Hứng trở về (Quy hứng) Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được lòng yêu nước thầm kín của tác giả. Đồng thời, tài liệu dưới đây còn giúp các em hiểu hơn về tác giả Nguyễn Trung Ngạn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Hứng trở về (Quy hứng) Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

- Tác giả:

+ Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370) tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).

+ Đỗ Hoàng giáp năm 16 tuổi.

+ Khoảng năm 1314 - 1315 ông được cử đi sứ sang đáp lễ nhà Nguyên.

+ Ông làm quan đến chức Thượng thư, để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập.

- Tác phẩm:

+ Bài thơ được sáng tác khi Nguyễn Trung Ngạn đang đi sứ ở Giang Nam (Trung Quốc).

+ Bố cục bài thơ:

  • Hai câu thơ đầu.
  • Hai câu thơ cuối.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu thơ đầu

- Hình ảnh: tằm chín, dưa già, lá rụng, lúa trở bông -> những hình ảnh dân dã quen thuộc nhằm thể hiện nỗi nhớ quê hương bình dị của tác giả.

- Những hình ảnh ở cánh đồng quê những bông lúa chín vàng, thơ mùi lúa chín, rồi những con cua đồng béo ngộ ngộ, những cành dâu chín rộ đỏ vàng cả góc ao, những hình ảnh làng quê vừa đẹp vừa bình dị nó mang một màu sắc và thi vị đậm đà vị ngọt của quê hương. Dù quê hương nghèo đói nhưng tác giả vẫn thích những cảm giác quen thuộc của quê hương đó là những cảm giác gần gũi, dù sống nơi phồn hoa đô thị nhưng tấm lòng yêu quê hương đất nước của tác giả cùng không hề nguôi ngoai.

=> Các chi tiết nghệ thuật như dâu, tằm, hương lúa sớm, cua béo, đều là cảnh vật đồng quê, màu sắc, hương vị đậm đà của quê nhà thân yêu. Thật là bình dị, mộc mạc, dân dã. Khách li hương xứ sở mới có nỗi nhớ ấy. Cảnh vật ấy, hương vị ấy đã trở thành máu thịt, tâm hồn của nhà thơ.

2.2. Hai câu thơ cuối

- Nghệ thuật:

+ Đối: nghèo vẫn tốt.

+ Câu khẳng định: dẫu... chẳng

-> Mong ngóng ngày trở về. Sống sung sướng nơi đất khách quê người không bằng sống nơi quê nhà dù nghèo đến đâu.

- Tình yêu quê hương đất nước đó lại càng được thể hiên ở hai câu cuối này, sự đối lập giữa đất khách và quê nghèo, giữa chốn phồn hoa với chồn nghèo đói, càng đẩy tâm trạng và tình cảm của tác giả lên cao cao trào. Sự hồn hoa đô hội, giàu có và mới lạ nơi đất khách quê người cũng không đủ sức níu giữ bước chân của li khách. Nỗi nhớ quê càng thêm thường trực trong lòng.

=> Đứng giữa chốn phồn hoa, giữa bao nhiêu thú vui, nhưng luôn chọn cho mình một nơi để trở về - đó là quê hương. Nhưng đó chưa phải cái trọng tâm của nỗi niềm tác giả ẩn sâu đó là tình yêu quê hương đất nước và cả lòng tự hào tự tôn dân tộc.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

+ Nỗi nhớ quê hương của tác giả khi xa quê, qua đó bộc lộ lòng yêu nước thầm kín của tác giả.

- Về nghệ thuật:

+ Hình ảnh giản dị, quen thuộc.

+ Ngôn ngữ có sức gợi cảm lớn, cách nói chân tình mộc mạc.

+ Sử dụng thành công câu khẳng định, nghệ thuật đối.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về bài thơ "Hứng trở về" của Nguyễn Trung Ngạn.

Gợi ý trả lời:

Nguyễn Trung Ngạn đã sáng tác bài thơ "Hứng trở về" bằng tất cả tấm lòng yêu quê hương đất nước, đó còn là niềm tự hào dân tộc. Bài thơ đã để lại trong lòng người đọc rất nhiều cảm xúc bởi nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ, những hình ảnh quê hương quen thuộc đã gợi ra nhiều thi vị cho quê hương những màu sắc quê hương trong sáng dịu ngọt. Trong hoàn cảnh xa quê hương của tác giả, điều đó còn có ý nghĩa sâu xa hơn nỗi nhớ quê. Nó còn thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc, còn khẳng định tấm lòng son sắt với quê hương của ông. Không gì có thể cám dỗ được người Việt Nam yêu nước ấy. Trong bài Hứng trở về, tình yêu quê hương đất nước không được nói bằng những ngôn từ trực tiếp mà là bằng những hình ảnh dân dã quen thuộc đối với mỗi chúng ta. Xa quê có ai không xúc động khi nghĩ về nong tằm, ruộng dâu, nghĩ về những ruộng lúa với những bông lúa mới trổ hoa hương đưa thoang thoảng hay nghĩ về một bữa canh cua giản dị mà ngon ngọt đến khó phai. Tình yêu quê hương được tác giả nhớ lại qua những hình ảnh quên thuộc rất đỗi thân thương đó là những khoảnh khắc khó quên của tác giả đối với quê hương của mình.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về nỗi nhớ quê hương của nhà thơ qua hai câu thơ đầu?

Gợi ý trả lời:

Nỗi nhớ quê hương của tác giả vô cùng thắm thiết, da diết, dù quê nhà nghèo khổ nhưng vẫn vui hơn nơi đất khách người xa hoa. Hai câu đầu nói lên bao nỗi nhớ của khách tha hương: Nhớ lá dâu già cuối vụ, vàng sẫm rụng khắp các nương bãi, nhớ những lứa tằm vừa chín vàng óng, vàng khươm trong nhà, ngoài sân, nhớ lúa sớm trổ trắng phau cánh đồng dâng hương ngào ngạt, nhớ vị béo đậm cua đồng, Thời gian mà nhà thơ nói lên nỗi nhớ đó là tháng tư hay tháng mười? Có hai chi tiết: "Dâu già lá rụng" và "cua béo" cho ta biết đó là vào dịp tháng mười khi gió heo may đã thổi về. Khí trời lành lạnh ấy càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ quê thêm phần thấm thía.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm đôi nét về tác giả Nguyễn Trung Ngạn.

- Hiểu được lòng yêu nước tha thiết của tác giả.

- Phân tích được nội dung và nghệ thuật của bài thơ "Hứng trở về".

Ngày:17/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM