Xương bồ - Chữa trị điếc tai, hôn mê, hoảng loạn, viêm phế quản, lỵ

Xương bồ còn có tên gọi khác là thạch xương bồ, thủy xương bồ, cửu tiết xương bồ. Đây là một loại dược liệu có hoa thuộc họ Ráy (danh pháp khoa học: Araceae). Dược liệu này mang trong mình vị cay, tính ôn có tác dụng hóa thấp hòa vị, khai thiếu ninh thần. Chủ trị điếc tai, hôn mê, hoảng loạn do đàm trọc bế tắc…Để biết được công dụng trong y học của vị thuốc xương bồ mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây

Xương bồ - Chữa trị điếc tai, hôn mê, hoảng loạn, viêm phế quản, lỵ

Xương bồ là thân rễ đã phơi khô, hoặc sấy khô của cây Thạch xương bồ lá to (Acorus gramineus Soland. var. macrospadiceus Yamamoto Contr.), và cây Thủy Xương bồ (Acorus calamus L. var. angustatus Bess), họ Ráy (Araceae).

1. Mô tả

Thạch xương bồ lá to (Thân rễ - Rhizoma Acori graminei macrospadici)

Thân rễ hình trụ dẹt, dài 20 - 35 cm, đường kính 5 - 7 mm, đốt dài 7 - 8 mm, hoặc 1 cm về phía ngọn. Phía ngọn đôi khi phân 2 - 3 nhánh phụ, mỗi nhánh dài khoảng 5 cm, ở mỗi đốt có các rễ thưa và cứng. Khi khô vỏ thân rễ có màu nâu gỉ sắt. Thể chất cứng, vết bẻ có nhiều xơ. Thân rễ có mùi thơm đặc trưng của Xương bồ.

2. Vi phẫu

Thiết diện của thân rễ hình trái xoan. Tỷ lệ giữa phần từ lớp bần đến vòng nội bì và từ nội bì vào trung tâm là 2 : 1.

Lớp biểu bì cấu tạo từ những tế bào nhỏ, thành dày hoá gỗ. Phần mô mềm vỏ có nhiều bó sợi hình tròn, đường kính khoảng 102 mm. Nhiều bó sợi bên ngoài có tinh thể calci oxalat. Có nhiều tế bào chứa tinh dầu, kích thước khoảng 50 mm, Nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép. Sát vòng nội bì có một lớp bó libe gỗ xếp thưa. Mỗi bó có đường kính khoảng 306 mm. Libe ở hai đầu, gỗ ở giữa.

Vòng nội bì có một lớp tế bào hình chữ nhật. Phần mô ruột có nhiều bó libe gỗ. Gỗ ở ngoài, libe ở trong; có một vòng bó libe - gỗ thưa xếp sát vòng nội bì.  Ngoài ra còn có nhiều bó libe -gỗ xếp không theo quy luật.

3. Bột

Bột hơi màu vàng, mùi thơm đặc trưng của Thạch xương bồ. Mảnh mô mềm gồm tế bào thành mỏng có nhiều hạt tinh bột đơn hoặc kép. Các tế bào chứa tinh dầu màu nâu nhạt. Nhiều đám sợi có tinh thể calci oxalat hình khối lăng trụ. Tinh thể calci oxalat hình khối nằm rải rác, hoặc tập trung trong bó sợi, đường kính 10 - 40 mm. Các mảnh mạch vạch  rải rác riêng lẻ hoặc tập trung thành bó. Nhiều hạt tinh bột hình gần tròn,, đường kính 3- 15 mm. nằm rải rác hoặc trong các mảnh mô mềm

4. Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4).

Bản mỏng: Silica gel G đã hoạt hoá ở 105 0C trong 1 giờ.

Dung môi khai triển: n-Hexan - ethyl acetat (85 : 15).

Dung dịch thử: Lấy phần tinh dầu sau khi định lượng (xem mục định lượng) hoà tan trong methanol (TT) thành dung dịch 5% (tt/tt).

Dung dịch đối chiếu: Lấy thân rễ Thạch xương bồ (mẫu chuẩn), chuẩn bị cùng điều kiện như  dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 5 ml mỗi dung dịch trên. Sau khi triển khai sắc ký, để khô bản mỏng ngoài không khí, phun dung dịch vanilin 2% trong ethanol có acid sulfuric đặc (TT). Sấy bản mỏng ở 105 oC cho đến khi hiện rõ các vết. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng màu sắc và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

5. Độ ẩm

Không quá 12%.

6. Tạp chất

Không quá 1%.

Tro toàn phần: Không quá 4,6%.

Tro không tan trong acid: Không quá  1,3%.

7. Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu, đối với tinh dầu nặng hơn nước. Hàm lượng tinh dầu không ít hơn 1,5% tính theo dược liệu khô kiệt.

8. Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy thân rễ, rửa sạch, loại bỏ rễ con, phơi khô.

9. Bào chế

Loại bỏ tạp chất, ngâm dược liệu trong nước cho mềm, cắt thành  phiến, dài 3-5cm, dầy 2- 3mm phơi khô. Khi dùng sao với cám gạo, tới mùi thơm, mầu hơi vàng.

10. Bảo quản

Để nơi khô, mát, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tâm, can, tỳ.

11. Công năng, chủ trị

Thông khiếu, trục đờm, tăng trí nhớ, tán phong, khoan trung khứ thấp, giải độc, sát trùng. Chủ trị: Bệnh phong điên giản, đờm vít tắc, hôn mê, hay quên, mộng nhiều, viêm phế quản, tai điếc, đi lỵ đau bụng. Dùng ngoài, trị mụn nhọt, ghẻ lở chảy nước.

12. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 4 -8 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Âm hư, hoạt tinh, ra nhiều mồ hôi, không nên dùng.

Thủy xương bồ (Thân rễ -  Rhizoma Acori calami)

Bài viết là những thông tin cơ bản về dược liệu Thạch xương bồ. Tuy nhiên những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Trước khi quyết định đưa dược liệu vào quá trình điều trị, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về liều dùng, độ an toàn, những lưu ý và hiệu quả chữa bệnh của bài thuốc. Chúng tôi không đưa ra chẩn đoán, những lời khuyên và các phương pháp chữa bệnh thay cho bác sĩ có chuyên môn.

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM