Soạn bài Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa Ngữ văn 10 đầy đủ

eLib xin gửi đến các em nội dung bài soạn dưới đây, nhằm giúp các em cảm nhận được tiếng hát thân thân và lời ca yêu thương tình nghĩa của người bình dân trong xã hội phong kiến. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa Ngữ văn 10 đầy đủ

1. Soạn câu 1 trang 84 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

Phân tích cách mở đầu của bài ca dao 1 và 2:

a. Hai lời ca dao than thân có hình thức mở đầu “thân em như…”:

- Âm điệu ngậm ngùi, xót xa.

- Người than thân ở đây được hiểu là cô gái đang độ xuân thì, ngậm ngùi xót xa khi vẻ đẹp của họ không được trân trọng.

- Họ không có quyền tự quyết cuộc đời của mình.

b. Phân tích nét đẹp ẩn chứa trong hai bài ca dao sau:

- Bài ca 1: người phụ nữ - tấm lụa đào: Thân phận trôi nổi, không tự quyết định được tương lai (phất phơ giữa chợ biết vào tay ai).

- Bài ca 2: người phụ nữ - củ ấu gai (xấu ngoài, đẹp trong):

+ Lời bộc bạch tha thiết của cô gái ý thức được giá trị bản thân.

+ Khát khao muốn khẳng định giá trị chân thực vẻ đẹp.

+ Nỗi ngậm ngùi, chua xót cho thân phận người phụ nữ xưa.

2. Soạn câu 2 trang 84 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

a. Nếu như hai bài ca dao trên mở đầu bằng “Thân em như…” thì bài ca dao này lại được mở đầu bằng đại từ phiếm chỉ “Ai” - một từ cũng khá quen thuộc trong ca dao xưa. Trong ca dao, từ “Ai” thường dùng để chỉ các thế lực ép gả, ngăn cản tình yêu và trong bài ca dao này cũng như vậy. “Ai” ở đây có thể là cha mẹ, những hủ tục cưới xin hay cũng có thể là chính người tình.

b. Mặc dù lỡ duyên nhưng tình nghĩa vẫn bền vững, thủy chung. Điều đó được nói lên bằng một hệ thống những hình ảnh của thiên nhiên vũ trụ: mặt trăng, mặt trời, sao Hôm, sao Mai. Tác giả dân gian đã lấy cái vĩnh hằng, bất biến của thiên nhiên, vũ trụ để khẳng định tính bền vững, sự thủy chung trong tình yêu, dù không ở gần nhau nhưng mãi mãi có nhau.

c. Vẻ đẹp của câu thơ cuối: Dẫu không đến được với nhau nhưng chàng trai vẫn một lòng chờ cô gái: “Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”. Dù cho có cách xa nhưng chàng trai vẫn một lòng thủy chung chờ cô gái dẫu biết tình yêu này là không thể như sao Vượt chờ mặt trăng ngưng mãi mãi không thể đến gần nhau được.

3. Soạn câu 3 trang 84 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Phân tích các thủ pháp nghệ thuật và nêu hiệu quả nghệ thuật của nó:

+ Các thủ pháp diễn tả tình thương nhớ trong bài ca dao và tác dụng: Ẩn dụ và hoán dụ.

  • Chiếc khăn ẩn dụ cho việc gửi gắm nỗi lòng, tình cảm của cô gái tới chàng trai, chiếc khăn còn là hiện thân của cô gái.
  • Đôi mắt: hoán dụ nỗi lòng thao thức vì thương nhớ.

+ Phép điệp (lặp từ ngữ):

  • “Khăn thương nhớ ai”: được lặp nhiều lần, nhằm nhấn mạnh, tô đậm nỗi nhớ.
  • Nỗi nhớ có nhiều trạng thái, cung bậc khác nhau.

c. Câu hỏi tu từ “khăn thương nhớ ai - khăn rơi xuống đất?/ Đèn thương nhớ ai - Mà đèn chẳng tắt?/ Mắt thương nhớ ai - Mà mắt không yên thể hiện: Tình cảm, sự nhớ nhung, bồn chồn vì người yêu thể hiện trong mọi hoạt động, mọi khung cảnh.

d. Hình tượng thơ vẫn liền mạch, thống nhất về ý nghĩa. Các câu hỏi cứ liên tục được cất lên ngày càng day dứt hơn, nhưng câu trả lời có lẽ chỉ có trong lòng cô gái, trong nỗi niềm nhớ thương dâng trào ngày một đong đầy của cô mà thôi.

4. Soạn câu 4 trang 84 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Phân tích để làm rõ vẻ đẹp độc đáo của hình ảnh nghệ thuật chiếc cầu - dải yếm:

+ Trong ca dao tình yêu, chiếc cầu là một mô típ rất quen thuộc. Nó là biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, trao duyên của những đôi lứa đang yêu. Chiếc cầu ở trong ca dao là hình ảnh ước lệ độc đáo như cành hồng, ngọn mồng tơi… và ở trong bài ca dao này là dải yếm. Con sông đã không có thực (rộng một gang) nên hiển nhiên chiếc cầu dải yếm kia cũng không có thật. Chiếc cầu - dải yếm là một hình ảnh nghệ thuật chỉ có trong ca dao, nói lên ước muốn mãnh liệt của người dân trong tình yêu. Đây là lời tỏ tình đầy ý nhị của cô gái. Có thể thấy đây là hình ảnh quen thuộc thường xuất hiện trong ca dao:

“Cô kia cắt cỏ bên sông

Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang"

+ Đó là những cây cầu không có thực nhưng lại mang đến cho người đọc vẻ đẹp rất dân gian, rất đồng quê và rồi từ đó ước muốn của cô gái trở nên độc đáo, táo bạo hơn:

“Ước gì sông rộng một gang,

Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi"

+ Người con gái đã chủ động bắc cầu cho người mình yêu. Đây là một suy nghĩ rất táo bạo trong xã hội phong kiến đầy những hủ tục, những ràng buộc của lễ giáo. Cái cầu dải yếm này vừa gần gũi thân quen, táo bạo mà trữ tình, lại đằm thắm đầy nữ tính. Nó trở thành biểu tượng đẹp cho tình yêu mà chỉ có tư duy nghệ thuật dân gian mới sáng tạo ra được.

5. Soạn câu 5 trang 84 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Phân tích ý nghĩa biểu tượng và giá trị biểu cảm của cặp hình ảnh ẩn dụ quen thuộc trong ca dao truyền thống gừng cay - muối mặn:

- Hình ảnh muối - gừng: được xây dựng từ những hình ảnh có thực trong cuộc sống (gia vị trong bữa ăn) tượng trưng cho tình nghĩa của con người: sự gắn bó thủy chung khi trải qua hết những “vị” của cuộc sống (Gừng cay - muối mặn).

- Giá trị biểu cảm của hình ảnh muối - gừng trong bài ca dao:

+ Là nghĩa tình chung thủy dành cho những cặp vợ chồng.

+ Nghĩa tình ấy bền vững như Muối ba năm muối đang còn mặn - Gừng chin tháng gừng hãy còn cay.

+ Hương vị của gừng - muối đã thành hương vị của tình người.

+ Khẳng định lòng chung thủy sắt son, không bao giờ xa cách.

- Một số câu ca dao có biểu tượng muối gừng:

"Tay nâng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau".

6. Soạn câu 6 trang 84 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Qua chùm ca dao đã học, chúng ta thấy các biện pháp nghệ thuật thường dùng trong ca dao là:

+ Sự lặp đi lặp lại của mô thức mở đầu: Thân em như…

+ Những hình ảnh, mô típ đã trở thành biểu tượng: cái cầu, khăn, đèn, gừng cay - muối mặn…

+ Những hình ảnh so sánh, ẩn dụ: lụa đào, củ âu gai…

+ Các mô - típ về thời gian li biệt, không gian xa xôi, cách trở.

+ Thể thơ lục bát - lục bát biến thể, vãn bốn (4 chữ), song thất lục bát (có cả biến thể).

- Đặc điểm khác biệt: Lấy những sự vật gần gũi cụ thể với người lao động để gọi tên, trò chuyện, so sánh: khăn, con sông, chiếc cầu, vườn hồng…

- Trong khi đó thơ bác học trong văn học sử dụng trang trọng hơn, có nhiều nét phức tạp hơn.

7. Soạn câu 1 luyện tập trang 85 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Những bài ca dao sưu tầm mở đầu bằng "thân em" là:

+ "Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày".

+ "Thân em như hạt mưa rào

Hạt rơi xuống giếng, hạt vào vườn hoa".

+ "Thân em như trái bần trôi

Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu".

+ "Thân em như miếng cau khô

Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày".

+ "Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân".

- Các bài ca dao nói về thân em có sắc thái biểu cảm:

+ Than thân, hờn trách người không biết trân trọng vẻ đẹp của người con gái.

+ Sự ý thức cao về giá trị của bản thân của người con gái.

8. Soạn câu 2 luyện tập trang 85 SGK Ngữ văn 10 đầy đủ

- Sưu tầm những bài ca dao thể hiện nỗi nhớ người yêu:

+ "Nhớ ai như nhớ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên".

+ "Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?".

+ "Đêm qua ra đứng bờ ao

Trông cá cá lặn trông sao sao mờ".

+ "Buồn trông con nhện giăng tơ

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai

Buồn trông chênh chếch sao mai

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ".

+ "Gửi khăn, gửi áo, gửi lời

Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa".

+ "Nhớ khi khăn mở trầu trao

Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình".

- Bài ca dao "Khăn thương nhớ ai" nằm trong hệ thống những bài ca dao nỗi nhớ người yêu.

- Câu thơ: “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” (Nguyễn Khoa Điềm) lấy ý từ ca dao nhưng sáng tạo vượt bậc khi tình cảm nam nữ hòa quyện vào tình yêu đất nước.

Ngày:25/09/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM