Miết giáp - Chữa âm hư, lao nhiệt, hư phong nội động, kinh bế

Miết giáp chính là phần mai của con ba ba, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền. Vị thuốc này có vị mặn, tính hàn và không chứa độc với tác dụng bổ âm, nhuận kiên tán kết, thường dùng chữa ho lao, nhức xương, kinh nguyệt bế, tiểu tiện ra sỏi sạn…Cùng eLib.VN tìm hiểu về vị thuốc này qua bài viết dưới đây nhé. 

Miết giáp - Chữa âm hư, lao nhiệt, hư phong nội động, kinh bế

Mai đã phơi hay sấy khô của con Ba ba (Trionyx sinensis Wiegmann), họ Ba ba (Trionychidae).

1. Mô tả

Miết giác hình bầu dục hoặc hình trứng, mặt lưng cong lên, dài 10 - 15 cm, rộng 9 - 14 cm, mặt ngoài màu nâu đen hoặc lục sẫm, hơi sáng óng ánh, có vân lưới nhỏ, đốm màu vàng xám hoặc trắng tro, dọc sống có đường gờ. Đốt sống cổ cong vào phía trong. Có 8 đôi xương sườn xếp 2 bên đốt sống thẳng ra mép. Chất cứng, mùi hơi tanh, vị mặn.

Độ ẩm: Không được quá 5%.

Tạp chất: Không được quá 1%.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 5,0%.

Tiến hành theo phương pháp chiết nóng, dùng ethanol 50% (TT) làm dung môi.

2. Chế biến

Ba ba bắt được quanh năm, phần lớn thu hoạch vào mùa thu và mùa đông. Mổ lấy phần cứng ở trên lưng, cho vào nước sôi, đun 1 - 2 giờ cho đến khi lớp da trên mai có thể bong ra. Vớt lấy mai, bóc hết thịt còn dính lại, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

3. Bào chế

Miết giáp: Lấy miết giáp khô, cho vào nồi đồ khoảng 45 phút, lấy ra để vào nước nóng, lập tức dùng bàn chải cứng chải sạch da thịt còn sót lại, rửa sạch, phơi khô.

Thố miết giáp (chế giấm): Lấy cát sạch cho vào nồi rang cho tới khi cát tơi ra, cho Miết giáp vào, sao tới khi mặt ngoài hơi vàng. Lấy ra, loại bỏ cát, ngâm qua giấm, để khô, khi dùng giã nát. Cứ 10 kg mai Ba ba dùng 2 lít giấm.

4. Bảo quản

Để nơi khô, tránh sâu, mọt, thỉnh thoảng đem phơi lại.

5. Tính vị, quy kinh

Hàm, vi hàn. Vào các kinh can, thận.

6. Công năng, chủ trị

Tư âm tiềm dương, nhuyễn kiên, thoái nhiệt, trừ trưng hà. Chủ trị: Dùng điều trị âm hư phát sốt, lao nhiệt nóng trong xương, hư phong nội động, phụ nữ kinh bế, trưng hà, sốt rét lâu ngày có báng, gan lách to.

7. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 9 - 24 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Kiêng kỵ

Hư mà không nhiệt, vị yếu hay nôn mửa, tỳ hư có tiết tả, phụ nữ có thai không nên dùng.

Những thông tin về vị thuốc miết giáp được đề cập trong bài viết trên chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi sử dụng dược liệu này cho mục đích chữa bệnh, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM