.

1.2. Tác phẩm

- Vài nét về nàng Tiểu Thanh: Tiểu Thanh là một người phụ nữ thông minh, tài hoa nhưng phận bạc. Nàng sống cuộc đời ngắn ngủi đầy trái ngang. Di cảo sót lại của Tiểu Thanh với những bài thơ bị đốt dở là bằng chứng cho số phận oan nghiệt ấy.

- Bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí”:

+ Xung quanh hoàn cảnh ra đời bài thơ có nhiều ý kiến: Thời gian Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc; khi Nguyễn Du chưa hề đi sứ Trung Quốc.

+ Bài thơ nằm trong cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du khi viết về những kiếp người đau khổ, bất hạnh đặc biệt là người phụ nữ.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu đề

- Câu 1: Vẽ ra hai hình ảnh đối lập của cảnh đẹp Tây Hồ:

+ Hình ảnh đối lập:

  • Xưa: “Tây hồ hoa uyển”: Cảnh đẹp rực rỡ.
  • Nay: “tẫn thành khư”: Hoang phế, điều tàn.

+ Động từ “tẫn”: gợi sự thay đổi triệt để, sự tàn phá khốc liệt nhất của thời gian.

+ Quy luật: không gian sẽ bị thời gian thay đổi, bào mòn; đồng thời là nỗi ngỡ ngàng, luyến tiếc của tác giả trước bi kịch ấy.

=> Lẽ thường “thương hải biến vi tang điền” có nghĩa là bãi bể sẽ biến thành nương dâu. Không gian không thể nào trụ nổi trước sự trôi chảy của thời gian. Cảnh Tây Hồ cũng không phải là một ngoại lệ. Có thể thấy, câu thơ thứ nhất vẽ lên trước mắt chúng ta hai bức tranh Tây Hồ ở hai thời điểm khác nhau, đồng thời cũng ngấm ngầm thể hiện một thông điệp: Không gian sẽ bị thời gian thay đổi, bào mòn - cái đẹp sẽ bị thay đổi, bị bào mòn trước sự trôi chảy vô tình của thời gian. Nguyễn Du cảm thấy xót xa, ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng của cảnh vật nơi đây. Câu thơ mới chỉ tả cảnh mà đã ẩn chứa bao nỗi xót xa.

- Câu 2: Tâm trạng của người ngắm cảnh:

+ “Độc điếu”: Viếng một mình.

+ “Nhất chỉ thư”: Một tập sách.

+ Hình ảnh của con người một mình viếng người đã khuất qua một tập thơ trước khung cửa sổ.

+ “Độc” - “Nhất”: Người chết cô đơn mà người viếng cũng cô đơn, một lòng đau tìm đến một hồn đau. Câu thơ là cách Nguyễn Du vượt thời gian và sinh tử để tri ngộ, tri âm với người đã khuất bằng sự thành kính và niềm xót thương vô hạn.

-> Hai câu đề vừa là ngoại cảnh vừa là tâm cảnh trước sự hủy diệt của thời gian, đồng thời hé lộ cảm hứng, đề tài của bài thơ.

=> không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại hình ảnh, tâm trạng của nhân vật trữ tình khi viếng người đã khuất mà còn cho thấy tâm sự của tác giả được thể hiện rất rõ qua việc dùng từ rất đắt ở những chữ “Độc”, “nhất”. Câu thơ 7 chữ mà có đến hai từ mang ý nghĩa là “một”. Hai từ “một” nằm trên cùng một câu thơ, phải chăng đây cũng là sự gặp gỡ giữa hai con người: người sống cô đơn và người chết cũng cô đơn. Nguyễn Du đã tìm gặp Tiểu Thanh và khóc thương cho số phận của nàng. Không phải Nguyễn Du “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” mà ở đây, từ phút tri ngộ này, giữa Nguyễn Du và Tiểu Thanh, họ tuy xa mà không hề lạ. Bởi lẽ, họ đã gặp gỡ được nhau, vượt qua mọi khoảng cách của thời gian, không gian, vượt qua mọi rào cản về lịch sử, văn hóa, tuổi tác, thậm chí cả sinh tử, sống chết để tương thông về mặt tâm hồn. Bản dịch thơ dịch “thổn thức” chưa lột tả hết được cái tình của người viếng đối với người đã khuất.

2.2. Hai câu thực

- Hình ảnh ẩn dụ:

+ "Chi phấn" (son phấn): sắc đẹp.

+ "Văn chương": tài năng.

- Hình ảnh nhân hóa:

+ “Liên tử hậu”: son phấn phải xót xa vì những việc sau khi chết.

+ “Lụy phần dư”: văn chương không có số mệnh mà vẫn phải vương vấn luỵ phiền.

-> Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng phải chịu nhiều bất hạnh, trái ngang. Cuộc đời quả thật phi lí, xã hội quả thật nhiều bất công, cái đẹp cái tài luôn bị chà đạp phũ phàng. Tác giả xót thương cho số phận Tiểu thanh, phẫn nộ trước quy luật nghiệt ngã của cuộc đời.

- Nghệ thuật đối lập: Hữu thần >< vô mệnh -> Khẳng định cái đẹp, cái tài có sức sống bất diệt. Niềm tin tưởng vào sự bất tử của cái đẹp, cái tài.

-> Hai câu thực: Niềm trân trọng người tài sắc của Nguyễn Du đồng thời cũng là lời tố cáo xã hội bất công, ngang trái; sự phẫn nộ trước quy luật trái ngang của cuộc đời. Đó là tư tưởng nhân văn trong sáng tác của Nguyễn Du.

=> Đó cũng là số phận của biết bao con người tài hoa, phận mỏng trong xã hội cũ. Không chỉ phẫn nộ, tố cáo xã hội, Nguyễn Du còn thể hiện niềm tin vào sự bất diệt của tài năng, sắc đẹp của những con người tài hoa phong nhã. Tiểu Thanh mất đi nhưng tài năng của nàng thì vẫn còn mãi. Niềm tin ấy, càng được thể hiện rõ nét qua thủ pháp đối lập: “hữu thần” >< “vô mệnh” làm bật lên niềm tin và khẳng định: cái tài, cái mệnh luôn có sức sống mãnh liệt, bất tử ngàn đời. Đó là sự trân trọng mang đậm tính nhân văn của Nguyễn Du đối với những kiếp người trót mang lấy chữ hồng nhan trong cuộc đời. Biểu hiện của chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du.

2.3. Hai câu luận

- Câu 5:

+ Cổ kim hận sự: sự bất công từ xưa đến nay.

+ Thiên nan vấn: khó có thể hỏi trời vì đã là định mệnh -> sự tuyệt vọng trước câu hỏi lớn không lời hồi đáp. Nỗi oan chung của những con người tài hoa phận bạc. Câu thơ là một kết luận mang tính chất triết lý và thấm đẫm nước mắt.

- Câu 6:

+ Phong vận kì oan: nỗi oan của người phong lưu tài hoa.

+ Ngã tự cư (khách tự mang): khách thể, chủ thể nhập làm một, Nguyễn Du tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với những con người mắc nỗi oan vì nết phong nhã -> sự đồng cảm tri âm về nỗi đau thân phận.

-> Hai câu luận: nhận thức sâu sắc của Nguyễn Du về hiện thực xã hội, về cuộc đời; đồng thời bày tỏ nỗi xót xa, căm phẫn, bất bình và bế tắc trước hiện thực ấy.

=> Ở đây tác giả tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng Tiểu thanh, với những con người tài hoa phong nhã để tri âm và đồng điệu về nỗi oan khuất của nàng. Câu thơ còn là một sự nhập thân. Đó là sự nhập thân tự nguyện của Nguyễn Du với những kiếp tài hoa bạc mệnh: "Phong vận kì oan ngã tự cư". Chủ nghĩa nhân đạo đã ở biểu hiện cao nhất bởi lẽ, Nguyễn Du không chỉ cảm thông, xót thương, trân trọng Tiểu Thanh và tố cáo những thế lực chà đạp lên tài sắc của nàng mà còn đồng cảm sâu sắc với nàng, đặt mình vào số phận của nàng để tri âm với nàng. Sự đồng cảm này không phải là sự đồng cảm hời hợt mà là sự đồng cảm đến mức tri âm về nỗi đau thân phận. 

2.4. Hai câu kết

- Cụm từ: “Tam bách dư niên hậu”: một ước số chỉ khoảng thời gian dài.

- Câu hỏi tu từ: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”: bộc lộ nỗi niềm trăn trở, dự cảm nhói buốt, day cứa vào tâm can người đọc.

-> Nỗi cô độc, lẻ loi trong thực tại.

- Động từ “Khấp” - khóc: sự đồng điệu thực sự của những con người tri âm, tri kỉ. Tác giả dùng “Khấp” chứ không dùng “khốc” cho thấy đây là tiếng khóc chảy ngược vào trong. Như vậy “khóc” ở đây là sự thấu hiểu, đồng điệu về mặt tâm hồn, đây là giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Đấy là tiếng khóc của những con người cùng đồng điệu, cùng quan tâm, cùng sẻ chia và cùng quý hóa lẫn nhau. Và đây cũng là niềm mong mỏi cả cuộc đời của ông.

- Xưng tên: Tố Như -> Sự đột phá của cái tôi cá nhân trong thơ trung đại -> Tiếng gọi bạn tri kỉ.

- Hai câu kết: Nguyễn Du 2 lần tự xưng: "ngã" (tôi) và "Tố Như" (tên chữ) đã hé mở một cái tôi cô đơn đến tột độ, một cái tôi tự đau, tự thương. Thương cho người xưa (quá khứ) - thương cho chính mình (hiện tại) và thương cả cho người sau phải khóc mình nữa (tương lai).

- Câu hỏi tu từ: “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?”: thể hiện rõ nét nỗi lòng, tâm trạng cô độc, lẻ loi trong thực tại. Thật vậy, Nguyễn Du không chỉ là một người tài năng, mang trong mình sự thiên bẩm về thơ ca, mà chính Nguyễn Du cũng muốn đem sức mình ra phụng sự cho dân cho nước. Thế nhưng, Tố Như là con người “sinh bất trùng thời” nên mặc dù tài năng nhưng cả cuộc đời chưa làm được gì nhiều cho dân, cho nước. Đó là nỗi đau, nỗi thẹn mà Nguyễn Du phải mang suốt cả cuộc đời mình. Từ nỗi đau, sự cô đơn ấy, tác giả đã đặt ra câu hỏi cho chính bản thân mình mong sẽ gặp được một người tri âm, tri kỉ hòa hợp và khóc cho mình.

=> Nguyễn Du cũng đã khóc vì thời thế, vì nhân thế và vì thân thế. Đó là tiếng khóc ngao ngán vì thời thế, ngậm ngùi vì thân thế và nghẹn ngào vì nhân thế. Có thể thấy, giọt nước mắt ấy chính là tâm lệ của một con người khóc cho người cũng là khóc cho chính mình. Hai câu kết đã thể hiện rõ nét cái tôi cô đơn tuyệt độ của Tố Như.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Nguyễn Du xót xa, thương cảm cho Tiểu Thanh - một hồng nhan bạc mệnh, một tài năng thi ca đoản mệnh, cho những kiếp hồng nhan đa truân, tài tử đa cùng nói chung.

+ Với cảm hứng tự thương và sự tri âm sâu sắc, ông đã đặt vấn đề: quyền sống của người nghệ sĩ, sự cần thiết phải tôn vinh, trân trọng những người làm nên các giá trị văn hóa tinh thần.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ: trữ tình đậm chất triết lí.

+ Sử dụng tài tình phép đối và khả năng thống nhất những hình ảnh đối lập trong hình ảnh, ngôn từ.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về hai câu kết của bài thơ "Đọc Tiểu Thanh kí".

Gợi ý trả lời:

Nguyễn Du luôn đau đáu, đồng cảm, xót thương đến số phận của những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội cũ. Càng thương tiếc Tiểu Thanh bao nhiêu thì Nguyễn Du lại nghĩ đến bản thân mình bấy nhiêu. Rồi mai này Nguyễn Du cũng mất đi nhưng không biết rằng có ai khóc Tố Như không. Câu hỏi cất lên mang đầy sự trăn trở về số phận mình. Câu hỏi đậm giá trị nhân văn, ông muốn hỏi dò tâm ý của mọi người khi nghĩ đến số phận của những người tài hoa sau một thời gian dài sẽ như thế nào. Từ số kiếp tài hoa bạc mệnh của Tiểu Thanh, ông đã liên tưởng đến cuộc đời nhiều sóng gió của bản thân mình. Câu thơ còn khiến cho người đọc phải nghĩ, phải day dứt và xót xa trăm nghìn lần.

Câu 2: Theo em, tại sao Nguyễn Du thường quan tâm đặc biệt tới những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh?

Gợi ý trả lời:

- Một điểm rất dễ nhận thấy điều này chính là Nguyễn Du cho rằng bản thân ông có số phận tương đồng với những con người tài hoa mà bạc mệnh. Đồng thời sâu xa hơn qua số phận những người tài hoa, Nguyễn Du nhìn thấy sự bất công của tạo hóa, sự vùi dập những giá trị tốt đẹp của con người; hơn nữa Nguyễn Du còn là nhà thơ có trái tim rất nhân hậu.

- Tác giả quan tâm đặc biệt tới những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh bởi vì một lẽ đương nhiên rằng tác giả cũng nghĩ đến chính bản thân mình, và từ đó ông cũng nhận ra cuộc đời là đầy rẫy những bất công, khổ ải.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm kiến thức về một vấn đề được các nhà thơ Việt Nam thế kỉ XVIII quan tâm: số phận của những người phụ nữ tài sắc.

- Thấy được Nguyễn Du đã mở rộng nội dung của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại : quan tâm đến thân phận những người làm ra giá trị văn hóa tinh thần bị đối xử bất công.

- Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Du đã toàn diện hơn.

- Thấy được thành công nghệ thuật của bài thơ về từ ngữ, kết cấu.

- Kĩ năng tìm hiểu một bài thơ Đường trữ tình trung đại.

- Trân trọng tình cảm Nguyễn Du; Cảm thương, xót xa cho số phận của nàng Tiểu Thanh; biết yêu mến, nâng niu, trân trọng, bảo vệ cái đẹp trong cuộc đời.

Ngày:16/10/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM