Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự

eLib giới thiệu đến các em bài học Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự với đầy đủ các nội dung chi tiết và hay nhất. Miêu tả và biểu cảm là hai yếu tố quan trọng nhất trong văn tự sự, nhờ những yếu tố này mà văn bản trơt nên hấp dẫn và sinh động. Mời các em cùng tham khảo bài học dưới đây.

Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự

1. Miêu tả và biểu cảm trong văn bản tự sự

Miêu tả là sử dụng ngôn ngữ làm cho người nghe (người đọc, người xem) có thể thấy sự vật, hiện tượng, con người như đang hiện ra trước mắt.

- Biểu cảm bộc lộ những tình cảm, cảm xúc của bản thân trước sự vật, hiện tượng trong đời sống

- Miêu tả trong văn tự sự là phương tiện để làm cho sự vật, con người, sự việc trở nên rõ ràng sinh động. Miêu tả trong văn miêu tả là phương thức chính để biểu hiện sự vật, hiện tượng, con người…

- Biểu cảm trong văn tự sự cũng là phương tiện để bộc lộ cảm xúc trước nhân vật, hiện tượng, sự vật. Biểu cảm trong văn biểu cảm với mục đích chính thể hiện tình cảm, cảm xúc trước sự vật, hiện tượng.

2. Quan sát, liên tưởng tưởng tượng đối với việc miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự.

Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết phải quan tâm tìm hiểu cuộc sống, con người, bản thân, đồng thời chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng về sự vật, hiện tượng khách quan.

- Miêu tả cần đến quan sát nhưng cũng cần đến liên tưởng, tưởng tượng, vì liên tưởng giúp cho việc so sánh, lựa chọn các chi tiết quan sát được, còn tưởng tượng giúp hình dung ra sản phẩm (hình tượng) một cách hoàn chỉnh và sáng tạo.

- Để câu chuyện không gây cảm giác khô khan, người kể phải: Tìm xúc cảm, rung động từ sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng, hồi ức; từ những sự vật, sự việc đã và đang lay động trái tim người kể.

3. Luyện tập

Câu 1: Có người cho rằng : “Muốn chia văn miêu tả riêng, văn kể chuyện riêng, nhưng không thể làm được. Vì chỉ có đôi đoạn văn thuần là miêu tả, hoặc thuần là kể chuyện, còn phần lớn, cả hai thể loại đều xen kẽ lẫn vào nhau”.

Anh (chị) có tán thành ý kiến đó không ? Vì sao ?

Gợi ý trả lời:

- Người nêu ý kiến được dẫn trong bài tập có thể đã đúng khi cho rằng, trong thực tế, “chỉ có đôi đoạn văn thuần là miêu tả, hoặc thuần là kể chuyện, còn phần lớn, cả hai thể loại đều xen kẽ lẫn vào nhau”. Điều đó chứng tỏ miêu tả, tự sự và biểu cảm là những kiểu văn bản gắn bó vói nhau mật thiết.

- Nhưng không thể từ đó mà kết luận rằng không thể “chia văn miêu tả riêng, văn kể chuyện riêng”. Vì một văn bản tự sự, dù có sử dụng nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm đến đâu, thì mục đích chủ yếu của nó vẫn không phải là miêu tả mà là kể chuyện. Có thể nói tương tự như thế về một văn bản miêu tả.

Câu 2: Viết một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm kể về một khuyết điểm, một lầm lỡ khiến anh (chị) còn thấy ân hận mãi.

Gợi ý trả lời:

MẨU CHUYỆN NHỎ

[…] Ấy là vào mùa đông năm Dân quốc thứ 6 (1917). Gió bắc thổi mạnh lắm, nhưng vì sinh kế, vừa sáng sớm, tôi đã phải ra đường. Dọc đường hầu như không gặp ai cả. vất vả lắm mới thuê được một chiếc xe kéo, bảo kéo đến cửa S. Một lát, gió dịu dần. Mặt đường không còn một hạt bụi, sạch bóng. Anh xe chạy càng nhanh. Gần đên cửa S, bỗng một người nào vướng phải càng xe, rồi ngã dần dần xuống.

[…] Bà ta nằm phục dưới đất, anh xe cũng vừa dừng lại. Tôi đoán bà ta chẳng bị thương tích gì, vả cũng không ai trông thấy. Tôi trách anh xe đa sự, tự chuốc lấy việc lồi thôi vào mình làm tôi phải đi trễ.

Tôi nói:

- Không việc gì đâu mà ! Kéo đi thôi.

Anh xe chẳng để ý đến lời tôi nói, hoặc giả không nghe thấy chăng, cứ đặt xe xuống, đi lại dìu bà kia từ từ đứng dậy, đỡ lấy cánh tay cho bà ta đứng vững, rồi hỏi:

- Có làm sao không ?

- Ngã đau lắm.

Tôi nghĩ bụng : “Chính mắt tôi trông thấy bà ngã dần dần xuống kia mà, làm sao lại có thể đau được ! Chỉ được cái làm bộ thôi. Thật đáng ghét. Còn anh, cũng đa sự, tự chuốc lấy phiền não vào thân, bây giờ mặc kệ anh, anh xoay xở lấy”.

Anh xe nghe bà kia nói thế, nhưng không chần chừ tí nào, vẫn đỡ lấy cánh tay bà ta, dìu đi từng bước một về phía trước. Tôi hơi lấy làm ngạc nhiên, vội nhìn về phía trước. Thì ra, phía trước là một cái đồn cảnh sát. Chính anh xe đang dìu bà kia tới cổng cái đồn ấy.

Lúc bấy giờ, tôi vụt có cảm giác rất lạ: cái bóng anh xe người đầy cát bụi kia, nhìn từ phía sau, bỗng to dần ra. Anh càng bước tới, cái bóng càng to thêm, phải ngước lên nhìn mới thấy được, và dần dần cơ hồ biến thành một sức nặng đè lên người tôi đến nỗi làm cho cái “thằng tôi nhỏ nhen”, che giấu dưói làn áo da, như muốn lòi ra ngoài.

[…] Mẩu chuyên này, đến bây giờ, tôi thường thường vẫn nhớ tói, và do đó, cảm thấy đau khổ vô cùng và cố gắng suy nghĩ về con ngưòi tôi […] Mẩu chuyện nhỏ này cứ hiện lên trước mắt, có lúc rất rõ khiến tôi hết sức xấu hổ, thúc giục tôi phải tự sửa mình, và cũng làm cho tôi càng thêm can đảm, càng thêm hi vọng.

(Lỗ Tấn, trong Lỗ Tấn, Truyện ngắn tuyển tập,

Trương Chính dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1972)

4. Kết luận

- Muốn miêu tả và biểu cảm thành công, người viết phải quan tâm tìm hiểu cuộc sống, con người, bản thân, đồng thời chú ý quan sát, liên tưởng, tưởng tượng về sự vật, hiện tượng khách quan.

  • Miêu tả cần đến quan sát nhưng cũng cần đến liên tưởng, tưởng tượng, vì liên tưởng giúp cho việc so sánh, lựa chọn các chi tiết quan sát được, còn tưởng tượng giúp hình dung ra sản phẩm (hình tượng) một cách hoàn chỉnh và sáng tạo.

  •  Để câu chuyện không gây cảm giác khô khan, người kể phải: Tìm xúc cảm, rung động từ sự quan sát, liên tưởng, tưởng tượng, hồi ức; từ những sự vật, sự việc đã và đang lay động trái tim người kể.

Ngày:05/08/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM