Lá tía tô - Chữa cảm mạo phong hàn, ho, khí suyễn buồn nôn, có thai nôn mửa

Cây tía tô ngoài công dụng làm nguyên liệu chế biến còn được dân gian sử dụng như bài thuốc quý giúp điều trị bệnh tê thấp, trừ đờm, ho,...Để biết thêm thông tin về vị thuốc mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây của eLib.VN

Lá tía tô - Chữa cảm mạo phong hàn, ho, khí suyễn buồn nôn, có thai nôn mửa

Lá (hoặc có lẫn nhánh non) đã phơi hay sấy khô của cây Tía tô (Perilla frutescens (L.) Britt.), họ Bạc hà (Lamiaceae).

1. Mô tả

Phiến lá thường nhàu nát, cuộn lại và gẫy, lá được dàn phẳng có hình trứng, dài 4 - 11 cm, rộng 2,5 - 9 cm, chóp lá nhọn, gốc lá tròn hoặc vát nhọn, rộng, mép lá có răng tròn. Hai mặt lá đều có màu tía hoặc mặt trên màu lục, mặt dưới màu tía có lông màu trắng xám mọc rải rác và nhiều vảy tuyến dạng điểm. Cuống lá dài 2 - 7 cm, màu tía hoặc lục tía. Chất giòn. Cành non có đường kính 2 - 5 mm, màu lục tía, mặt cắt ngang có tuỷ ở giữa. Mùi thơm, vị hơi cay.

2. Vi phẫu

Biểu bì trên và dưới gồm  một lớp tế bào dẹt và nhỏ. Có nhiều lỗ khí ở biểu bì dưới. Lông tiết  nằm trong những chỗ lõm của biểu bì. Lông che chở đa bào một dãy. Mô dày nằm ở những chỗ lồi của gân giữa. Mô mềm vỏ. Bó libe- gỗ hình cung ở giữa gân lá gồm có cung gỗ ở phía trên, cung libe ở phía dưới.

Phiến lá gồm có mô mềm giậu chứa chất màu vàng, chiếm 2/3 phiến lá ở phía trên, mô mềm khuyết mỏng ở phía dưới.

3. Bột

Màu nâu, mùi thơm. Soi kính hiển vi thấy: Lông che chở đa bào, bề mặt lấm tấm. Lông tiết đầu đa bào, cuống rất ngắn. Mảnh biểu bì trên và dưới gồm tế bào thành ngoằn ngoèo, có lỗ khí và lông tiết. Phiến lá gồm tế bào chứa diệp lục, có tinh thể calci oxalat hình cầu gai nhỏ. Mảnh mạch mạng, mạnh vòng, mạch xoắn.

4. Định tính

A. Phản ứng trên bề mặt lá: Một số tế bào biểu bì chứa khối chất màu tía. Màu đỏ xuất hiện ngay khi nhỏ lên mặt dưới lá vài giọt dung dịch acid hydrocloric 10% (TT); hoặc khi nhỏ lên mặt dưới lá vài giọt dung dịch kali hydroxyd 5% (TT) sẽ xuất hiện màu lục sáng, sau đó chuyển thành màu lục vàng.

B. Phương pháp sắc ký lớp mỏng (Phụ lục 5.4)

  • Bản mỏng: Silica gel G
  • Dung môi khai triển: Dùng lớp trên của hỗn hợp dung môi gồm ether dầu hỏa ( 60 - 90o) - ethyl acetat (19 : 1).
  • Dung dịch thử: Lấy 0,7 g bột thô dược liệu vào bình cầu, thêm 250 ml  nước, trộn đều, lắp bình vào dụng cụ cất tinh dầu, tiến hành cất tinh dầu theo phương pháp 2, Phụ lục 12.7, thêm 1,5 ml ether dầu hoả (60 - 90 oC) (TT) thay cho xylen, đun sôi nhẹ trong 2 giờ, để nguội, tách riêng phần ether dầu hoả làm dung dịch thử.
  • Dung dịch đối chiếu: Lấy 0,7 g bột thô lá Tía tô, tiến hành chiết tương tự như đối với dung dịch thử.
  • Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 µl mỗi dung dịch trên. Triển khai sắc ký đến khi dung môi đi được khoảng 15 cm, lấy bản mỏng ra, để khô trong không khí,  phun dung dịch dinitrophenylhydrazin (TT), để yên cho đến khi hiện rõ vết. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm: Không quá 13,0%.

Tạp chất: Không quá 2%.

Dự lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Benzen hexaclorid (BHC) : Không quá 0,2 ppm.

Tro toàn phần: Không quá 9,0%  (Phụ lục 9.8).

Tỷ lệ vụn nát: Qua rây có kích thước mắt rây 3,150 mm: Không quá 5%.

5. Chế biến

Thu hoạch vào mùa hạ, khi cành lá Tía tô mọc xum xuê, bỏ lá sâu, để riêng lá hoặc nhánh non, loại bỏ tạp chất, phơi trong bóng râm hoặc sấy nhẹ đến khô.

6. Bào chế

Loại bỏ tạp chất và cành già, phun nước cho mềm, thái vụn, phơi khô.

7. Bảo quản

Để nơi mát, khô.

Tính vị, quy kinh

Tân, ôn. Vào các kinh phế, tỳ.

8. Công năng, chủ trị

Giải biểu tán hàn, hành khí hoà vị, lý khí an thai. Chủ trị: Cảm mạo phong hàn, ho, khí suyễn buồn nôn, có thai nôn mửa, chữa trúng độc cua cá.

9. Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 5 - 9 g, dạng thuốc sắc.

Kiêng kỵ

Ho khan, ho ra máu, người âm hư hàn nhiệt, hoặc nóng trong, mồ hôi ra nhiều và không phải ngoại cảm phong hàn không nên dùng.

Trên đây là bài viết của eLib.VN về vị thuốc lá tía tô. Các bài thuốc chữa bệnh từ cây tía tô chỉ mang tính chất tham khảo được người xưa truyền lại và chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh chúng an toàn và hiệu quả. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, tránh tình trạng dùng sai cách cũng như sai liều lượng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Ngày:16/09/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM