Soạn bài Đọc thêm: Nhớ đồng Ngữ văn 11 đầy đủ

Nội dung bài soạn dưới đây đã được eLib biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Để hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của bài thơ, mời các em tham khảo bài soạn dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Soạn bài Đọc thêm: Nhớ đồng Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 48 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Tiếng hò có sức gợi cảm đối với nhà thơ vì:

- Tiếng hò là âm thanh quen thuộc, thân thiết của đồng quê, của quê hương tác giả. Xứ Huế là quê hương nổi tiếng với những tiếng hò, làn điệu mộng mơ, trữ tình.

- Tiếng hò lại vang lên lẻ loi, đơn độc giữa buổi trưa tĩnh lặng với không gian bên ngoài sâu lắng, có chút đồng điệu với cảnh ngộ và tâm trạng của người chiến sĩ bị tù đày.

- Người chiến sĩ đang say mê hoạt động cách mạng thì lại bị bắt giữ, giam cầm trên chính quê hương của mình.

→ Cảnh ngộ cô độc, lẻ loi trong tù mà tác giả đang phải đối mặt.

2. Soạn câu 2 trang 48 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

- Những câu thơ được dùng làm điệp khúc cho bài thơ:

"Gì sâu bằng những trưa thương nhớ

Hiu quạnh bên trong một tiếng hò!"

"Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh

Ôi ruộng đồng quê thương nhớ ai!".

- Hiệu quả nghệ thuật:

+ Mỗi cặp câu được lặp lại 2 lần, xen kẽ nhau tạo thành một điệp khúc để tô đậm, nhấn mạnh nỗi nhớ của nhà thơ.

+ Nỗi hiu quạnh trong tiếng hò, nỗi hiu quạnh của buổi trưa vắng cùng nỗi hiu quạnh của người tù đã nhuộm kín bài thơ một bầu không gian tràn đầy nỗi nhớ, nỗi buồn.

+ Tiếng hò hiu quạnh còn là nỗi nhớ quê hương, nhớ cuộc sống bên ngoài tha thiết của tác giả khi bị cách ly với cuộc đời.

3. Soạn câu 3 trang 48 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Những hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu diễn ra nỗi nhớ quê hương, đồng bào:

- Hình ảnh đồng quê hiện lên thân thuộc, rõ nét với "ô mạ xanh", "ruồng tre mát", "nương khoai sắn".

- Hương gió cồn thơm, hương vị ngọt bùi của khoai sắn cùng tiếng lúa xao xác, tiếng xe lùa nước hòa cùng tiếng hò não nùng.

→ Hình ảnh quê hương hiện ra trước mắt với những hình ảnh, âm thanh đậm nét, tuy man mác buồn nhưng lại mang hồn quê sâu đậm. Bao trùm khắp không gian đồng quê ấy là giọng điệu buồn bã, là nỗi quạnh hiu của một con người tha thiết yêu cuộc sống, say mê hoạt động với lý tưởng cách mạng nhưng lại bị trói buộc trong nhà tù, bị cách li với cuộc đời.

4. Soạn câu 4 trang 48 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Đoạn thơ từ câu "Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi" cho đến cuối bài đã tạo ra hai hình ảnh đối lập: Nhà thơ trước khi gặp lí tưởng cách mạng và sau khi đến với lý tưởng cách mạng.

- Trước khi gặp lí tưởng cách mạng: Cuộc sống quanh quẩn, vô định.

- Khi gặp lí tưởng: Say mê, hạnh phúc, vui sướng, tâm hồn nhà thơ được hòa nhập với cuộc đời lớn.

- Từ hai hình ảnh đối lập, Tố Hữu trở về với thực tại cuộc sống bị giam cầm trong nhà tù và khao khát được trở lại hòa nhập với cuộc sống, được hoạt động với lý tưởng cách mạng.

→ Trung thành với lý tưởng cách mạng, khát khao được sống tự do, được làm việc, hòa nhập với cộng đồng.

5. Soạn câu 5 trang 48 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

Sự vận động tâm trạng của nhà thơ:

- Trải dài, bao trùm cả bài thơ là nỗi nhớ quê hương, thương nhớ tha thiết cuộc sống và những ngày hoạt động cách mạng.

- Sự vận động:

+ Nghe tiếng hò nhớ quê, nhớ cuộc sống tự do bên ngoài.

+ Dòng hồi tưởng về những tháng ngày còn tự do sống, tự do hoạt động cách mạng.

+ Thực tại nhà lao tù túng, quạnh hiu.

+ Khát khao được tự do trở lại, được sống, được hòa nhập, được làm cách mạng.

Ngày:23/12/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM