Ca dao hài hước Ngữ văn 10

Bài học dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được tiếng cười lạc quan trong ca dao qua nghệ thuật trào lộng thông minh, hóm hỉnh của người bình dân cho dù cuộc sống của họ còn nhiều vất vả, lo toan. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ca dao hài hước Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Khái quát về ca dao hài hước

- Khái niệm: Ca dao hài hước là tác phẩm thơ trữ tình dân gian.

- Đặc điểm của ca dao hài hước:

+ Nội dung:

  • Tiếng cười tự trào là tiếng cười lạc quan yêu đời của người lao động, dù họ phải sống trong cảnh nghèo khổ.
  • Tiếng cười mua vui, giải trí thể hiện niềm lạc quan của họ trong cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan.

+ Nghệ thuật:

  • Hư cấu, dựng cảnh tài tình.
  • Chọn lọc những chi tiết điển hình.
  • Cường điệu phóng đại, dùng ngôn ngữ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc... để tạo ra những nét hài hước hóm hỉnh.

1.2. Tác phẩm

Những bài ca dao trên có thể được phân loại như sau:

- Bài 1: Ca dao hài hước tự trào (tự cười mình).

→ Mục đích: Mua vui, biểu hiện tinh thần lạc quan.

- Bài 2, 3, 4: Ca dao hài hước châm biếm, phê phán.

→ Mục đích: Mua vui, châm biếm, phê phán cái xấu.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Ca dao hài hước tự trào (bài 1)

- Ca dao hài hước tự trào ở bài này được viết theo thể đối đáp giữa chàng trai và cô gái (2 nhân vật trữ tình).

+ Lời chàng trai về lễ vật dẫn cưới:

  • Cách nói khoa trương, phóng đại: Dẫn voi- dẫn trâu - dẫn bò → lễ vật sang trọng.
  • Cách nói giả định: “toan dẫn” → là cách nói thường gặp của các chàng trai nghèo đang yêu ngày xưa.
  • Cách nói đối lập: Dẫn voi >< Sợ quốc cấm; Dẫn trâu >< Sợ họ máu hàn; Dẫn bò >< Sợ họ nhà nàng co gân.

→ Chàng trai là người cẩn thận, biết quan tâm và tôn trọng gia tộc nhà cô gái. Đồng thời, chàng còn là người khéo léo, có lí, có tình, dễ tạo được sự cảm thông của mọi người và nhất là của cô gái.

  • Cách nói giảm dần: voi → trâu → bò → chuột.
  • Chi tiết hài hước “Miễn là có thú bốn…”.

→ Tiếng cười bật lên, vì: Lễ vật của anh “sang trọng”, khác thường quá, cũng là loài “thú bốn chân” ngang tầm với voi, trâu, bò. Chàng trai khéo nói quá. Gia cảnh thực của chàng trai: rất nghèo. +Tính cách của chàng trai: cẩn thận, chu đáo, khéo léo, dí dỏm, ưa trào lộng.

+ Lời cô gái:

  • Lời đánh giá về lễ vật dẫn cưới của chàng trai: Sang → có giá trị cao, đàng hoàng, lịch sự.

→ Tấm lòng bao dung của cô gái cùng chung cảnh ngộ với chàng trai.

  • Cách nói về lễ vật thách cưới: Cách nói đối lập: Người ta thách lợn, gà >< Nhà em thách cưới một nhà khoai lang. “Một nhà khoai lang” có 2 cách hiểu: số lượng bằng một nhà; Cả nhà, cả họ nhà khoai lang (củ to, củ nhỏ, củ rím, củ hà,...).

-> Lễ vật “một nhà khoai lang” vừa khá lớn lại vừa thật bình dị mà khác thường của lề vật thách cưới của gia đình cô gái làm bật lên tiếng cười.

  • Lời giải thích của cô gái về việc sử dụng lễ vật thách cưới: Củ to - mời làng; Củ nhỏ - họ hàng ăn chơi; Củ mẻ - con trẻ ăn chơi; Củ rím, củ hà - lợn, gà ăn.

→ Sự đảm đang, tháo vát, tình cảm đậm đà của cô gái nghèo với họ hàng, gia đình, làng xóm. Cuộc sống sinh hoạt hoà thuận, nghĩa tình trong nhà ngoài xóm của nhân dân lao động.

  • Cách nói giảm dần: Củ to → củ nhỏ → củ mẻ → củ rím → củ hà.

→ Tính hất trào lộng, đùa vui. Là lời thách cưới khác thường, vô tư, thanh thản, tràn đầy lòng lạc quan yêu đời.

- Tiểu kết:

+ Nghệ thuật: lối nói khoa trương, phóng đại; lối nói giảm dần; lối nói đối lập.

+ Bài ca dao trên là tiếng cười tự trào về cảnh nghèo của người lao động. Đằng sau tiếng cười là thái độ phê phán hủ tục thách cưới nặng nề ngày xưa.

+ Ý nghĩa:

  • Thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, vượt lên cuộc sống khốn khó.
  • Triết lí nhân sinh đẹp: Đặt tình nghĩa cao hơn của cải.

2.2. Ca dao hài hước châm biếm, phê phán (Bài 2, 3, 4)

a. Bài 2:

- Đối tượng: Những kẻ làm trai, những đức ông chồng vô công rỗi nghề và cả những ông chồng coi vợ mình cái gì cũng đẹp, cũng đáng yêu.

- Mở đầu bằng mô típ quen thuộc: Làm trai cho đáng nên trai.

- Đối lập: Câu 1 >< Câu 2; Lẽ thường >< Sự thật về anh chàng trong bài ca dao này.

-> Lẽ thường: Làm trai phải có sức trai khoẻ mạnh, giữ vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa vững chắc cho vợ con, phải là “Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên”, “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng”,...

- Hình ảnh phóng đại, đối lập:

+ Khom lưng chống gối >< Gánh 2 hạt vừng.

+ Tư thế rất cố gắng >< Công việc quá nhỏ bé, cố gắng hết sức.

→ Tiếng cười bật lên giòn giã.

- Tiểu kết: Bài ca dao châm biếm, phê phán những anh chàng yếu đuối, không đáng sức trai, vô tích sự.

b. Bài 3:

- Đối tượng: Người chồng lười biếng, chỉ biết ăn không rồi ngồi nơi xó bếp.

- Hình ảnh tương phản: Chồng người >< chồng em.

-> Nghệ thuật đối lập, phóng đại tạo nên tiếng cười, mỉa mai loại đàn ông không có ý chí.

c. Bài 4:

- Vợ trong mắt chồng:

+ Lỗ mũi mười tám gánh lông >< râu rồng trời cho.

+ Ngáy o o >< cho vui nhà.

+ Hay ăn quà >< đỡ cơm.

+ Đầu rác rơm >< hoa thơm.

- Nghệ thuật:

+ Cường điệu, phóng đại, so sánh, trí tưởng tượng phong phú.

+ Cấu trúc câu "chồng yêu chồng bảo": âm hưởng vui đùa, bỡn cợt, thích thú.

=> Châm biếm nhẹ nhàng những người phụ nữ không ý tứ, chưa biết cách điều chỉnh mình.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tâm hồn lạc quan yêu đời và triết lí nhân sinh lành mạnh của người lao động Việt Nam trong ca dao - dân ca.

- Về nghệ thuật: 

+ Hư cấu, dựng cảnh tài tình.

+ Khắc họa nhân vật bằng những nét điển hình với những chi tiết có giá trị khái quát cao.

+ Cường điệu, phóng đại, tương phản, đối lập.

+ Dùng ngôn ngữ đời thường mà hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, tạo ra được những bức tranh hài hước, hóm hỉnh mà có ý giễu cợt sâu sắc.

4. Luyện tập

Câu 1: Nêu cảm nhận của em về hai câu thơ sau:

“Làm trai cho đáng sức trai

Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”

Gợi ý trả lời:

Có thể khẳng định rằng ca dao, tục ngữ luôn chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học dân gian nói riêng và nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Ca dao ngắn gọn nhưng ý nghĩa hàm súc, mang đến cho bạn đọc những suy ngẫm sâu sắc về cách nghĩ, cách cư xử của con ngừơi trong cuộc sống. Trong đó, không thể không kể đến câu ca dao quen thuộc “Làm trai cho đáng sức trai/ Khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng”. Câu ca dao tuy đơn giản nhưng mang ý vị sâu xa, nhằm châm biếm, gợi tiếng cười chê trách sâu cay cho những thân phận đấng nam nhi trong thiên hạ mà lười biếng, yếu ớt không làm được việc gì ra hồn, gây ảnh hưởng đến bản thân và xã hội.

Câu 2: Em hãy sưu tầm một số bài ca dao hài hước khác.

Gợi ý trả lời:

(1) “Chú tôi hay tửu hay tăm

Hay uống chè đặc hay nằm ngủ trưa

Ban ngày thì muốn trời mưa

Ban đêm thì muốn cho thừa trống canh".

(2) “Trên trời có vảy tê tê

Có ông bảy vợ không chê vợ nào

Một vợ tát nước bờ ao

Phải trận mưa rào đứng núp bụi tre

Một vợ thì đi buôn bè

Cơn sóng cơn gió nó đè xuống sông

Một vợ thì đi buôn bông

Chẳng may cơn táp nó vồng lên trên...

Than rằng đất hỡi trời ơi

Trời cho bảy vợ như tôi làm gì".

(3) “Ăn rồi nằm ngả nằm nghiêng

 Có ai lấy tớ thì khiêng tớ vào".

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của một số bài ca dao châm biếm, hài hước.

- Nghệ thuật trào lộng thông minh hóm hỉnh của người bình dân.

- Trân trọng tâm hồn lạc quan yêu đời của người lao động và yêu quý tiếng cười của họ trong ca dao. Rèn luyện tinh thần lạc quan dù trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ.

Ngày:22/09/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM