Tóm tắt văn bản thuyết minh Ngữ văn 10

Xin giới thiệu đến các em bài học Tóm tắt văn bản thuyết minh. Nội dung bài học này đã được eLib biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tóm tắt văn bản thuyết minh Ngữ văn 10

1. Mục đích, yêu cầu tóm tắt văn bản thuyết minh

a. Mục đích

- Hiểu và ghi nhớ những nội dung cơ bản của bài văn.

- Giới thiệu với người khác về đối tượng thuyết minh hoặc về văn bản đó.

b. Yêu cầu

- Ngắn gọn, rành mạch.

- Sát với nội dung văn bản gốc.

2. Cách tóm tắt văn bản thuyết minh

- Xác định mục đích, yêu cầu tóm tắt.

- Đọc văn bản gốc để nắm vững đối tượng thuyết minh.

- Tìm bố cục văn bản.

- Tóm lược các ý để hình thành văn bản tóm tắt.

3. Luyện tập

Câu 1. Tóm tắt phần Tiểu dẫn của bài Phú sông Bạch Đằng.

Gợi ý làm bài:

Trương Hán Siêu làm quan dưới bốn đời vua Trần, là người nổi tiếng về tài đức.

Bài Phú sông Bạch Đằng, một trong những bài phú viết bằng chữ Hán hay vào bậc nhất nước ta thời trung đại, vừa chứa chan lòng tự hào dân tộc, vừa đọng một nỗi đau hoài cổ và có tư tưởng triết lí.

Bài phú được viết theo lối cổ phú.

Câu 2. Đọc văn bản sau và viết một đoạn văn tóm tắt (khoảng 10 câu) phần thân bài.

                                                                         TRANH ĐÔNG HỒ                                                                                           

Ca dao xưa có câu :

"Làng Mái có lịch có lề,

Có ao tắm mát có nghề làm tranh."

Ca từ mang nội dung như một lời tự giới thiệu dẫn ta về làng Mái. Đó là làng Đông Hồ – tên cũ là Đông Mái – được người dân gọi bằng cái tên nôm na : Làng Hồ. Là quê hương của dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng, nó nằm ở phía bên phải con sông Đuống, trong huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tranh Đông Hồ cũng gọi là tranh Tết làng Hồ phục vụ nông dân lao động. “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong – Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Câu thơ của thi sĩ Hoàng Cầm đã khái quát vẻ đẹp mộc mạc, dân dã của tranh Đông Hồ. Nó là loại tranh khắc gỗ in trên giấy dó, nền được quét điệp với những thớ khoẻ lấp lánh bạc, hoặc rực rỡ màu vàng cam, vàng quýt bởi được phủ thêm nước gỗ vang hay nước hoa hoè. Tranh được in cả nét lẫn màu, màu in trước nét in sau, tranh có bao nhiêu màu là có bấy nhiêu lần in. Bảng màu của tranh đều là những màu lấy trong tự nhiên gần gũi với đời sống con người, như trắng của sò điệp, đen của than lá tre, đỏ từ thỏi son, xanh của lá chàm, vàng của quả dành dành… Khi sản xuất tranh, người ta lấy hồ nếp trộn với màu tạo độ quánh cho dễ in, màu bền khó phai. Những màu đó được in thành các mảng cạnh nhau, cuối cùng là in ván nét đen to đậm mềm mại bao quanh các mảng màu thành một tờ tranh hoàn chỉnh.

Tranh Tết Đông Hồ rất phong phú về nội dung, có tranh đơn chiếc, nhưng đa số là tranh bộ đôi, bộ tứ, dường như chịu ảnh hưởng từ thể biền ngẫu trong văn học. Chúng đối nhau từ màu nền, nội dung và cả chữ trên tranh. Chủ đề trừ tà, cầu phúc, chúc tụng như các tranh : Gà đại cát, Gà trống, Tiến tài, Tiến lộc, Ông tướng trấn môn,… chủ đề cảnh vật, sinh hoạt quan hệ gia đình, xã hội có : Lợn đàn, Gà đàn, Thầy đồ cóc, Trạng chuột vinh quy, Đánh vật, Rước trống, Hứng dừa, Đánh ghen, Rước rồng, Múa kì lân… hay những tranh có nội dung ca ngợi anh hùng dân tộc như : Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu xuất quân, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, hoặc bắt nguồn cảm hứng từ các tác phẩm văn học cổ điển như : Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên…

Hầu hết tranh Đông Hồ đều có thơ hoặc phương ngôn bằng chữ Nôm hay chữ Hán. Trong thơ có hoạ và trong hoạ có thơ đã thể hiện mĩ cảm của người phương Đông. Thơ và hoạ gắn bó với nhau vừa tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh của bố cục, vừa nói lên tâm tư, tình cảm của người nghệ sĩ dân gian “đối cảnh sinh tình”.

[…] Di sản tranh Đông Hồ là tiếng nói tự tâm hồn gửi đến tâm hồn từ đời xưa truyền lại, cũng là một kho tri thức, một phương tiện giáo dục phản ánh của một xã hội ấm áp tình người, một thành tựu đáng kể của mĩ thuật cố có sức sống trường tồn trong tâm thức người dân Việt. Nó hàm chứa một hệ thống giá trị từ nội dung giàu tính nhân văn, vẻ đẹp của bố cục, màu sắc, đường nét, tới những đặc điểm về lịch sử văn hoá dân tộc. Nó được đông đảo nhân dân Việt Nam ưa chuộng, bảo vệ, lưu truyền và đứng ở vị trí quan trọng trong nền mĩ thuât tạo hình dân tộc.

(Theo Đặng Thế Minh, trong Thuyết minh Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam, 2000)

Gợi ý làm bài:

Cần thực hiện các bước như sau :

a) Xác định đối tượng thuyết minh của văn bản.

b) Tìm bố cục của văn bản :

– Mở bài (từ đầu đến “tỉnh Bắc Ninh”): Giới thiệu quê hương của tranh Đông Hồ.

– Thân bài (từ “Tranh Đông Hồ” đến “đối cảnh sinh tình”): Thuyết minh những đường nét và nội dung của tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó còn có đặc điểm, màu sắc và chất liệu. 

– Kết bài (đoạn còn lại) : Nhấn mạnh giá trị nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa giáo dục của tranh Đông Hồ.

c) Viết một đoạn văn tóm tắt phần thân bài : Dựa vào những gợi ý trên, anh (chị) hãy tự thực hiện.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu mục đích và yêu cầu của việc tóm tắt văn bản thuyết minh

- Tóm tắt được một văn bản thuyết minh có nội dung đơn giản về một sản vật, một danh lam thắng cảnh, một hiện tượng văn học…

- Tóm tắt một văn bản thuyết minh có nội dung đơn giản.

- Trình bày văn bản tóm tắt trước tập thể.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM