Cỏ nhọ nồi - Chữa trị ho, đại tiểu tiện ra máu, băng huyết, lợi sưng

Cỏ nhọ nồi có tính hàn, vị ngọt, không chứa độc tính, lợi về kinh vị và tỳ có tác dụng mát huyết, thanh nhiệt, cầm máu, giải độc,… thường được dùng dưới dạng sấy khô hoặc tươi. Để biết thêm thông tin về vị thuốc cỏ nhọ nồi, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Cỏ nhọ nồi - Chữa trị ho, đại tiểu tiện ra máu, băng huyết, lợi sưng

Toàn bộ phần trên mặt đất đã của phơi hay sấy khô của cây Cỏ nhọ nồi ( Eclipta prostrata L.), họ Cúc (Asteraceae).

1. Mô tả

Thân hình trụ, có khía dọc, dài khoảng 30 – 50 cm, đường kính 2 – 5 mm. Mặt ngòai thân màu nâu tím  nhạt và mang lông cứng, trắng. Lá nguyên, mọc đối, hình mũi mác, màu xám đen và nhăn nheo, dài 2,5 – 3 cm, rộng 1 – 2,5 cm. Hai mặt đều có lông cứng ngắn, màu trắng. Mép phiến lá có răng cưa, to và nông. Gốc phiến lá men xuống nên trông như không có cuống lá. Cụm hoa hình đầu, màu trắng, đường kính 4 – 8 mm, mọc ở kẽ lá hay ngọn cành. Đầu mang 2 loại hoa: hoa cái hình lưỡi nhỏ ở ngoài hoa lưỡng tính hình ống ở trong, có khi các hoa đã rụng chỉ còn lại tổng bao lá bắc và trục cụm hoa. Quả đóng hình trái xoan hơi dẹt, đầu cụt, màu đen. Dài 3 mm, rộng 1 – 1,5 mm.

2. Vi phẫu

Lá: biểu bì trên và dưới đều có lỗ khí và lông che chở đa bào thường bị gẫy. Ở phần gân giữa biểu bì dưới thường có 2 – 3 hàng tế bào mô dày, có 3 -7 bó libe-gỗ xếp thành hình cung. Phần phiến lá có 1 hàng mô mềm giậu chiếm 1/3 bề dầy của phiến lá.

Thân: biểu bì có lông che chở đa bào thường bị gẫy. Dưới biểu bì là vòng mô dày gồm 2 – 3 dãy tế bào. Bên trong là mô mềm vỏ, trong đó có những khuyết lớn phân bố rải rác. Trụ giữa gồm nhiều đám libe – gỗ xếp rời nhau, trên các đám mô dẫn thường có cung mô cứng.

3. Bột

Bột màu lục xám, lông che chở gồm 3 tế bào, bề mặt sần sùi. Mảnh biểu bì gồm tế bào thành ngoằn ngoèo có lỗ khí. Mảnh mạch xoắn. Mảnh cánh hoa với tế bào hình chữ nhật, thành hơi nhăn nheo. Hạt phấn hoa màu vàng, hình cầu, đường kính 28 - 30 µm, có 3 lỗ rãnh, có gai to và dài 4 - 5 µm. Đầu nhụy gồm các tế bào mọc lồi lên.

4. Định tính

Lấy 1 g bột dược liệu, thêm 5 ml ether ethylic ( TT), ngâm 10 phút, thỉnh thỏang lắc, lọc. Lấy 1 ml dịch lọc cho vào ống nghiệm, thêm 10 giọt acid acetic (TT), thêm từ từ 15 giọt acid sulfuric (TT) theo thành ống nghiệm. Nơi tiếp giáp giữa 2 lớp chất lỏng có màu nâu đỏ, đồng thời lớp ether chuyển sang màu xanh da trời.

Độ ẩm: Không quá 13%.

Tro toàn phần: Không quá 20%.

Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 0,3150 mm không quá 8%.

5. Chế biến

Thu hoạch cây đang ra hoa, bỏ gốc, rễ, rửa sạch, phơi khô.

6. Bảo quản

Để nơi khô.

Tính vị, quy kinh

Cam, toan, hàn. Vào hai kinh can, thận

7. Công năng, chủ trị

Lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận. Chủ trị: Can, thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, chứng ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện và tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau.

8. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 12 - 20 g, dạng thuốc sắc hoặc viên. Có thể dùng ngoài, dược liệu tươi, lượng thích hợp.

Kiêng kỵ

Tỳ vị hư hàn, ỉa chảy phân sống không nên dùng.

Theo tài liệu ghi chép, cỏ nhọ nồi giúp điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, trước khi sử dụng thảo dược này, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cũng như cách chế biến để đảm bảo an toàn và mang lại kết quả trị liệu tốt.

Ngày:11/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM