Ôn tập về văn bản thuyết minh Ngữ văn 8

Nội dung bài "Ôn tập về văn bản thuyết minh" dưới đây nhằm giúp các em nắm được những kiến thức quan trọng về văn thuyết minh. Từ đó, các em sẽ có kĩ năng viết một bài văn thuyết minh hay và sáng tạo nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ôn tập về văn bản thuyết minh Ngữ văn 8

1. Ôn tập lý thuyết

- Khi giới thiệu một phương pháp (cách làm) nào người viết phải tìm hiểu, nắm chắc phương pháp (cách làm) đó.

- Khi thuyết minh cần trình bày rõ điều kiện, cách thức, trình tự,... làm ra sản phẩm và yêu cầu chất lượng đối với sản phẩm đó.

- Lời văn ngắn gọn, rõ ràng.

- Các phương pháp thuyết minh:

+ Nêu định nghĩa, giải thích.

+ Liệt kê.

+ Nêu ví dụ.

+ Dùng số liệu (con số).

+ So sánh đối chiếu.

+ Phân loại, phân tích.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn ý cho bài văn thuyết minh về một món ăn.

Gợi ý trả lời:

a. Mở bài: Giới thiệu khái quát về loại bánh chưng.

b. Thân bài:

- Nguồn gốc của bánh chưng: liên quan đến hoàng tử Lang Liêu của vua Hùng Vương thứ 6, nhắc nhở con cháu nhớ đến truyền thống dân tộc và coi trọng nền văn minh lúa nước.

- Quan niệm về loại bánh này: Bánh chưng thì tượng trưng chi đất,nhắc sự biết ơn. Tôn trọng mảnh đất đã nuôi sống con người Việt Nam cũng như nhấn mạnh nền văn minh lúa nước của dân tộc.

- Quá trình chuẩn bị nguyên liệu:

+ Lá dong, lá chuối.

+ Gạo nếp thơm ngon.

+ Thịt mỡ, đậu xanh làm nhân bánh.

- Quá trình chế biến:

+ Gói bánh.

+ Luộc bánh.

+ Ép và bảo quản sau khi bánh chín.

- Sử dụng bánh:

+ Chọn bánh đẹp để đặt cúng trên bàn thờ tổ tiện.

+ Làm quà biếu cho người thân.

+ Dùng để đãi khách.

+ Dùng để dùng trong gia đình.

- Vị trí của bánh trong ngày Tết.

c. Kết bài:

- Ý nghĩa của bánh chưng trong văn hóa truyền thống của dân tôc Việt Nam.

Câu 2: Em hãy viết bài văn thuyết minh về cây bút bi.

Gợi ý trả lời:

Trong học tập cũng như công việc, chúng ta cần phải ghi chép lại kiến thức, vấn đề quan trọng. Và khi ấy, chiếc bút bi là một đồ dùng vô cùng tiện ích với mỗi người.

Bên trong bút bi có chứa một ống mực đặc. Khi viết, mực được in lên giấy nhờ chuyển động lăn của một viên bi nhỏ, với đường kính khoảng từ 0,5 đến 1.2 mm, gắn nơi đầu ống chứa mực. Mực của bút bi khô rất nhanh, khác với các loại bút mực.

Bằng sáng chế cho chiếc bút bi đầu tiên được công nhận vào ngày 30 tháng 10 năm 1888 với tác giả là John J. Loud (Mỹ) - người đã tạo ra một công cụ viết có thể viết “trên bề mặt thô, chẳng hạn như gỗ, giấy gói thô và các sản phẩm khác” mà những chiếc bút thông thường không thể làm được. Chiếc bút của Loud có một bi thép nhỏ, được giữ chặt bằng khung thép. Mặc dù nó có thể được sử dụng để đánh dấu trên các bề mặt thô như da, nhưng nó quá thô để có thể viết chữ. Do không được thương mại hóa, tiềm năng bút của Loud đã không được khai thác và bằng sáng chế cuối cùng đã hết thời hạn bản quyền. Và việc sản xuất các bút bi một cách đại trà như bây giờ được xuất phát từ các thử nghiệm, phát triển của hóa học hiện đại và khả năng sản xuất thì phải đến đầu thế kỷ XX.

Cấu tạo cơ bản của một chiếc bút bi gồm ba phần: vỏ bút, ruột bút và các bộ phận đi kèm. Phần bên ngoài là vỏ bút có hình ống trụ, dài 14 - 15cm, làm bằng nhựa dẻo hoặc nhựa màu, trên thân thường in các thông số sản xuất. Phần bên trong gọi là ruột bút, làm từ chất liệu nhựa dẻo, chứa mực đặc hoặc mực nước. Cuối cùng là các bộ phận đi kèm bao gồm lò xo, nút bấm, đai ngoài vỏ. Mực bút bi thường là một loại bột nhão chứa khoảng 25 đến 40 phần trăm thuốc nhuộm. Có hai loại bút bi đó là: bút dùng một lần và bút dùng nhiều lần. Đối với bút dùng một lần thì cấu tạo vô cùng đơn giản, vỏ bút được làm bằng nhựa bao quanh ruột bút khi viết hết mực thì chúng ta bỏ đi. Đối với bút sử dụng nhiều lần thì vỏ bút được làm bằng hợp kim vô cùng chắc chắn bao quanh ruột bút, khi hết mực thì chúng ta chỉ cần thay ruột bút là có thể viết tiếp được bình thường mà không cần mua một cây bút mới.

Giá của một chiếc bút khoảng tầm từ 3000 - 5000 đồng/một chiếc. Cũng có nhiều loại đắt hơn rất nhiều do được sản xuất cầu kì hơn về hình dáng bên ngoài hoặc chất lượng ở bên trong. Bút bi có tác dụng rất lớn, nó là vật không thể thiếu đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là những người làm công việc viết lách. Nhờ có chiếc bút bi mà chúng ta có thể ghi chép lại những bài học, những bài văn, bài thơ hay đơn giản là ghi lại những thông tin quan trọng. So với bút mực, bút bi có ngòi bút viết trơn hơn, do đó người viết có thể viết tốc độ nhanh hơn lại không bị dây bẩn mực ra tay, chữ viết không bị nhòe.

Bút bi chỉ được sử dụng cho đối tượng học sinh trung học cơ sở trở lên. Bởi nét chữ viết ra không được mềm mại, không thích hợp cho việc luyện chữ của học sinh tiểu học.

Những chiếc bút bi dường như đã vô cùng gắn bó đối với lứa tuổi học trò. Những trang lưu bút lưu lại nét chữ của những người bạn thân yêu thuở nào.

(Sưu tầm)

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh ôn tập khái niệm về văn bản thuyết minh.

- Các phương pháp thuyết minh.

- Yêu cầu cơ bản khi làm văn thuyết minh.

- Sự phong phú, đa dạng về đối tượng cần giới thiệu trong văn bản thuyết minh.

- Rèn cho học sinh kĩ năng khái quát, hệ thống những kiến thức đã học.

- Đọc hiểu, yêu cầu đề bài văn thuyết minh.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Thanh Nhàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM