Khương hoạt - Chữa Cảm mạo phong hàn, phong, các khớp đau nhức

Khương hoạt là loại thảo dược có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khương hoạt có vị đắng, the, có tính ôn, được sử dụng trong các bài thuốc Đông y để trị phong thấp dạng thấp, cảm phong hàn, đau nhức toàn thân,…Để biết về thông tin vị thuốc mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Khương hoạt - Chữa Cảm mạo phong hàn, phong, các khớp đau nhức

Thân rễ và rễ đã phơi khô của cây Khương hoạt (Notopterygium incisum Ting ex H. T. Chang) hoặc Khương hoạt lá rộng (Notopterygium forbesii Boiss.), họ Hoa tán (Apiaceae).

1. Mô tả

Khương hoạt: Thân rễ hình trụ, hơi cong queo, dài 4-13 cm, đường kính 0,6-2,5cm, đầu thân rễ có sẹo gốc thân khí sinh. Mặt ngoài màu nâu đến nâu đen. Nơi bị tróc vỏ ngoài màu vàng, khoảng giữa các đốt ngắn, có vòng mấu nhỏ, gần liền nhau, tựa như hình con tầm (quen gọi là Tàm khương), hoặc khoảng giữa có các đốt kéo dài dạng đốt tre (gọi là Trúc tiết khương). Trên đốt có nhiều sẹo rễ con, dạng điểm hoặc dạng bươú và vẩy, màu nâu. Thể nhẹ, chất giòn xốp, dễ bẻ gẫy. Mặt bẻ không phẳng, có nhiều kẽ nứt. Vỏ màu từ vàng nâu đến nâu tối, có chất dầu, có điểm chấm dầu, mầu nâu. Gỗ màu trắng vàng, tia ruột xếp theo hướng xuyên tâm rõ. Lõi (ruột) màu vàng đến vàng nâu. Mùi thơm, vị hơi đắng và cay.

Khương hoạt lá rộng (Khoan diệp khương hoạt): Rễ dạng chuỳ tròn, có vân nhăn dọc và lỗ vỏ dọc, mặt ngoài màu nâu, nơi gần thân rễ, có vân tròn sát liền nhau, dài 8-15 cm, đường kính 1-3 cm (quen gọi là điều khương). Thân rễ thô, hình trụ to, dạng có đốt, có mấu không đều, đỉnh có nhiều vết gốc thân khí sinh và rễ tương đối nhỏ còn sót lại (gọi là Đại đầu khương), chất giòn, xốp, dễ bẻ, mặt bẻ hơi phẳng: Vỏ màu nâu nhạt, Gỗ màu trắng vàng. Mùi nhẹ, vị nhạt.

2. Bột

Màu nâu, mùi thơm hắc, vị đắng. Soi kính hiển vi thấy mảnh bần, tế bào chứa tinh dầu, khối tinh dầu màu vàng, ống tiết.

Độ ẩm: Không quá 15 %.

Tạp chất: Không quá 1 %.

Hàm lượng tinh dầu: Không dưới 2.8% tính theo dược liệu khô kiệt.

Chất chiết được trong dược liệu: Không ít hơn 15,0%, tính theo dược liệu khô.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.

3. Chế biến

Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy rễ và thân rễ, loại bỏ rễ con và đất, phơi hoặc sấy khô.

4. Bào chế

Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi  hoặc sấy khô.

5. Bảo quản

Để nơi khô, tránh mốc mọt.

Tính vị, quy kinh

Tân, khổ, ôn. Vào các kinh bàng quang, can, thận.

6. Công năng, chủ trị

Tán phong hàn, trừ phong thấp, chỉ thống. Chủ trị: Cảm mạo phong hàn (mình đau không có mồ hôi), phong chạy khắp người, mình, chân, tay, các khớp đau nhức nặng nề, thiên về đau ở nửa người trên.

7. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Chứng thực nhiệt, hư nhiệt không nên dùng.

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin về cây khương hoạt cũng như các bài thuốc sử dụng vị thuốc này. Tuy nhiên, bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, bệnh nhân không được tự ý áp dụng các bài thuốc trên khi chưa có chỉ định từ bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn. Nếu bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, chuyển hướng nghiêm trọng, bệnh nhân cần báo cáo ngay với bác sĩ để có phương pháp điều trị khác, ngăn chặn sự phát triển của bệnh.

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM