Tế tân - Chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, đau răng, ngạt mũi, chảy nước mũi, phong thấp

Cây Tế tân là một loại dược liệu quý có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người ta thường dùng loại dược liệu này để điều trị các bệnh lý thường gặp như: Cảm phong hàn, ngạt mũi, chảy nước mũi, đàm ẩm, ho suyễn, đau đầu, đau răng...Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Tế tân - Chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu, đau răng, ngạt mũi, chảy nước mũi, phong thấp

Toàn cây đã phơi khô của cây Bắc tế tân (Asarum heterotropoides Fr. var. mandshuricum (Maxim.) Kitag.), cây Hán thành tế tân (Asarum sieboldii Miq. var. seoulense Nakai), hoặc Hoa tế tân (Asarum sieboldii Miq.) cùng họ Mộc hương (Aristolochiaceae). Hai loài trên còn gọi là Liêu tế tân.

1. Mô tả

Bắc tế tân: Thường cuộn lại thành một khối lỏng lẻo. Thân rễ mọc ngang hình trụ, không đều, phân nhánh ngắn, dài 1 - 10 cm, đường kính 2 - 4 mm, mặt ngoài màu nâu xám, xù xì, với những mấu vòng, đốt dài 2 - 3 mm, có vết hình đĩa của các sẹo thân ở đầu nhánh. Rễ mảnh dẻ, mọc gần nhau ở các mấu, dài 10 - 20 cm, đường kính 1 mm; mặt ngoài màu vàng xám, nhẵn, có vết nhăn dọc, với những rễ con nhỏ hoặc vết sẹo. Có 2 - 3 lá mọc ở gốc thân khí sinh, cuống dài, mặt nhẵn, phiến lá phần nhiều bị gẫy, lá nguyên hình tim hay hình thận, mép nguyên, đầu lá nhọn, gốc lá hình tim, dài 4 - 10 cm, mặt trên màu lục nhạt. Một số dược liệu có hoa, phần nhiều nhăn dúm lại, hình chuông, màu tía thẫm, thuỳ của bao hoa cong về phía gốc, phần nhiều bị nén ép, xát vào ống bao hoa. Quả nang, hình cầu. Mùi thơm, vị cay, nếm có cảm giác tê lưỡi.

Thân rễ của cây trồng, có nhiều nhánh, dài 5 - 15 cm, đường kính 2 - 6 mm. Rễ dài 15 - 40 cm, đường kính 1 - 2 mm, có nhiều lá hơn.

Hán thành tế tân: Đường kính thân rễ 1 - 5 mm, đốt dài 0,1 - 1 cm. Phần nhiều có 2 lá gốc, cuống có lông, phiến lá dày hơn. Thuỳ bao hoa căng ra. Quả nang, hình bán cầu.

Hoa tế tân: Thân rễ dài 5 - 20 cm, đường kính 1 -  mm, đốt dài 0,2 - 1 cm. Có 1 - 2 lá gốc, phiến lá mỏng hơn, hình tim, đầu lá nhọn. Thuỳ bao hoa căng ra. Quả nang, gần hình cầu. Mùi và vị đặc trưng.

Độ ẩm: Không quá 13%.

Tạp chất: Không quá 1%.

Tro toàn phần: Không quá 12%.

2. Định lượng

Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu. Hàm lượng tinh dầu trong dược liệu không được dưới 2,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

3. Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ và đầu mùa thu, khi quả chín, đào lấy cả cây Tế tân, rửa sạch, phơi âm can.

4. Bào chế

Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, vẩy nước vào cho mềm, cắt thành từng đoạn, phơi khô.

5. Bảo quản

Để nơi khô mát.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh tâm, phế, thận, can.

6. Công năng, chủ trị

Khu phong, tán hàn, thông khiếu, giảm đau, ôn phế, hoá đàm ẩm. Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, nhức đầu, đau răng, ngạt mũi, chảy nước mũi, phong thấp đau tê, đàm ẩm, ho suyễn.

7. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 4 - 8 g, dạng thuốc sắc, bột, hay viên. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Dùng ngoài:  Lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Không dùng phối hợp với Lê lô.

Dùng thận trọng với người âm hư hoả vượng.

Cây Tế tân là một loại dược liệu có khả năng điều trị tốt cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, chảy nước mũi, đàm ẩm, ho suyễn, đau đầu, phong thấp đau tê và một số bệnh lý khác liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên loại dược liệu này không có tác dụng thay thế các loại thuốc chữa bệnh do các bác sĩ chuyên khoa kê đơn. Chính vì thế trước khi quyết định bổ sung cây Tế tân vào quá trình điều trị bệnh, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Ngày:17/09/2020 Chia sẻ bởi:Phuong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM