Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng Ngữ văn 10

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được tình bạn chân thành, trong sáng của tác giả. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em nắm được đặc trưng phong cách thơ tuyệt cú của Lí Bạch. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Lí Bạch (701 - 762), tự là Thái Bạch.

- Quê: Lũng Tây (nay là Cam Túc, Trung Quốc).

- Là một nhà thơ lãng mạn vĩ đại của Trung Quốc.

- Là người thông minh, tài hoa, phóng túng.

- Gặp nhiều trắc trở trên đường đời -> Có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng.

Sự nghiệp sáng tác:

- Để lại trên 1000 bài thơ.

- Đề tài: Tình bạn, tình yêu thiên nhiên, chiến tranh…

=> Được mệnh danh là “Thi tiên”.

1.2. Tác phẩm

- Bài thơ "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" được viết lúc nhà thơ tiễn Mạnh Hạo Nhiên - người bạn rượu, bạn thơ, bạn tri kỉ đi Quảng Lăng (Trung Quốc).

- Đề tài: tình bạn.

- Nhan đề: dài một cách bất thường -> như một dòng nhật kí lưu lại những kỉ niệm.

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.

- Bản dịch có nhiều chỗ chưa thể hiện được giá trị hàm súc của ngôn từ (yên hoa tam nguyệt, không tận, thiên tế lưu).

- Bố cục:

+ Hai câu đầu: Cảnh tiễn biệt.

+ Hai câu sau: Tâm trạng người đưa tiễn.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cảnh tiễn biệt

- Lầu Hoàng Hạc: một thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc, là một di chỉ thần tiên (gắn liền với truyền thuyết về một vị tiên - Phí Văn Vi thường cưỡi hạc vàng về đây).

- Dương Châu: chốn đô thị phồn hoa, đô hội bậc nhất Trung Quốc -> không thích hợp với một nhà thơ, với người yêu cuộc sống thanh bạch (Mạnh Hạo Nhiên).

- Trường Giang - con sông chảy ngang lưng trời, là huyết mạch giao thông chính của miền Nam Trung Quốc, mùa xuân tấp nập thuyền bè xuôi ngược nối lầu Hoàng Hạc với Dương Châu.

-> Tất cả hợp lại như vẽ ra một cảnh thần tiên tuyệt đẹp, một không gian mĩ lệ, khoáng đạt.

- Thời gian: tháng ba, giữa mùa hoa khói.

-> Khoảng thời gian đẹp nhất  trong một năm, tiết xuân mát lành, cây cối hoa  lá đâm chồi nảy lộc.

- “Cố nhân” dịch thành “bạn”: đúng nhưng chưa đủ, bởi: cố nhân bằng nghĩa với bạn cũ. Hai chữ cố nhân tự nó đã mang hàm nghĩa về mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa những người bạn -> tình bạn đẹp.

- Trong tứ thú đã có ba: cảnh đẹp, thời tiết đẹp, tình bạn đẹp. Cái không có là “thắng sự” bởi “sự” ở đây là sự biệt li. Mọi thứ tươi đẹp đều đã có, duy chỉ sự sum vầy là không.

=> Tác giả dựng lên mối quan hệ tương phản giữa cái có và cái không. Trong cái có có cái không, cái có càng nhiều, cảm nhận xót xa về cái không càng sâu đậm. Nhà thơ mượn cảnh để ngụ tình, tác giả tái hiện lại khung cảnh thần tiên của buổi chia tay nhưng cảnh càng đẹp thì lòng người càng buồn, càng thấm thía nỗi xa cách, chia li, nỗi thương nhớ, lưu luyến càng trở nên da diết, không tả tình nhưng lại rất hữu tình.

2.2. Tâm trạng người đưa tiễn

- Cô phàm: con thuyền lẻ loi, cô độc.

-> Bản dịch chưa thể hiện hết ý nghĩa của nguyên tác.

- Sông Trường Giang sôi động, tấp nập thuyền bè nhưng cái quan tâm duy nhất của nhà thơ chỉ là con thuyền đang chở bạn dần rời xa mà không quan tâm đến những cái khác xung quanh -> Đây không còn là cái nhìn của lí trí nữa mà là cái nhìn của tâm tưởng, tình cảm và cảm xúc trào dâng.

- Nghệ thuật: đối lập tương phản: Cô phàm: cái hữu hạn, nhỏ bé >< bích không tận: cái vô hạn, rộng lớn.

-> Đó là quan hệ tương phản giữa cái vô hạn của vũ trụ và cái hữu hạn của đời người, giữa cái mênh mông, giao hòa của đất trời với cái lẻ loi, cô độc của con người trong cảnh li tán. Đằng sau cái quan hệ này là một tâm hồn cô đơn, trống trải đến rợn ngợp của nhà thơ.

- Điểm nhìn: Cô phàm (nhìn rõ) -> viễn ảnh (mờ dần) -> bích không tận (mất hút).

-> Thể hiện sự trống vắng, luyến tiếc khôn cùng.

- Duy kiến - thiên tế lưu -> nỗi buồn mênh mông, tình cảm dâng trào trong lòng nhà thơ. Tình bạn chân thành, trong sáng.

=> Một tâm hồn luôn chứa đầy trăn trở về nhân tình thế thái, lo lắng cho con đường của bạn ở phía trước đầy bon chen, trắc trở.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bên cạnh một Lí Bạch tự do, phóng túng, mãnh liệt ngang tàn, còn có một Lí Bạch đằm thắm, ân tình. Tình bạn giữa Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên là một tình bạn đẹp, chân thành, thắm thiết.

- Về nghệ thuật:

+ Bút pháp chấm phá của thơ Đường.

+ Tả cảnh ngụ tình.

+ Ngôn ngữ giản dị, trong sáng.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài thơ "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng".

Gợi ý trả lời:

Lí Bạch đã sáng tác nên bài thơ nói về đè tài tình bạn thật sâu sắc và cảm động, đó là một tình bạn đẹp, đáng trân trọng và ca ngợi. Tình bạn của của tác giả đã thể hiện sâu sắc trong tác phẩm này và nó cũng thể hiện không gian rộng lớn đang tác động đến tâm hồn của tác giả, tác giả đang hình dung và những hình ảnh buồn thương về sự tiễn đưa bạn trên lầu Hoàng Hạc, những hình ảnh chiếc thuyền hun hút xa săm và mất hút trong không gian đã tác động lớn đến tâm hồn của tác giả, đây là một cuộc đưa tiễn đầy buồn thương, và những tiếc nuối của tác giả về người bạn của mình. Lí Bạch tiễn Manh Hạo Nhiên đi về Quảng Lăng, qua đó nên tình lưu luyến, thương nhớ bạn, thơ Lý Bạch có phong cách phóng khoáng, thể hiện lòng hào hiệp, khát vọng tự do và thái độ xem thường công danh, phú quý. Ông thường sáng tạo được những hình tượng độc đáo, những cảnh sắc huyền ảo, lung linh điều đó được thể hiện qua bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về câu thơ thứ hai trong bài thơ "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng"?

Gợi ý trả lời:

- Câu thơ thứ hai chính là nói đến không gian và thời gian mà tác giả tiễn người bạn của mình lên đường. Mạnh Hạo Nhiên lên đường vào một ngày tháng ba (tam nguyệt) mùa hoa khói (yên hoa), xuôi về nơi phồn hoa đô hội, Dương Châu - một trong những đô thị đẹp nổi tiếng thời Đường.

- Mùa tháng ba là mùa hoa khói, mùa của sự chia ly, trong không gian cao của lầu Hoàng Hạc tác giả đã đưa mắt nhìn xa xăm nhìn những cánh thuyền mãi đi vào không gian và xa khỏi tầm mắt của tác giả, tác giả đã thể hiện những điều đó qua những hình ảnh sinh động đó là cánh thuyền trôi lênh đênh trên dòng sông, và mãi mãi xa khỏi tầm mắt của người bạn ở lại, nhìn theo những cánh thuyền đó cũng mãi xa đi.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Thấy được tình cảm trong sáng, tha thiết, sâu đậm của nhà thơ đối với bạn bè.

- Thấy được thành công nghệ thuật của bài thơ về từ ngữ, kết cấu.

- Rèn luyện kĩ năng đọc, cảm thụ thơ Đường luật. 

- Trân trọng tình cảm Lí Bạch.

- Giáo dục cho các em tình cảm bạn bè trong sáng.

Ngày:17/10/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM