Nội dung và hình thức của văn bản văn học Ngữ văn 10

Một văn bản văn học hay thì cần có sự hòa hợp đặc biệt về cả nội dung và hình thức, thiếu đi một trong hai yếu tố thì văn bản sẽ mất đi rất nhiều những giá trị mà nó nên có. Hôm nay eLib xin giới thiệu đến các em bài học Nội dung và hình thức của văn bản văn học. Mời các em cùng tham khảo nhé. Chúc các em học tập tốt.

Nội dung và hình thức của văn bản văn học Ngữ văn 10

1. Các khái niệm của nội dung và hình thức trong văn bản văn học

1.1. Các khái niệm thuộc về mặt nội dung

a. Đề tài

- Là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

- Ví dụ:

+ Đề tài người phụ nữ trong xã hội phong kiến: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều),...

+ Đề tài người nông dân trước cách mạng: Lão Hạc, Chí Phèo (Nam Cao), Tắt đèn (Ngô Tất Tố),...

b. Chủ đề

- Là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Nó là vấn đề được nhà văn quan tâm và thể hiện chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống.

- Ví dụ: 

+ Chủ đề của Truyện Kiều là vận mệnh của con người trong xã hội phong kiến bất công tàn bạo.

+ Chủ đề của Chí Phèo là vấn đề người nông dân bị lưu manh hóa, phát hiện và khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân; tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến chà đạp lên quyền sống của con người.

c. Tư tưởng của văn bản

- Là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc.

- Ví dụ: Tư tưởng văn bản Truyện Kiều:

+ Tố cáo tất cả các thế lực bạo tàn chà đạp lên quyền sống của con người (quan lại, quý tộc, những kẻ buôn thịt bán người; thế lực đồng tiền).

d. Cảm hứng nghệ thuật

- Là nội dung chủ đạo của văn bản. Nó là trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm, hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu lên trong văn bản.

- Ví dụ: Cảm hứng nghệ thuật của Truyện Kiều:

+ Tố cáo, lên án các thế lực bạo tàn.

+ Đồng cảm, xót thương trước những khổ đau của con người.

+ Yêu thương, trân trọng, ngợi ca những vẻ đẹp của con người.

1.2. Các khái niệm thuộc về mặt hình thức

a. Ngôn từ

- Là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học.

- Các chi tiết, sự việc, hiện tượng, nhân vật,... đều được xây dựng bằng ngôn từ.

- Ngôn từ là cơ sở vật chất của văn bản văn học, nhờ có chúng, ta mới lần lượt tìm hiểu được từng tầng nghĩa của văn bản văn học.

- Biểu hiện trong câu, hình ảnh, giọng điệu văn bản.

- Ngôn từ trong mỗi văn bản văn học cụ thể đều có cái chung mang tính quy ước của 1 cộng đồng dân tộc về cách dùng từ, đặt câu và diễn đạt...nhưng bao giờ cũng mang dấu ấn riêng của nhà văn (do khả năng và sở thích khác nhau)

b. Kết cấu

Là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành 1 đơn vị thống nhất, hoàn chỉnh và có ý nghĩa.

c. Thể loại

Là những quy tắc tổ chức văn bản thích hợp với nội dung văn bản: thơ, tiểu thuyết, kịch, trường ca,...

2. Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức văn bản văn học

- Hình thức: ngôn từ, kết cấu, thể loại → là những yếu tố đầu tiên người đọc tiếp cận với văn bản văn học.

- Nội dung: đề tài, chủ đề, tư tưởng của văn bản, cảm hứng nghệ thuật, đặc biệt là 2 yếu tố sau là cái đọng lại trong lòng người đọc sau khi đọc tác phẩm.

→ Yêu cầu: thống nhất giữa nội dung và hình thức.

+ Nội dung tư tưởng cao đẹp.

+ Hình thức nghệ thuật hoàn mĩ.

3. Luyện tập

Câu 1. Tìm hiểu chủ đề của bài thơ sau :

Ở làng tôi đã lâu lắm - từ xưa,

Ở làng tôi có một dòng suối nhỏ.

Và bầy trẻ tắm hôm nào ở đó

Đã lớn lên thành những ông già.

 

Những dòng sông, dù năm tháng đi qua,

Trước cặp mắt con người, vẫn trẻ.

Vẫn róc rách nói cười như đứa bé,

Chảy qua rừng, qua đá vẫn như xưa.

(Ra-xun Gam-za-tốp)

Gợi ý làm bài:

Bài thơ không mang tên này trích trong tập thơ Con người - Những ngôi sao xa của E-đu-ác-đát Mê-gie-lai-tít và Ra-xun Gam-za-tốp do Thái Bá Tân dịch, NXB Lao động, Hà Nội, 1983. Lời dịch rõ ràng, giữ lại được sự hồn nhiên của tâm hồn người miền núi Đa-ghét-xtan.

Bài thơ có hai khổ, như đối sánh nhau, nói về hai hiện tượng khác hẳn nhau.

Câu 2. Anh (chị) hiểu đề tài của văn bản văn học là gì ?

Gợi ý làm bài:

Đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài đã bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả.

4. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Xác định được các khái niệm về nội dung và hình thức văn bản văn học khi đọc một truyện ngắn hay một bài thơ ngắn.

- Cảm nhận có chiều sâu văn bản văn học.

- Trân trọng các văn bản văn học – sản phẩm tinh thần của các tác giả; thấu hiểu, đồng cảm với những điều các tác giả kí ngụ trong mỗi văn bản, với vẻ đẹp của mỗi văn bản. Hiểu được những giá trị thẩm mỹ cơ bản của tác phẩm văn học. Trân trọng tâm huyết, tài năng và sự sáng tạo của các tác giả.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:ngan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM