Giải bài tập SBT Lịch Sử 8 Bài 27: Khởi nghĩa Yên Thế và phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ XIX

Nội dung chi tiết giải bài tập 1, 2, 3 trang 93-94 SBT Lịch sử 8 bên dưới đây sẽ giúp các em vừa ôn tập lại kiến thức vừa nâng cao kĩ năng làm bài hiệu quả, thông qua đó các em có thể đối chiếu với bài làm của mình từ đó có kế hoạch và phương pháp học phù hợp. Mời các em cùng tham khảo!

Giải bài tập SBT Lịch Sử 8 Bài 27: Khởi nghĩa Yên Thế và phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ XIX

1. Giải bài 1 trang 93 SBT Lịch sử 8

Hãy khoanh tròn chữ in hoa trước ý trả lời đúng

Câu 1: Yên Thế là địa danh thuộc tỉnh

A. Thái Nguyên

B. Tuyên Quang

C. Bắc Giang

D. Lạng Sơn

Câu 2: Khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ là để

A. Chống lại chính sách cai trị và bóc lột nông dân một cách hà khắc của triều đình.

B. Chống lại sự bình định và bóc lột của Pháp.

C. Chống lại sự cướp phá của quân Thanh.

D. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

Câu 3: Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra trong những năm

A. 1884-1892

B. 1884-1908

C. 1908-1913

D. 1884-1913

Câu 4: Trong suốt thời gian hoạt động, khởi nghĩa Yên Thế đã giảng hoà với quân Pháp

A. 1 lần

B. 2 lần

C. 3 lần

D. 4 lần

Câu 5: Đặc điểm nổi bật của phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ XIX là 

A. Phong trào mang tính thần bí, tôn giáo

B. Phong trào diễn ra sôi nổi và có sự liên kết chặt chẽ với quân đội của triều đình

C. Phong trào nổ ra sau phong trào ở đồng bằng nhưng tồn tại bền bỉ và kéo dài 

D. Phong trào nổ ra ngay khi Pháp xâm lược nước ta và không ngừng lớn mạnh.

Câu 6: Phong trào chống Pháp của đồng bảo miền núi cuối thế kỉ XIX có ý nghĩa

A. Làm lung lay ý chí xâm lược nước ta của thực dân Pháp.

B. Cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh ở miền xuôi.

C. Đây mạnh sự thất bại của Pháp ở nước ta.

D. Trực tiếp góp phần làm chậm quá trình xâm lược và bình định Việt Nam của thực dân Pháp.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào nội dung mục I. Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913), mục II. Phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi SGK Lịch sử 8 trang 131-133 để phân tích từng nhận định và đưa ra câu trả lời chính xác nhất.

Ví dụ: Yên Thế là địa danh thuộc tỉnh Bắc Giang

Hướng dẫn giải

1.C            2.B             3.D

4.B            5.C             6.D

2. Giải bài 2 trang 94 SBT Lịch sử 8

Hãy hoàn thành những nội dung về hoạt động chính và đặc điểm trong mỗi giai đoạn của khởi nghĩa Yên Thế.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính về cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) được trình bày trang 131 SGK Lịch sử 8 để hoàn thành bài tập.

Cuộc khởi nghĩa trải qua các giai đoạn:

- Từ năm 1884 đến năm 1892:

- Từ năm 1893 đến năm 1908

- Từ năm 1909 đến năm 1913

Hướng dẫn giải

Từ năm 1884 đến năm 1892:

- Hoạt động chính:

+ Tháng 11-1890, nghĩa quân Đề Thám đã giành thắng lợi trong trận chống càn ở Cao Thượng. Từ đầu đến cuối tháng 12-1890, ba lần quân Pháp tấn công vào Hố Chuối, nhưng cả ba lần chúng đều bị nghĩa quân Đề Thám đánh bại. Đến cuối năm 1891, nghĩa quân đã làm chủ hầu hết vùng Yên Thế, mở rộng hoạt động sang cả Phủ Lạng Thương.

+ Năm 1891, quân Pháp lại tấn công Hố Chuối, nghĩa quân Đề Thám phải rút lên Đồng Hom. Tranh thủ thời cơ, chúng tiến nhanh vào vùng Nhã Nam, rồi vừa tổ chức các cuộc càn quét, vừa xây dựng các đồn bốt để bao vây nghĩa quân.

- Đặc điểm: Tuy gặp khó khăn, nhưng thế mạnh của quân Yên Thế là thông thuộc địa hình và cơ động, giúp họ thoát được vòng vây của quân Pháp.

Từ năm 1893-1908:

- Hoạt động chính: Ngày 17-9-1894, quân Yên Thế bắt cóc Chesnay, biên tập viên tờ Avenir du Tonkin. Do phải chịu áp lực từ phía chính quyền thuộc địa và khó khăn trong việc dập tắt cuộc khởi nghĩa, quân đội Pháp phải tiến hành hòa hoãn để nghĩa quân Yên Thế thả Chesnay.

- Đặc điểm: Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám lại xin giảng hòa với Pháp lấn thứ hai. Thực dân Pháp lúc này cũng muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa.

Từ năm 1909-1913:

- Hoạt động chính: Năm 1908, Đề Thám tham gia cuộc nổi dậy của lính khố xanh tại Bắc Ninh, Nam Định và Nhã Nam, khiến một sĩ quan Pháp bị giết. Tới 27-7 năm 1908, xảy ra vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội có sự tham gia của Đề Thám.háng 1-1909, dưới quyền chỉ huy của đại tá Batay (Bataille), khoảng 15.000 quân cả Pháp và ngụy đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909). 

- Đặc điểm: Từ 29-1 tới 11-11 năm 1909, quân Đề Thám thua 11 trận quan trọng, bị quân Pháp vây hãm tại Yên Thế. Bà Ba Cẩn bị bắt, bị đày đi Guyana. Đến đây, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản.

3. Giải bài 3 trang 94 SBT Lịch sử 8

Khởi nghĩa Yên Thế có những đặc điểm gì khác so với các cuộc khởi nghĩa cùng thời?

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học kết hợp với cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) được trình bày ở trang 131 SGK Lịch sử 8 để so sánh với các cuộc khởi nghĩa khác.

Phân tích, so sánh trên các phương diện:

- Mục tiêu: bảo vệ xóm làng, cuộc sống

- Lãnh đạo: Hoàng Hoa Thám

- Lực lượng tham gia: nông dân

- Địa bàn hoạt động: rừng núi trung du Bắc Kì.

- Về cách đánh: cơ động, giảng hòa khi cần thiết.

- Thời gian tồn tại: 30 năm

- Ý nghĩa: làm chậm quá trình xâm lược ủa Pháp

- Tính chất: là một phong trào yêu nước.

Hướng dẫn giải

Khởi nghĩa Yên Thế có những đặc điểm khác so với những cuộc khởi nghĩa cùng thời:

- Mục tiêu: bảo vệ xóm làng, cuộc sống của mình, không phải là khôi phục chế độ phong kiến, bảo vệ ngôi vua như các cuộc khởi nghĩa cùng thời.

- Lãnh đạo: không phải các văn thân, sĩ phu mà là những người xuất thân từ nông dân với những phẩm chất đặc biệt (tiêu biểu là Hoàng Hoa Thám): căm thù đế quốc, phong kiến, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, trung thành với quyền lợi của những người cùng cảnh ngộ, hết sức thương yêu nghĩa quân.

- Lực lượng tham gia: đều là những người nông dân cần cù, chất phác, yêu cuộc sống.

- Địa bàn hoạt động: khởi nghĩa Yên Thế nổ ra ở vùng rừng núi trung du Bắc Kì.

- Về cách đánh: nghĩa quân Yên Thế có lối đánh linh hoạt, cơ động, giảng hòa khi cần thiết,...

- Thời gian tồn tại: cuộc khởi nghĩa tồn tại dai dẳng suốt 30 năm, gây cho địch nhiều tổn thất.

- Ý nghĩa: khởi nghĩa Yên Thế tiêu biểu cho tinh thần quật khởi của nông dân, có tác dụng làm chậm quá trình xâm lược, bình định vùng trung du và miền núi phía Bắc của thực dân Pháp.

- Tính chất: là một phong trào yêu nước, không nằm trong phong trào Cần Vương.

Ngày:23/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM