Văn bản văn học Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được các tiêu chí chủ yếu của một văn bản văn học. eLib đã biên soạn bài này một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Văn bản văn học Ngữ văn 10

1. Tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học

- Văn bản văn học là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.

- Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật có tính hình tượng, tính thẩm mĩ cao, tính hàm súc, đa nghĩa.

- Văn bản văn học được xây dựng theo 1 phương thức riêng- nói cụ thể hơn là mỗi văn bản văn học đều thuộc về 1 thể loại nhất định và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó.

→ Tuy nhiên văn bản văn học không chỉ là những biện pháp, những kĩ xảo ngôn từ mà là 1 sáng tạo tinh thần của nhà văn.

2. Cấu trúc của văn bản văn học

2.1. Tầng ngôn từ - từ ngữ âm đến ngữ nghĩa

- Ngữ nghĩa:

+ Nghĩa tường minh. Ví dụ: con chó sói, mùa xuân,...

+ Nghĩa hàm ẩn. Ví dụ: lòng lang dạ sói, tuổi xuân,...

- Ngữ âm:

+ Ví dụ:

Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương.

2.2. Tầng hình tượng

- Hình tượng được sáng tạo trong văn bản nhờ những chi tiết, cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng (tùy quy mô văn bản và thể loại) mà có sự khác nhau.

- Ví dụ: Hình tượng cành mai (Cáo tật thị chúng- Mãn Giác thiền sư) biểu tượng cho sự sống tuần hoàn, sức sống mãnh liệt, niềm tin tưởng, lạc quan, yêu đời.

Hình tượng cây tùng (Tùng- Nguyễn Trãi) biểu tượng cho người quân tử...

2.3. Tầng hàm nghĩa

- Là ý nghĩa ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng của văn bản.

- Ví dụ: Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm)

Những mùa quả mẹ tôi hái được

Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng

Những mùa quả lặn rồi lại mọc

Như mặt trời, khi như mặt trăng.

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên

Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn

Rỏ xuống lòng thầm lặng: mẹ tôi.

Và chúng tôi- một thứ quả trên đời

Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái

Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi

Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

3. Từ văn bản đến tác phẩm văn học

- Nhà văn sáng tác ra văn bản văn học, khi nằm trên giá sách, văn bản chỉ là tập giấy có chữ, chưa có tác động đối với xã hội. Thông qua việc đọc, những giá trị văn học tiềm ẩn trong văn bản mới được người đọc tiếp nhận, mới phát huy được chức năng của chúng.

- Người đọc càng trải nghiệm cuộc sống, càng hiểu biết quy luật nghệ thuật là lúc tác phẩm văn học có tác động đến con người, cuộc đời.

4. Luyện tập

Câu 1. Làm rõ nghĩa các câu thơ sau :

Giặc nước đuổi xong rồi, Trời xanh thành tiếng hát

Điện theo trăng vào phòng ngủ công nhân

Những kẻ quê mùa đã thành trí thức

Tăm tối cần lao nay hoá những anh hùng.

Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lí Trần Lê

Thành nước Việt nhân dân trong mát suối

Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che.

(Chế Lan Viên, Người đi tìm hình của nước, trong Ánh sáng và phù sa, NXB Văn học, Hà Nội, 1960)

Gợi ý làm bài:

Thơ văn hiện đại thường không sử dụng nhiều từ cổ, nhiều điển tích, nhưng cách dùng hình ảnh, cách cấu tạo câu cũng có nhiều sáng tạo cần phải đi sâu tìm hiểu.

Khi đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ hình dung cuộc sống của nhân dân sẽ có một sự đổi thay căn bản sau khi đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi đất nước, xây dựng nên chế độ mới.

Hãy chú ý đến những cụm từ in đậm :

- Giặc nước đuổi xong rồi. Trời xanh thành tiếng hát

(Tiếng hát thường gợi lên những gì trong trẻo, tươi vui, hài hoà,...)

- Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lí Trần Lê

 Thành nước Việt nhân dân trong mát suối

  Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói

Những đời thường cũng có bóng hoa che.

( Trong mát suối gợi lên những gì ngọt mát, có ích cho cuộc sống con người ; bóng hoa che gợi lên những gì đẹp đẽ, hạnh phúc. Thời trước, chỉ có lớp người giàu có, sang trọng mới có hạnh phúc. Nay trong chế độ mới, những con người bình thường cũng có thể có hạnh phúc.)

Câu 2. Hãy nói rõ nghĩa của các câu thơ sau :

Mồi phú quý dử làng xa mã,

Bả vinh hoa lừa gã công khanh.

Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

(Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc, trong Những khúc ngâm chọn lọc, NXB Giáo dục, 1994)

Gợi làm bài:

Các em cần tìm hiểu một số cụm từ sau: gã công khanh, mồi phú quý, dử (có nơi gọi là nhử), làng xa mã, bả vinh hoa. Ví dụ : làng xa mã (làng ở đây có nghĩa là đoàn, bọn, giới ; xa mã : xe và ngựa) : chỉ những người giàu có ; gã công khanh (công, khanh là những chức quan cao cấp thời phong kiến) : chỉ người có quyền cao chức trọng. Từ đó, nói rõ nghĩa hai câu thơ trên.

- Cách dùng các từ mồi, bả, dứ, lừa (những từ dùng trong các công việc câu cá, săn thú,...), gã khi nói về những người giàu, có chức vị cao trong xã hội phong kiến đã tỏ rõ thái độ nào của tác giả ?

- Giấc Nam Kha là một điển cố : Xưa có người nằm mộng đến nước Hoè An được Quốc vương nước đó phong làm Thái thú quận Nam Kha và gả công chúa cho. Sau thua giặc, bị vua cách chức, vợ cũng chết. Sợ quá, bừng tỉnh dậy mới biết đó chỉ là giấc mộng. Điển cố này muốn nói cuộc đời con người ngắn ngủi, hư ảo, được mất trong thoáng chốc.

5. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Phân tích tác phẩm theo đặc trưng thể loại. Vận dụng những hiểu biết trên vào việc phân tích tác phẩm, bình các giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản văn học.

- Cảm thụ tác phẩm có chiều sâu.

- Trân trọng các văn bản văn học – sản phẩm tinh thần của các tác giả; thấu hiểu, đồng cảm với những điều các tác giả kí ngụ trong mỗi văn bản, với vẻ đẹp của mỗi văn bản. Hiểu được những giá trị thẩm mỹ cơ bản của tác phẩm văn học.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM