Câu phủ định Ngữ văn 8

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được đặc điểm hình thức và chức năng của câu phủ định. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích câu phủ định trong một văn bản cụ thể. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Câu phủ định Ngữ văn 8

1. Đặc điểm hình thức và chức năng

- Câu phủ định là câu có các từ ngữ phủ định: không, chẳng, chả, chưa, không phải (là), chẳng phải (là), đâu có phải (là), đâu (có)…

- Câu phủ định dùng để:

+ Thông báo xác nhận không có sự vật, sự việc, tính chất, quan hệ nào đó (câu phủ định miêu tả).

+ Dùng để bác bỏ một ý kiến, một nhận định (câu phủ định bác bỏ).

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy phân tích những từ ngữ phủ định trong những ngữ liệu sau:

a.

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

(Tràng Giang - Huy Cận)

b. Đêm nào, anh chẳng nhớ em.

c.

Chờ mãi anh sang anh chả sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

(Mưa xuân - Nguyễn Bính)

d.

Mình em lầm lũi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê!

(Mưa xuân - Nguyễn Bính)

Gợi ý trả lời:

a. Phủ định không đò, không cầu.

b. Khẳng định nỗi nhớ của chàng trai với cô gái.

c. Lời giận hờn dịu dàng.

d. Lời trách cứ, giận hờn.

Câu 2: Em hãy chuyển những câu dưới đây về câu phủ định:

a. Tối hôm qua, tôi đã học bài rất chăm chỉ.

b. Trong giờ Toán, Hoa rất trật tự.

c. Cô ấy rất đẹp.

d. Anh ấy đi xe cẩn thận

Gợi ý trả lời:

a. Tối hôm qua, tôi đã không học bài.

b. Trong giờ Toán, Hoa không nói chuyện riêng.

c. Cô ấy không hề xấu.

d. Anh ấy đi xe không ẩu.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được đặc điểm hình thức và chức năng của câu phủ định.

- Rèn cho học sinh kĩ năng nhận biết câu phủ định trong các văn bản.

- Sử dụng câu phủ định phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM