Nỗi oán của người phòng khuê Ngữ văn 10

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tâm trạng đau khổ, lẻ loi của người thiếu phụ có chồng đi chiến trận. Từ đó có thái độ phê phán, tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Nỗi oán của người phòng khuê Ngữ văn 10

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Vương Xương Linh (698 - 757), tự là Thiếu Bá, quê ở Trường An, Trung Quốc.

- Ông là nhà thơ kiệt xuất thời Thịnh Đường.

- Hiện còn lưu giữ 186 bài thơ của ông, đặc sắc nhất là thể thơ tứ tuyệt.

- Thơ ông rất tinh tế, trang nhã, ý cảnh thâm thúy… thường đề cập đến cuộc sống của tướng sĩ nơi biên cương, nỗi oán hờn của người cung nữ, nỗi sầu li biệt hận của người thiếu phụ khuê các, tình bằng hữu chân thành, trong sáng…

1.2. Tác phẩm

- Nhan đề: Nỗi oán hờn, trách hận của người phụ nữ có chồng đi chiến trận.

- Bài thơ thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt.

- Đề tài bài thơ là khuê oán.

- Qua bài thơ thể hiện tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa.

- Bố cục bài thơ có thể chia thành hai phần:

+ Hai câu thơ đầu.

+ Hai câu thơ cuối.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Hai câu thơ đầu

- Người khuê phụ ủng hộ chồng với tinh thần “kiến công lập nghiệp”. Nàng vô tư, thản nhiên chưa biết buồn là gì.

- Thời Thịnh Đường, Trung Quốc là một nước giàu mạnh và có lãnh thổ rộng lớn. Nhà Đường phái quân đội ra trấn thủ biên cương và mở mang lãnh thổ. Hoàn cảnh ấy làm dấy lên tinh thần "kiến công lập nghiệp"ở đấng nam nhi. “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa"... người chồng này cũng vậy. Thời phong kiến ở Trung Quốc, theo lí tưởng trung quân thì thân nhân của họ đều ủng hộ việc lập chiến công, vì yên tâm với định lí đó mà ban đầu người thiếu phụ vẫn yên lòng để chồng đi chiến trận lập công. Mình sẽ ở nhà yên bề nội ứng. Hàn Dũ nói “Thiếp không ra khỏi cửa, chàng muôn dặm viễn hành”.

- Vì vô tư nên hằng ngày, người khuê phụ vẫn trang điểm và lên lầu đẹp ngắm cảnh. Đằng sau tâm trạng “bất tri sầu” là nổi trống vắng, cô đơn, lạc lõng. Không gian: quẩn quanh ở chốn phòng khuê.

- “Thướng” nghĩa là lên, “thúy lâu” là lầu thúy (lầu các hoa lệ, thường chỉ khuê phòng), “thướng thúy lâu” là lên lầu thúy. Lại dịch là “bước lên lầu” thì có vẻ hơi phóng khoáng và chưa thể hiện được hết tính chất của căn lầu.

- Đặt trong hệ thống không gian nghệ thuật thơ Đường, chúng ta thường thấy mỗi khi lên cao là mỗi khi con người có nỗi niềm tâm sự, để nhìn xa, và ta cảm nhận được hình như ở đây còn đang tiềm ẩn một một tâm lí nào đó khác với các sự yên tâm nên mới khiến người khuê phụ lên lầu cao, nhìn xa… Khi xưa Dự Nhượng có nói: “Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, người con gái làm dáng vì kẻ yêu mình”. Mà nay xét trong hoàn cảnh người chồng đã đi chiến trận, vậy người khuê phụ trang điểm để ai ngắm?  Vì lẽ đó mà nàng cảm thấy trống vắng. Ta cảm nhận được tác giả đã dùng cái vẻ “bất tri sầu” để che đậy cả một khối “sầu”.

- Thời gian là mùa xuân. "Ngày xuân” chỉ sự trẻ trung của người khuê phụ.

=> Thái độ vô tư, vui vẻ nếu là có thật thì cũng rất mong manh. Đó là tâm trạng chung của những người phụ nữ có chồng ra trận.

2.2. Hai câu thơ cuối

- “Chợt” là từ đánh dấu sự chuyển biến đột ngột, vượt cấp trong nhận thức của người khuê phụ. Là “bản lề” của quá trình diễn biến tâm trạng, làm nàng hốt hoảng khi nhìn lại tuổi xuân của mình. Màu dương liễu làm người thiếu phụ chợt hiểu ra được tử thần ẩn nấp đằng sau ấn phong hầu.

- “Dương liễu sắc” là một hình ảnh ẩn dụ, một hình ảnh ước lệ lấy cảnh để tả tình. Người thiếu phụ “chẳng biết sầu” gặp sắc liễu xanh bên đường chợt giật mình hoảng hốt. Ở đây thi nhân đã rất tinh tế khi dùng từ “chợt” để đánh dấu sự chuyển biến đột ngột, vượt cấp trong nhận thức của người thiếu phụ vì khi dùng từ “chợt” nghĩa là “hốt” để diễn tả sự việc xảy ra thình lình, nó đột ngột trong cảm xúc mà ta không lường trước được. Sắc liễu khiến cho người thiếu phụ nhận ra mùa xuân của tự nhiên đã đến, nhưng mùa xuân của mình đã dần trôi đi.

- Trong thơ Đường hình ảnh “liễu” không chỉ là tín hiệu nghệ thuật để nhận biết thời gian của tự nhiên của đất trời. “Liễu” còn chỉ thời gian của cuộc đời. “Dương liễu sắc” đồng thời cũng là biểu tượng của li biệt. Người Trung Quốc xưa có một phong tục: Lúc chia tay, người ở lại bẻ một cành dương liễu tặng cho người ra đi để biểu thị niềm lưu luyến. Bởi vậy trong thơ cổ Trung Quốc, đặc biệt là trong thơ Đường, màu dương liễu, cành dương liễu hay động tác bẻ liễu là một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho sự li biệt.

- Người thiếu phụ thấy màu dương liễu liền gợi nhớ lại kỉ niệm với chồng trước kia. Nàng như bừng tỉnh, sao ta lại dễ dàng để cho chồng ra trận, vào chỗ chết để tìm công danh, ấn phong hầu làm chi khi vợ chồng tuổi còn xuân mãi phải phân li? “Bởi xưa nay chinh chiến mấy ai về“?

-> “Sắc liễu” đã trở thành một phương tiện nghệ thuật chuyển tải tinh tế cảm xúc của con người.

- Nàng hối hận khi để chồng đi kiếm tước hầu ở nơi chiến trận. Mắt chạm phải màu li biệt nên tâm trạng lập tức thay đổi “Hối để chàng đi kiếm tước hầu”. Từ cái bản lề “ hốt” nàng chuyển sang “hối”. Nàng nhận ra được chiến tranh là tai họa, nàng “hối hận” nàng tự trách mình, nàng oán trách số phận. Nàng hối hận khi để chồng đi kiếm tước hầu ở nơi chiến trận. Hối hận vì phải trả giá quá đắt cho giấc mộng công hầu. Thi nhân đã dùng từ “hối” để thể hiện rõ tâm trạng người thiếu phụ không những u sầu mà còn tiếc nuối trong sự đau khổ day dứt khi nhận ra điều lầm lỗi của mình. Nó còn đáng sợ gấp mấy lần cái từ “sầu”.

- Thời phong kiến, bề tôi lập được công lớn (thường là chiến công) thì được vua phong tước hầu. Ở đây, người chồng đi tìm kiếm tước hầu có nghĩa là đi ra trận lập công để được phong tước hầu. “Khuê oán” được sáng tác vào thời tịnh Đường, các cuộc chiến tranh phần lớn là để mở mang bờ cõi, nên mục tiêu của người chồng ở đây không phải là lí tưởng chính đáng. Nên sau sự “hối” của người khuê phụ là sự “oán” - oán cái ấn phong hầu, oán ghét chiến tranh phi nghĩa của con người thời nhà Đường. Chiến tranh là nguyên nhân của sinh li tử biệt, làm cho gia đình chia lìa, chồng xa vợ, cha mất con và hạnh phúc của con người trở thành một bóng dáng xa xôi.

=> Bài thơ như một bản cáo trạng tố cáo chiến tranh phi nghĩa của con người trong thời đại lúc bấy giờ.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Vương Xương Linh đã mượn tâm trạng của người thiếu phụ để thông qua đó lên án chiến tranh phi nghĩa gây biết bao đau thương, mất mát cho nhân dân.

- Về nghệ thuật: Bằng bút pháp miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, cấu trúc ngôn ngữ ngắn gọn gợi nhiều hơn tả đã tạo nên bài thơ tứ tuyệt mang nội dung hàm xúc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài thơ "Nỗi oán của người phòng khuê" của Vương Xương Linh.

Gợi ý trả lời:

Tác giả đã tái hiện hình ảnh người chinh phụ bằng những thay đổi trong tâm trạng. Đầu tiên là vô tư đến hối hận vì để chồng ra trận. Thời gian qua mau, tuổi trẻ cũng qua mau, hạnh phúc lứa đôi dang dở. Tương lai gắn với chiến tranh lại là thứ tương lai bấp bênh, lành ít, dữ nhiều. Và cái giá phải trả cho "giấc mộng công hầu" của những trang nam nhi thời loạn là quá đắt, có khi bằng cả mạng sống. Nhà thơ Vương Xương Linh đã mượn tâm trạng của một khuê phụ trẻ để thông qua độ lên án chiến tranh phi nghĩa gây đau thương, mất mát cho mọi gia đình, cướp đi tuổi trẻ, tình yêu và hạnh phúc của bao người. Trải qua hàng ngàn năm, bài thơ vẫn sống mãi trong lòng những thế hệ yêu mến và hâm mộ phong cách thơ trữ tinh thanh tao, sâu nặng của Vương Xương linh - một trong những thi sĩ nổi tiếng thời Thịnh Đường.

Câu 2: Em có suy nghĩ gì về "màu xanh dương liễu" trong bài thơ "Nỗi oán của người phòng khuê"?

Gợi ý trả lời:

- Cái màu xanh dương liễu đã góp phần làm cho người chinh phụ thức tỉnh, mộng công danh hư ảo không bằng hạnh phúc lứa đôi.

- Cái màu dương liễu xanh mơn mởn mà khuê phụ chợt thấy lúc vừa bước lên lầu cao đã làm cho dòng cảm xúc của nàng nhanh chóng đổi chiều.

- Màu dương liễu tượng trưng cho mùa xuân, tuổi trẻ và gợi lên khát vọng hạnh phúc. Nó cùng khơi dậy nỗi buồn biệt li trong lòng khuê phụ. Buổi chia tay, theo phong tục, nàng tặng chàng một nhành dương liễu để biểu thị tình cảm lưu luyến và ước mong ngày chàng sớm trở về đoàn tụ. Nay chàng đang ở nơi đâu? Sống chết ra sao? Đã hay chưa thỏa chí tang bồng?

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được giá trị nghệ thuật và nội dung của bài thơ, hiểu được tâm trạng đau khổ, lẻ loi của người thiếu phụ có chồng đi chiến trận.

- Thể hiện tinh thần phản đối chiến tranh phi nghĩa và khát khao hạnh phúc lứa đôi.

- Củng cố kĩ năng đọc - hiểu một bài tứ tuyệt.

- Nâng cao khả năng tự học, tự đọc cho học sinh.

- Biết cách phân tích ngoại cảnh để làm nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình.

- Biết chia sẻ và cảm thông cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Biết phê phán, tố cáo chiến tranh phi nghĩa.

Ngày:17/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM