Soạn bài Tóm tắt tiểu sử Ngữ văn 11 đầy đủ

Để giúp các em nắm được cách tóm tắt một tiểu sử, eLib đã biên soạn bài Tóm tắt tiểu sử dưới đây để các em tham khảo. Hi vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích để các em tham khảo. Chúc các em học tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Soạn bài Tóm tắt tiểu sử Ngữ văn 11 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 54 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

a. Kể lại vắn tắt cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Lương Thế Vinh:

  • Nhà thơ, nhà toán học Lương Thế Vinh tự Cảnh Nghi, hiệu Thụy Hiên, dân gian thường gọi là Trạng lường, quê gốc ở Nam Định

  • Từ nhỏ ông đã nổi tiếng là thần đồng. Năm 21 tuổi ông đỗ trạng nguyên. Ông là người biên tập cuốn Đại thành toán pháp- cuốn sách giáo khoa về toán đầu tiên ở nước ta

  • Về văn chương, nghệ thuật ông cũng có nhiều đóng góp. Cuốn “Hí phường phả lục” được đánh giá là một tác phẩm lí luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền

  • Nhà bác học Lê Quý Đôn đã đánh giá ông là người có tài kinh bang tế thế

b. Tính cụ thể, chính xác, chân thực và tiêu biểu của các tài liệu được chọn: Ngoài những dữ liệu về quê hương, gia đình, tác giả đã chọn lấy những nét chính, tiêu biểu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Lương Thế Vinh: thông minh từ nhỏ, các tác phẩm tiêu biểu, những lời nhận xét, đánh giá từ các học giả khác...

c. Để chuẩn bị cho bài viết tiểu sử tóm tắt, cần sưu tầm các tài liệu có liên quan đến nhân vật đó như lịch sử, văn học, khoa học...

Các tài liệu đó phải chính xác, đầy đủ và tiêu biểu

2. Soạn câu 2 trang 55 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

- Bài viết gồm 4 phần và được sắp xếp như sau:

  • Nhân thân

  • Các hoạt động chính

  • Đóng góp về toán học, văn chương, nghệ thuật

  • Đánh giá chung

- Những lưu ý khi viết phần đánh giá về người được viết tiểu sử tóm tắt:

  • Những đánh giá ấy phải khách quan, trung thực

  • Những đánh giá đến từ những người nổi tiếng, uy tín hay được nhiều người công nhận

3. Soạn câu 1 luyện tập trang 55 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

- Trường hợp a không cần viết tiểu sử tóm tắt:

a) Thuyết minh về các danh nhân.

- Các trường hợp cần viết tiểu sử tóm tắt:

b) Tự ứng cử vào một chức vụ trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

c) Giới thiệu người ứng cử vào một chức vụ nào đó trong các cơ quan Nhà nước hoặc đoàn thể.

d) Giới thiệu một vị lãnh đạo cấp cao của nước ngoài sang thăm nước ta.

e) Khi một vị lãnh đạo từ trần.

4. Soạn câu 2 luyện tập trang 55 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

a) Giống nhau: Đều có thể viết về một nhân vật nào đấy.

b) Khác nhau:

- Tiểu sử tóm tắt và điếu văn: Hai văn bản này khác nhau vể mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. Điếu văn được viết để đọc trong buổi lễ truy điệu nên ngoài nội dung tiểu sử của người đã mất còn thêm nhiều nội dung khác như: sự ra đi của người đã mất, nỗi xót đau của những người còn sống, lời chia buồn với gia quyến,...

- Tiểu sử tóm tắt và sơ yếu lí lịch:

+ Sơ yếu lí lịch do chính bản thân viết, còn tiểu sử tóm tắt là do người khác viết.

+ Sơ yếu lí lịch là văn bản hành chính, thường có mẫu cố định. Nội dung thường nhấn mạnh đến nhân thân và các mối quan hệ. Bản lí lịch cần có xác nhận của cơ quan có thẩm quyển. Còn tiểu sử không cần nêu chi tiết mọi quan hệ xã hội mà chỉ tập trung nêu mối quan hệ có ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân người được viết tiểu sử, chú trọng nhiều đến những cống hiến và đóng góp của người đó. Tiểu sử không cần phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyển

- Tuỳ vào đối tượng, mục đích, nội dung của văn bản giới thiệu, thuyết minh, có thể nhấn mạnh, khắc sâu vào những nội dung khác nhau, về hành văn, văn bản giới thiệu, thuyết minh còn yêu cầu về cách diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh và có tính biểu cảm.

5. Soạn câu 3 luyện tập trang 55 SGK Ngữ văn 11 đầy đủ

a. Viết tiểu sử tóm tắt về nhà thơ Tố Hữu.

Nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê gốc ở làng Phù Lai, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tố Hữu sớm tham gia phong trào đấu tranh cách mạng, từng bị giam giữ trong nhiều nhà tù nhưng vẫn kiên định con đường cách mạng đến trọn đời. Ông hoạt động tích cực trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa Huế trong cách mạng tháng Tám năm 1945, phụ trách văn hóa nghệ thuật ở cơ quan Trung ương Đảng trên quê hương cách mạng Việt Bắc, Ủy viên bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Bí thư trung ương đảng, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đường đời, đường cách mạng của Tố Hữu gắn bó và song hành với đường thơ. Ông có những đóng góp lớn lao cho nền văn học cách mạng Việt Nam với bảy tập thơ đồ sộ: Từ ấy (1937-1946), Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1992) và Ta với ta (1999). Thơ Tố Hữu không những là phương tiện hiệu quả truyền bá cách mạng sâu rộng vào nhân dân mà còn đưa thơ cách mạng lên đỉnh cao nghệ thuật. Với Tố Hữu, thơ cách mạng đạt đến trình độ thơ trữ tình chính trị, hấp dẫn người đọc bởi tính dân tộc, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn và giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, thương mến.

Tố Hữu là lá cờ đầu của nền văn học cách mạng Việt Nam. Qua thơ Tố Hữu, có thể thấy tinh hoa và giá trị của nền văn học cách mạng, một nền văn học coi vận mệnh dân tộc là lẽ sống lớn nhất.

b. Tóm tắt tiểu sử: Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh (1890 – 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung; quê làng Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Thuở sinh thời , Người xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước, cha là cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trước khi tham gia hoạt động cách mạng Người học chữ Hán, sau đó học tại trường Quốc học Huế, có thời gian dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết).

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước.

Năm 1919 gửi bản yêu sách của nhân dân An Nam tới hội nghị Hòa Bình ở Véc- xây ký tên là Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1920 dự Đại hội Tua và là một trong những thành viên sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp.

Từ năm 1923 – 1941: chủ yếu hoạt động ở Trung Quốc, Liên Xô, Thái Lan.

Năm 1941 trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau CMT8 1945 thành công, Người được bầu làm chủ tịch nước và dẫn dắt phong trào cách mạng đi đến những thắng lợi vẻ vang.

Ngày2 tháng 9 năm 1969, Hồ Chí Minh từ trần.

Tác phẩm tiêu biểu: Tuyên ngôn độc lập; Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu; Nhật ký trong tù

Ngày:23/12/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM