Soạn bài Sang thu Ngữ văn 9 tóm tắt

Nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được bức tranh mùa thu tươi đẹp, tràn đầy sức sống qua những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Soạn bài Sang thu Ngữ văn 9 tóm tắt

1. Soạn câu 1 trang 71 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

- Sự biến đổi của đất trời sang thu được cảm nhận từ sự tinh tế của tác giả:

+ Tác giả đã thể hiện sự bất ngờ của bản thân khi đất trời vào thu qua từ "bỗng".

+ Hương ổi phả trong gió se.

+ Sương chùng chình qua ngõ.

- Tác giả đã vô cùng xao xuyến, rung động pha chút ngỡ ngàng khi đất trời vào thu một cách nhẹ nhàng, lay động lòng người. Nhà thơ gợi tả sự biến chuyển khoảnh khắc sang thu bằng nhiều yếu tố, nhiều giác quan.

2. Soạn câu 2 trang 71 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

Sự biến chuyển trong không gian lúc sang thu được nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận qua nhiều yếu tố, nhiều giác quan và sự rung động thật tinh tế:

- Những giọt sương trên đường làng đã làm cho nhà thơ hơi bất ngờ, muốn cảm nhận đầy đủ về không khí đất trời khi sang thu.

- Bất chợt nghe mùi thơm của ổi đang vào độ chín phả vào ngọn gió nhẹ, khô và hơi lạnh.

- Dòng sông thanh thản trôi êm dịu và những cánh chim bắt đầu vội vã như chuẩn bị cho chuyến thiên di tránh rét.

- “Đám mây mùa hạ, vắt nửa mình sang thu” thể hiện thật sinh động cảm giác giao mùa.

- Nắng vẫn còn nhiều nhưng đã vơi dần những cơn mưa.

3. Soạn câu 3 trang 71 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

"Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi"

- Trước tiên hai câu thơ trên mang nghĩa thực khi nói về thiên nhiên, mùa thu đã sang thì mưa cũng ít dần đi cho nên không còn sấm trên những cây cổ thụ nữa.

- Ý nghĩa ẩn dụ là hình ảnh sấm - những gì bất thường dữ dội, khó khăn, gian khổ trong cuộc sống, hàng cây đứng tuổi - người từng trải. Con người khi về già, khi đã trải qua mọi vị ngọt đắng của cuộc đời thì họ trở nên bình đạm hơn, dạn dày hơn chính vì vậy mà không còn điều gì phải bất ngờ trước những sự thay đổi của cuộc đời.

4. Soạn câu luyện tập trang 72 SGK Ngữ văn 9 tóm tắt

Dựa vào các hình ảnh, bố cục của bài thơ, viết một bài văn ngắn diễn tả cảm nhận của Hữu Thỉnh trước sự biến chuyển của đất trời lúc sang thu:

Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành từ trong quân đội. “Sang thu” là một thi phẩm đặc sắc của ông. Với con mắt nghệ sĩ, tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút tài hoa, Hữu Thỉnh đã có những cảm nhận mới mẻ trước sự biến chuyển của thiên nhiên đất trời lúc cuối hạ sang đầu thu. “Sang thu” ở đây là chớm thu, là lúc thiên nhiên giao mùa. Mùa hè vẫn chưa hết và mùa thu tới có những tín hiệu đầu tiên. Trước những sự thay đổi tinh vi ấy, phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được.

Mở đầu bài thơ là từ “bỗng” thể hiện sự bất ngờ, đột ngột, một sự cảm nhận từ khứu giác, đánh thức tâm hồn, gợi lên một tứ thơ rất “hương ổi”. Hương vị đặc trưng của mùa thu bất chợt làm nhà thơ xao lòng, không phải là hương thơm của một loài hoa mà là mùa ổi chín, nghe mới mộc mạc, dân dã làm sao! Hương ooitr hay chính là hương vị nồng nàn của quê hương gợi nhớ gợi thương cho những kẻ nặng tình với quê hương yêu dấu. hương ổi không chỉ lan tỏa mà còn vận động rất mạnh trong không gian, phả vào trong gió se. Mùa thu miền bắc đã bắt đầu chớm lạnh, vì gió thu “se” lành lạnh nên hương ổi mới thêm nồng nàn mà phả vào đất trời và hồn người. Từ láy gợi hình “chùng chình” được nhân hóa khiến nó mang dáng vẻ thon thả, nhẹ nhàng như thiếu nữ đôi mươi. Và câu thơ “hình như thu đã về” đã kết lại dòng cảm xúc bất ngờ đột ngột của nhà thơ. Tất cả tín hiệu trên rồi cũng đi đến nghi vấn “Thu đã về?”, ngỡ ngàng và thảng thốt, thu đã đến với đất trời.

Hơi thở của thu đã rõ rệt hơn. Sự hiện diện của thu ko còn mơ hồ mà đã cụ thể, hữu hình trong thiên nhiên và tạo vật, Trong không gian rộng lớn hơn, từ bầu trời tới mặt đất, đâu đâu cũng thấy cảnh sắc nhuốm thu. Dòng sông chảy khoan thai, lững lờ, mà mềm mại và duyên dáng chứ ko ào ạt, cuộn dâng như trong hạ. Thế nhưng trái lại với vẻ chậm chạp của dòng sông, đàn chim trời lại đang vội vã, chuẩn bị cho một hành trình mới, khi thu sang, ngày ngắn, đêm dài và gió se đã thổi. Như vậy, mùa thu của tác giả không chỉ có bình yên, thư thả mà còn có cả sự vội vã, gấp gáp.

Bằng tất cả các giác quan: khứu giác, xúc giác và thị giác, nhà thơ cảm nhận những nét đặc trưng của mùa thu đều hiện diện. Có “hương ổi”, “gió se” và “sương”. Mùa thu đã về trên quê hương. Vậy mà nhà thơ vẫn còn dè dặt: “Hình như thu đã về”. Sao lại là “Hình như” chứ không phải là “chắc chắn”? Một chút nghi hoặc, một chút bâng khuâng không thật rõ ràng. Đúng là một trạng thái cảm xúc của thời điểm chuyển giao. Thu đến nhẹ nhàng quá, mơ hồ quá.

Hóa ra bức tranh kia không phải cảm nhận bằng giác quan mà bằng cả tâm hồn nữa. Đó là tâm hồn nhạy cảm của một tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Khổ thơ mang cái man mác buồn, lắng đọng ngọt ngào thi vị của mùa thu. Từ đây cũng cho ta thấy con người của thi ca đến với thiên nhiên bằng sự khám phá đường nét nhỏ nhất, tinh xảo nhất của vũ trụ bao la. Đó cũng chính là cái hay tạo nên sự khác biệt cho mùa thu mà ngay ở bốn câu thơ đầu ta đã thấy tiếp tục lan tỏa, mở ra trong cái nhìn xa hơn, rộng hơn.

Vậy là “Sang thu” đâu chỉ là sự chuyển giao của đất trời mà còn là sự chuyển giao cuộc đời mỗi con người. Hữu Thỉnh rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng. Chính vì vậy những vần thơ của ông có sức lay động lòng người mãnh liệt hơn.

Bằng hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm. Cùng thể thơ năm chữ, Hữu Thỉnh đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm nhận tinh tế để tạo ra một bức tranh chuyển giao từ cuối hạ sang thu nhẹ nhàng, êm dịu, trong sáng nên thơ… ở vùng đồng bằng Bắc Bộ của đất nước. Bài thơ của Hữu Thỉnh đánh thức tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.

(Sưu tầm)

Ngày:30/12/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM