Thơ Hai-cư của Ba-sô Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về thể loại thơ Hai-cư - một thể thơ cực ngắn. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em hiểu hơn về nhà thơ Ba-sô - một nhà thơ hàng đầu của Nhật Bản. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Thơ Hai-cư của Ba-sô Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Vài nét về tác giả Ba-sô

- Ba-sô (1644-1694) tên thật là Masuô Bashô (Tùng Vĩ Ba Tiêu) là một nhà thơ nổi tiếng của văn học Nhật Bản.

- Quê ở tỉnh Iga (nay là tỉnh Miê).

- Gia đình thuộc tầng lớp võ sĩ cấp thấp.

- Khoảng năm 28 tuổi chuyển đến Ê-đô (Tôkiô)  sống và sáng tác thơ Hai-cư với bút danh Ba-sô (Ba Tiêu).

- 10 năm cuối đời, ông đi khắp đất nước viết du ký và làm thơ Hai Cư.

- Ông mất ở OsaKa khi mới 50 tuổi.

- Tác phẩm nổi tiếng nhất: “Lối lên miền Oku” (1689).

1.2. Đặc điểm thơ Hai-cư

- Thể thơ: Hai-cư là một thể thơ truyền thống độc đáo của Nhật Bản (thi quốc), được hình thành từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XVII có những thành tựu nổi bật.

- Hình thức: thơ Hai-cư thuộc loại ngắn nhất thế giới (cả bài chỉ 17 âm tiết, ngắt thành 3 đoạn 5-7-5). Nguyên bản tiếng Nhật chỉ có một câu thơ:

+ Dòng 1: Giới thiệu.

+ Dòng 2: Tiếp tục ý trên và chuẩn bị cho dòng 3.

+ Dòng 3: Ý thơ kết lại nhưng không rõ ràng, mở ra những suy ngẫm, cảm xúc cho người đọc ngân nga, lan tỏa.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tìm hiểu bài 1 - 4

- Bài 1:

+ Quý ngữ: Mùa sương - mùa thu.

+ Nội dung: Đất khách, đất lạ hóa thành quê hương khi đã có thời gian sống, gắn bó và xa cách.

+ Ghi lại sự thực về cuộc đời nhiều biến đổi, lãng du của Ba-sô: quê ở Mi-ê, lên Ê-đô (Tô-ki-ô) ở được 10 năm rồi trở về thăm quê. Gợi tình cảm tha thiết, chân thành với miền đất từng gắn bó: Ê-đô. Cố hương- quê cũ -> nơi gắn bó máu thịt.

- Bài 2:

+ Quý ngữ: Chim Đỗ quyên - mùa hè.

+ Sự chuyển đổi cảm giác: Tiếng chim gợi nhớ đến kinh đô. Ở kinh đô mùa hè gợi nhớ kinh đô ngày xưa kỷ niệm đã qua.

+ Trong văn học Trung Quốc, chim Đỗ Quyên gắn với điển tích Vua Thục bị mất nước. Tuy nhiên ở đây các nhà nho cố ý dịch ra thành chim cuốc vì nó cũng xuất hiện vào đầu hè, thường kêu rất buồn và còn đồng âm với chữ quốc (nước). Ở Nhật Bản, chim đỗ quyên là chim hô-tô-tô-ghi-su thường kêu vào đầu hè, nó không hót khi trời đẹp mà hót khi trời xẩm tối, vào đêm trăng, sau khi trời mưa,… tiếng kêu rất tha thiết. Vì thế nó thường được dùng để chỉ sự thương tiếc thời gian, đặc biệt là thể hiện nỗi buồn và sự vô thường. Ba-sô trở về kinh đô sau 20 năm, nghe tiếng đỗ quyên mà nhớ kinh đô năm nào là thế.

- Bài 3:

+ Quý ngữ: Làn sương thu - mùa thu.

+ Cuộc đời ngắn ngủi, mong manh như làn sương hay dòng nước mắt của người con đối với mẹ.

+ Chuỗi hình ảnh kết hợp: giọt nước mặt - mớ tóc bạc - làn sương thu tạo nên trường liên tưởng, gợi mở các lớp nghĩa: Tóc mẹ như sương - con khóc cho đời mẹ buồn thương trong nỗi ngậm ngùi. Giọt nước mắt như sương - hòa tan nỗi đau của con vào thiên nhiên. Cuộc đời mỏng manh như hạt sương ngắn ngủi, vô thường.

-> Bài thơ mơ hồ, đa nghĩa, ghi dấu khoảnh khắc thiêng liêng của tình mẫu tử, nối kết giữa mất - còn, hữu hạn - vô hạn.

- Bài 4:

+ Tác giả nhắc đến tiếng vượn hú khiến câu thơ nghe rùng rợn nhưng không kém phần sâu sắc về ý nghĩa, Ba-sô kể chuyện một lần đi ngang qua cánh rừng ông bỗng nghe thấy tiếng vượn hú. Tiếng ấy gợi ông nhớ đến tiếng khóc của một em bé bị bỏ rơi trong rừng.

+ Ở Nhật, ngày xưa vào những năm mất mùa có nhà không nuôi nổi con phải bỏ con vào rừng. Thậm chí còn đang tâm giết đứa trẻ nữa. Nghe tiếng vượn hú mà Ba-sô lại liên tưởng đến tiếng người. Tiếng vượn hay chính là tiếng trẻ con khóc thật. Trong gió mùa thu hay tiếng gió đang than khóc cho nỗi đau của con người.

2.2. Tìm hiểu bài 5 - 8

- Bài 5:

+ Quý ngữ: mưa - mùa đông.

+ Tác giả đã nhắc đến mùa đông cùng hình ảnh chú khỉ, bài thơ này Ba-sô đã sáng tác khi đi du hành ngang qua một cánh rừng, ông thấy một chú khỉ nhỏ đang lạnh run lên trong cơn mưa mùa đông. Nhà thơ tưởng tượng thấy chú khỉ đang thầm ước có một chiếc áo tơi để che mưa, che lạnh.

+ Hình ảnh chú khỉ đơn độc trong bài thơ gợi lên hình ảnh người nông dân Nhật Bản, gợi hình ảnh những em bé nghèo đang co ro trong cơn lạnh. Bài thơ thể hiện tình thương yêu sâu sắc của nhà thơ đối với những kiếp người nghèo khổ.

- Bài 6:

+ Quý ngữ: Hao đào - mùa xuân.

+ Hoa đào rụng lả tả như mây hoa rơi xuống làm mặt nước hồ gợn sóng.

-> Triết lý sâu sắc: Sự tương giao giữa các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ, thiên nhiên.

+ Chuỗi hình ảnh liên kết sự vật: không gian (ánh sáng) - hoa anh đào màu sắc) - làn sóng hồ (vật thể).

=> Bức tranh mùa xuân giao hòa, mềm mại, nhẹ nhàng, thể hiện quan niệm vạn vật tương giao. Gợi nỗi buồn man mác trước sự rơi rụng của cái đẹp trong mùa xuân.

- Bài 7:

+ Vắng lặng ưu trầm của phong cảnh thiên nhiên được tái hiện qua hình ảnh tiếng ve ngâm.

+ Bài thơ ra đời trong một lần Ba-sô leo lên núi đá để thăm chính điện chùa Riu-sa-ku-ji. Tiếng ve là thanh, đá là vật. Nhưng trong cảnh u tịch, vắng lặng của chiều tà, khi tất cả đều im ắng hết lại có thể nghe được tiếng ve rền rĩ như nhiễm vào, như thấm vào đá. Liên hệ đó độc đáo, kì lạ mà không hề khoa trương.

- Bài 8:

+ Ba-sô ngay cả khi gần chết, ông cũng viết một bài thơ báo trước kết cục của đời mình. Bài thơ này viết ở Ô-sa-ka (năm 1694). Đây là bài thơ từ thế của ông. Trước đó, ông đã thấy mình yếu lắm rồi, như một cánh chim sắp sửa bay khuất vào chân trời vô tận.

+ Nhưng cả cuộc đời Ba-sô là cuộc đời lang thang phiêu bồng, lãng du. Vì thế ngay cả khi sắp từ giã cõi đời, ông vẫn còn lưu luyến lắm, vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đi - đi bằng hồn mình. Và ta lại như thấy hồn Ba-sô lang thang trên khắp những cánh đồng hoang vu.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Phản ánh tâm hồn người Nhật - tâm hồn ưa thích hòa nhập với thiên nhiên, vì vậy nội dung thường hướng đên một phong cảnh, một vài sự vật cụ thể, một tứ thơ, một cảm xúc, một suy tư… của người viết.

- Về nghệ thuật:

+ Thủ pháp tượng trưng: Thể hiện một khoảnh khắc của cảnh vật và đỉnh điểm của cảm xúc, hàm súc nghệ thuật khơi gợi chứ không phải là hàm xúc của châm ngôn, triết lý, thiên nhiên. Tìm cái đẹp trong những hình ảnh giản dị bình thường của thiên nhiên.

+ Thấm đẫm tinh thần Thiền tông (Phật giáo) và tinh thần văn hóa phương Đông.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy sưu tầm một số bài thơ Hai-cư khác của Ba-sô hoặc một số tác giả khác.

Gợi ý trả lời:

(1). Trên bờ biển cát
Bồ công anh, bồ công anh
Mùa xuân mở mắt.

(Seisensui Ogiwara)

(2). Quanh quẩn bên ta
Lâu rồi
Bướm thành bướm nhà.

(Seisensui Ogiwara)

(3). Trên chuyến tàu điện
Chỉ toàn thấy
Những người đi làm mà thôi.

(Hosai Ozaki)

(4). Người con gái
Trên tờ báo dán tường
Lúc nào cũng khóc.

(Hosai Ozaki)

Câu 2: Thơ Hai-cư khi viết về đề tài thiên nhiên có gì đặc biệt?

Gợi ý trả lời:

- Khi nói về đề tài thiên nhiên trong thể thơ Hai-cư cũng hết sức đặc biệt, hầu hết các tác giả đều tái hiện thế giới thiên nhiên trong thơ Hai-cư mang nhiều màu sắc rực rỡ, huyền bí và đầy quyến rũ. Đó là bức tranh thiên nhiên không chỉ có trăng, sao, hoa, lá, cỏ, cây mà còn là tiếng chim gù trong ban trưa tĩch mịch, tiếng dế mèn kêu trong đêm, tiếng chim gọi bầy và những áng mây xa, những cơn sóng, những cánh hoa anh đào... Đứng trước biển, trước những chuyển động của đất trời, con người càng ý thức về bản ngã của mình và lắng nghe được bước chuyển của thiên nhiên.

- Trong thơ Hai-cư nổi bật yếu tố "mùa". Vì thế người ta ví thơ Hai-cư là tiếng hát của bốn mùa và "mùa" được xem là quí ngữ (Kigo) của thơ Hai-cư. Sự luân chuyển của "mùa" thể hiện nhịp điệu của thế giới thiên nhiên và đời sống con người, và đó là sự vận động của thời gian. Khi cái nóng oi nồng làm tàn lụi những cánh anh đào rực rỡ của mùa xuân qua đi thì cái se lạnh của mùa thu ùa về làm cho màu xanh chuyển sang màu vàng, tiếng chim hót bỗng dừng và rồi những bông tuyết trắng xóa bắt đầu rơi báo hiệu mùa đông đến. Sự xoay vần của tạo hóa trên đất nước đã tạo cho con người Nhật mang những nét tính cách thật đặt biệt.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Thơ Hai-cư và đặc trưng của nó.

- Thơ Hai-cư của Ba-sô.

- Hình ảnh thơ mang tính triết lí, giàu liên tưởng.

- Cách tìm hiểu thể thơ Hai-cư.

- Tự giác đọc thêm về thơ Hai-cư; tập làm thơ Hai-cư. Trân trọng một nét đẹp trong văn hóa Nhật Bản; biết yêu quê hương, đất nước; biết yêu thiên nhiên.

Ngày:17/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM