Đậu ván trắng - Chữa tỳ vị hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, bạch đới, nôn mửa

Đậu ván trắng còn được gọi với tên quen thuộc trong nhiều bài thuốc là bạch biển đậu. Loại đậu này không chỉ được dùng để chế biến món ăn giải nhiệt mà còn là vị thuốc chữa ăn uống kém, suy nhược cơ thể, chống nôn, điều hòa các tạng, giải độc, thuốc bổ tỳ vị…Cùng eLib.VN tìm hiểu  vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé.

Đậu ván trắng - Chữa tỳ vị hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, bạch đới, nôn mửa

Hạt già phơi hay sấy khô của cây Đậu ván trắng (Lablab purpureus (L.) Sweet), họ Đậu (Fabaceae).

1. Mô tả

Hạt hình bầu dục hoặc hình trứng, dẹt, dài 8-13 mm, rộng 6-9 mm, dày 4 mm. Vỏ ngoài màu trắng ngà, hoặc màu vàng, đôi khi có chấm đen, hơi nhẵn bóng, ở mép có một vòng màu trắng là mồng chiếm 1/3 - 1/2 chiều dài hạt. Chất cứng chắc, vỏ mỏng dòn, có 2 lá mầm to màu trắng ngà. Mùi nhẹ, vị nhạt, khi nhai có mùi tanh của đậu.

2. Vi phẫu

Biểu bì gồm một lớp tế bào xếp đều đặn (giống mô giậu) và 2 lớp ở rốn hạt có hình hơi cong, tế bào nâng của 1 lớp hình quả tạ, có 3-5 hàng tế bào nâng ở rốn hạt. Mô mềm gồm 10 hàng tế bào nằm dưới hàng tế bào nâng, lóp trong của nó bị tiêu đi. Các tế bào lá mầm chứa nhiều tinh bột. Ở phía ngoài lớp tế bào biểu bì (giống mô giậu) ở rốn hạt có mồng, ở phía trong có các đám quản bào, thành dày có hình mạng với các mô hình sao ở hai bên, khoảng giữa tế bào hình sao có những khoang chứa chất màu nâu.

3. Bột

Màu trắng ngà, miết lên tay thấy hơi nhờn, vị bùi, để lâu có mùi tanh gây buồn nôn. Nhiều hạt tinh bột kích thước lớn, hình trứng hay trái xoan, có rốn rách ở giữa. Mảnh mô mềm của lá mầm chưá nhiều hạt tinh bột. Mảnh vỏ hạt với tế bào dài dẹt. mảnh tế bào rễ mầm hình chữ nhật hoặc hơi tròn, nhỏ, đều đặn.

Độ ẩm: Không quá 12%.

Tạp chất: Tỷ lệ hạt non, lép không quá 3%.

4. Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, đông, hái các quả chín phơi khô lấy hạt, phơi hoặc sấy khô.

5. Bào chế

Bạch biển đậu sống: Loại bỏ tạp chất xay vỡ hoặc giã dập khi dùng.

Bạch biển đậu sao: Lấy Bạch biển đậu sạch cho vào chảo sao nhỏ lửa (lửa văn) cho đến khi bề mặt thuốc có màu vàng nhạt thỉnh thoảng có đốm đen xay vỡ hoặc giã dập khi dùng.

6. Bảo quản

Nơi khô ráo, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Cam, vi ôn. Quy vào các kinh tỳ, vị.

7. Công năng, chủ trị

Kiện tỳ hoà trung, giải thử hoá thấp, giải độc rượu.Chủ trị: Tỳ vị hư nhược, kém ăn, đại tiện lỏng, bạch đới, nôn mửa, tiết tả, say rượu.

8. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 9 - 15 g, phối hợp trong các bài thuốc.

Những thông tin về dược liệu đậu ván trắng mà bài biết cung cấp chỉ có giá trị tham khảo. Nếu có ý định sử dụng vị thuốc trong bất cứ bài thuốc nào cần tham vấn với bác sĩ để nhận được lời khuyên. Tuyệt đối không tự ý sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh gặp các vấn đề không mong muốn

Ngày:12/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM