Tỳ giải - Chữa trị sang độc do thấp nhiệt, đau lưng đầu gối, đái đục

Cây tỳ giải là thảo dược quý được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc lợi tiểu, chữa viêm bàng quang, phong tê thấp, mụn nhọt của y học cổ truyền. Tùy theo mục đích điều trị mà sử dụng dược liệu này với liều lượng phù hợp. Cùng eLib.VN tìm hiểu công dụng trong y học của vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé. 

Tỳ giải - Chữa trị sang độc do thấp nhiệt, đau lưng đầu gối, đái đục

Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Tỳ giải (Dioscorea septemloba Thunb. hoặc Dioscorea futschauensis Uline ex R. Kunth), họ Củ nâu (Dioscoreaceae).

1. Mô tả

Phiến vát không đều, cạnh không đều, kích thước thay đổi, dày 2-5 mm. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng hoặc đen hơi nâu, có rải rác vết cúa các rễ nhỏ, dạng hình nón nhô lên. Mặt cắt màu trắng hơi xám đến màu nâu hơi xám, các đốm màu nâu hơi vàng của các bó mạch rải rác. Chất xốp hơi có dạng bọt biển. Mùi nhẹ, không rõ rệt; vị hơi đắng.

2. Bột

Màu nâu hơi vàng nhạt, nhiều hạt tinh bột. Các hạt tinh bột đơn, hình trứng, hình bầu dục hoặc gần hình cầu, hình tam giác hoặc các loại hình bất định; một số hạt nhọn ở một đầu; một số có nhiều mắt hay mấu, đường kính 10 – 70 µm; rốn hạt là khe hình chữ V, hình điểm, đa số có vân không rõ. Tinh thể calci oxalat hình kim, xếp thành bó, dài 90 – 210 µm. các tế bào mô mềm hình bầu dục hoặc hình chữ nhật, thành hơi dày, có lỗ rõ rệt. Các tế bào bần màu vàng hơi nâu, hình nhiều cạnh, thành tế bào thẳng.

3. Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

Bản mỏng: Silica gel G .

Dung môi khai triển: Cloroform –  aceton (9 : 1).

Dung dịch thử: Lấy 2 g bột dược liệu, thêm 50 ml methanol (TT), đun hồi lưu trên cách thủy trong 1 giờ, lọc và bốc hơi dịch lọc đến cắn khô. Hòa cắn này vào 25 ml nước, rửa với 25 ml ether ethylic (TT) rồi bỏ dịch rửa ether này. Thêm 2 ml acid hydrocloric (TT) vào dung dịch nước, đun hồi lưu trên cách thủy trong 90 phút rồi để nguội, chuyển vào một bình lắng, chiết 2 lần bằng cách lắc với ether ethylic (TT), mỗi lần  25 ml. Gộp các dịch chiết ether, bốc hơi đến cắn khô. Hòa cắn trong 1 ml cloroform (TT) được dung dịch thử.

Dung dịch đối chiếu: Lấy  2 g bột Tỳ giải (mẫu chuẩn), tiến hành giống như phần chuẩn bị dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên cùng bản mỏng 10 µl các dung dịch trên. Sau khi khai triển xong, lấy bản mỏng ra, để khô tự nhiên ở nhiệt độ phòng, phun dung dịch acid phosphomolybdic (TT) rồi sấy ở 105 oC đến khi hiện rõ các vết. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có các vết tương ứng về màu sắc và giá trị Rf với các vết  của dung dịch đối chiếu.

4. Độ ẩm

Không quá 12%.

Tro toàn phần: Không quá 6%.

Tro không tan trong acid: Không quá 1%.

Chất chiết được trong dược liệu

Không được ít hơn 15,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng (Phụ lục 12.10). Dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

5. Chế biến

Thu hoạch vào mùa thu, mùa đông. Đào lấy thân rễ, loại bỏ các rễ con, rửa sạch, thái phiến, phơi khô.

6. Bảo quản

Để nơi khô, tránh mốc.

Tính vị, quy kinh

Khổ, bình. Vào các kinh can thận, vị, bàng quang.

7. Công năng, chủ trị

Phân thanh trừ trọc, khu phong trừ thấp. Chủ trị: cao lâm (đái đục), bạch đới quá nhiều; sang độc do thấp nhiệt, đau lưng đầu gối.

8. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 9 - 15 g, dạng thuốc sắc, phối hợp trong các bài thuốc.

Kiêng kỵ

Không dùng cho người âm hư hoả vượng, đau lưng do thận hư.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc tỳ giải. Bà bầu, phụ nữ cho con bú, người đang được điều trị bằng thuốc tây, người mắc bất kỳ bệnh lý nào trong cơ thể cũng cần thông báo cho thầy thuốc biết khi được chỉ định các bài thuốc có cây tỳ giải.

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM