Thạch hộc - Chữa nóng sốt nhẹ, bứt rứt, háo khát

Thạch hộc là dược liệu có vị ngọt, hơi mặn và tính hàn. Với tác dụng thanh nhiệt, sinh tân dịch, hạ nhiệt và giải độc, thảo dược này được ứng dụng để chữa trị chứng suy nhược thần kinh, viêm dạ dày mãn tính, di tinh, mộng tinh,…Cùng eLib.VN tìm hiểu thông tin về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Thạch hộc - Chữa nóng sốt nhẹ, bứt rứt, háo khát

Thân tươi hay khô của cây Thạch hộc: Hoàn thảo thạch hộc, Thạch hộc hoa gừng (Dendrobium loddigesii Rolfe), Mã tiên thạch hộc (Dendrobium fimbriatum Hook. f.), Hoàng thảo thạch hộc (Dendrobium chrysanthum Wall. ex Lindl.), Thiết bì thạch hộc (Dendrobium candidum Wall. ex Lindl.) hoặc Kim thoa thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl), họ Lan (Orchidaceae).

1. Mô tả

Hoàn thảo thạch hộc: Hình trụ, mảnh khảnh, thường uốn cong hoặc cuộn thành một khối, dài 15 - 35 cm, đường kính 0,1 - 0,3 cm, đốt dài 1 - 2 cm. Mặt ngoài màu vàng kim sáng bóng, có vân dọc nhỏ. Chất mềm, dai, chắc. Mặt bẻ gẫy tương đối bằng phẳng. Không có mùi, vị nhạt.

Mã tiên thạch hộc: Hình nón dài, dài 40 - 120 cm, đường kính 0,5 - 0,8 cm, đốt dài 3 - 4,5 cm. Mặt ngoài màu vàng đến vàng tối. Có rãnh dọc sâu. Chất xốp, mặt bẻ gẫy có xơ dạng sợi. Vị hơi đắng.

Hoàng thảo thạch hộc: Dài 30 - 80 cm, đường kính 0,3 - 0,5 cm, đốt dài 2 - 3,5 cm. Mặt ngoài màu vàng kim đến màu nâu vàng nhạt. Có rãnh dọc. Nhẹ và chắc, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ gẫy hơi có xơ. Nhai có cảm giác dính.

Nhĩ hoàn thạch hộc (Thiết bì thạch hộc sau khi cắt bỏ rễ phơi hoặc sấy khô): Hình xoáy ốc hoặc hình lò so, thường có 2 - 4 vòng xoáy. Sau khi kéo thẳng ra dài 3,5 - 8 cm, đường kính 2,2 - 0,3 cm. Mặt ngoài màu lục vàng có vân nhăn dọc nhỏ. Chất rắn chắc, dễ bẻ gẫy, mặt bẻ gẫy phẳng. Nhai có cảm giác dính.

Kim thoa thạch hộc: Hình trụ tròn dẹt, dài 20 - 40 cm, đường kính 0,4 - 0,6 cm, có rãnh dọc sâu. Chất cứng, giòn. Mặt bẻ tương đối phẳng. Vị đắng.

Độ ẩm: Không quá 12%.

Tạp chất: Tỷ lệ dược liệu có màu nâu, xám: Không quá 1%.

2. Chế biến

Quanh năm đều có thể thu hái.

Nếu dùng tươi, sau khi thu hái, loại bỏ tạp chất.

Nếu dùng khô, sau khi thu hái, loại bỏ tạp chất, luộc qua hoặc sấy mềm, vừa đảo vừa sấy cho đến khi bao lá khô. Lấy Thiết bì thạch hộc cắt bỏ rễ con, vừa sao vừa vặn cho đến khi có hình soắn ốc hoặc lò so, sấy khô quen gọi là Nhĩ hoàn thạch hộc (thạch hộc vòng tai).

3. Bào chế

Lấy dược liệu khô, loại bỏ tạp chất còn sót lại, rửa sạch, cắt đoạn, phơi hay sấy khô.

4. Bảo quản

Dược liệu khô: Để nơi khô.

Dược liệu tươi:  Để nơi mát, ẩm.

Tính vị, quy kinh

Cam, vi hàn. Vào các kinh vị, thận, phế.

5. Công năng, chủ trị

Tư âm thanh nhiệt, ích vị sinh tân. Chủ trị: âm hư nội nhiệt, tân dịch hao tổn: nóng sốt nhẹ, bứt rứt, háo khát. Vị âm hư, vị nhiệt: ăn kém, nôn khan, môi miệng khô, lở loét miệng. Tiêu khát.

6. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 - 12 g dược liệu khô, 15 - 30 g dược liệu tươi, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cơ bản về vị thuốc thạch hộc. Trước khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tránh những tình huống rủi ro phát sinh.

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM