Viễn chí - Chữa trị mất ngủ, tinh thần hỗn loạn, ho, mụn nhọt

Viễn chí là vị thuốc như thế nào, cách bào chế ra sao? Để biết được thông tin của vị thuốc viễn chí mời bạn đọc cùng eLib.VN tham khảo bài viết dưới đây.

Viễn chí - Chữa trị mất ngủ, tinh thần hỗn loạn, ho, mụn nhọt

Rễ phơi hay sấy khô của cây Viễn chí lá nhỏ (Polygala tenuifolia Willd.) hay cây Viễn chí Xiberi tức viễn chí lá trứng (Polygala sibirica L.), họ Viễn chí (Polygalaceae).

1. Mô tả

Rễ đã bỏ lõi gỗ hình ống hoặc từng mảnh, thường cong queo, dài 5 - 15 cm, đường kính 0,3 - 0,8 cm, đầu rễ có khi còn sót phần gốc thân, mặt ngoài màu xám hoặc xám tro, có những nếp nhăn và đường nứt ngang, các vết nhăn dọc nhỏ, vết rễ nhánh như núm nhỏ. Mặt cắt ngang có lớp vỏ màu nâu nhạt, ruột rỗng (đã bỏ gỗ). Đối với rễ chưa bỏ lõi gỗ, khi cắt ngang thấy lớp gỗ trắng xám và có chỗ rách. Lớp vỏ dễ tách khỏi gỗ. Vị đắng, hơi cay, kích thích khi nhấm.

2. Vi phẫu

Rễ đã bỏ lõi gỗ: Lớp bần khoảng 10 hàng tế bào. Tế bào mô mềm vỏ chứa nhiều giọt dầu, đôi khi  chứa tinh thể calci oxalat hình lăng trụ. Trong mô mềm có những chỗ rách ngang. Tế bào libe nhỏ nhăn nheo, ở gần tầng phát sinh gỗ có nhiều chỗ rách nằm theo hướng xuyên tâm. Rễ chưa bỏ lõi có phần gỗ tạo bởi vòng ống mạch, sợi gỗ và mô mềm gỗ. Tia ruột gồm 1 - 3 dãy tế bào.

3. Bột

Bột màu nâu nhạt. Soi kính hiển vi thấy: Mảnh bần màu vàng nâu nhạt. Nhiều mảnh mô mềm tế bào dài hoặc hơi tròn chứa nhiều giọt dầu. Có những giọt dầu đứng riêng lẻ. Mảnh ống mạch, mạch vạch, đôi khi kèm theo sợi gỗ. Nếu bỏ hết lõi gỗ thì không thấy mảnh mạch ở bột.

4. Định tính

A. Lấy 0,5 g bột dược liệu, cho vào ống có nút mài, thêm 10 ml nước nóng, duy trì nhiệt độ khoảng 10 phút, lắc mạnh trong 1 phút, bọt hình thành bền ít nhất 10 phút.

B. Lấy 0,5 g bột dược liệu, thêm 2 ml anhydrid acetic (TT), lắc mạnh, để lắng 2 phút, lọc. Lấy dịch lọc thêm 1 ml acid sulfuric (TT) để có hai lớp dung dịch phân tách rõ, phần tiếp giáp giữa 2 dung dịch này sẽ hiện ra màu nâu đỏ rồi chuyển dần sang màu lục đen.

5. Độ ẩm

Không quá 14 % (Phụ lục 12.13).

Tro toàn phần: Không quá 6% (Phụ lục 9.8).

6. Tạp chất

Lõi gỗ còn sót lại: Không quá 3%.

Thân lá còn sót lại: Không quá 2%.

Tạp chất khác:  Không quá 1%.

Tro không tan trong acid

Không quá 1,5% (Phụ lục 9.7).

Chất chiết được trong dược liệu

Dùng 4  g bột thô dược liệu, thêm 40 ml ether dầu hoả ( 30 - 60 oC) (TT), đun hồi lưu 1 giờ, lọc và rửa dược liệu bằng ether dầu hoả ( 30 - 60 oC) (TT), loại bỏ dịch ether dầu hoả và làm dược liệu bay hơi kiệt  dung môi. Tiếp tục tiến hành xác định chất chiết dược trong dược liệu (Phụ lục 12.10), dùng phương pháp chiết nóng, sử dụng ethanol 70% (TT) làm dung mội.

Lượng chất chiết được không được ít hơn 20,0%.

7. Chế biến

Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy rễ Viễn chí, loại bỏ rễ con và tạp chất, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

8. Bào chế

Lấy rễ Viễn chí, rửa nhanh, ủ mềm, cắt đoạn, phơi hoặc sấy khô.

Viễn chí chế: Lấy Cam thảo, thêm nước thích hợp, sắc lấy nước bỏ bã, cho Viễn chí sạch vào đun nhẹ cho hút hết hết nước sắc Cam thảo, lấy ra phơi hoặc sấy khô. Cứ 100 kg Viễn chí dùng 6 kg Cam thảo.

9. Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Khổ, tân, ôn. Vào kinh tâm, thận, phế.

10. Công năng, chủ trị

An thần ích trí, trừ đờm chỉ khái. Chủ trị: Mất ngủ, hay mê, hay quên, hồi hộp, đánh trống ngực, tinh thần hoảng hốt. Ho đờm nhiều. Mụn nhọt, vú sưng đau.

11. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 3 - 9 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Kiêng kỵ

Người viêm loét dạ dày, phụ nữ có thai, người trầm cảm không nên dùng.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc viễn chí. Viễn chí là dược liệu có tác dụng an thần, giảm sưng đau họng và ho có đờm. Khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên sử dụng với liều lượng và thời gian được quy định để đạt kết quả tốt nhất.

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni Trần

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM