Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận Ngữ văn 8

Bài học "Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận" dưới đây nhằm giúp các em hiểu được vai trò của những yếu tố biểu cảm trong một bài văn nghị luận. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tìm hiểu yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận Ngữ văn 8

1. Yếu tố biểu cảm trong văn nghị luận

- Văn nghị luận rất cần yếu tố biểu cảm.

- Yếu tố biểu cảm giúp cho văn nghị luận có hiệu quả thuyết phục lớn vì nó tác động mạnh mẽ tới tình cảm của người đọc (người nghe).

- Để bài văn nghị luận có sức biểu cảm cao, cần có cảm xúc trước những điều mình viết (nói) và phải biết diễn tả cảm xúc đó bằng những từ ngữ, những câu văn có sức truyền cảm.

- Sự diễn tả cảm xúc cần phải chân thực và không được phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn có sử dụng yếu tố biểu cảm và gạch chân dưới những yếu tố biểu cảm đó.

Gợi ý trả lời:

Sống yêu thương, chan hòa là sống vui vẻ, hòa hợp, quan tâm và thường xuyên tham ra các hoạt đông chung. Nó sẽ giúp cho cuộc sống vui vẻ và được mọi người yêu quý. Nếu không có tình yêu thương thì nhân loại sẽ chìm trong lạnh giá. Mỗi người chỉ còn là cái xác vô hồn, không còn biết yêu, biết quan tâm tới nhau. Vì vậy, tình yêu thương là chất keo gắn kết mảnh vỡ tâm hồn, vực dậy những con người lầm lỗi, làm cho cuộc sống trở nên vui tươi, ý nghĩa hơn. Tình yêu thương không có ở đâu xa, đó là tình bạn thắm thiết, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình yêu thương giữa những người cùng dân tộc… Khi gặp những người hoạn nạn, khó khăn, tình yêu thương là sự giúp đỡ, cưu mang, an ủi lẫn nhau. Nhưng trong cuộc sống, có những người lại sống thờ ơ, vô cảm, lạnh nhạt và xa lánh mọi người… thì cuộc sống thật vô vị, tẻ nhạt. Vì vậy, chúng ta hãy sống yêu thương và chan hòa với mọi người.

Câu 2: Em hãy chỉ ra những yếu tố biểu cảm có trong ngữ liệu sau và nêu tác dụng của những yếu tố đó:

Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm.

(Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn)

Gợi ý trả lời:

- Những yếu tố biểu cảm có trong ngữ liệu trên là: nhục, không biết thẹn, không biết tức, không biết căm, thích, để thỏa lòng vị kỷ, có kẻ thích rượu ngon, có kẻ mê giọng nhảm.

- Tác dụng: Có sức truyền cảm cao. Đồng thời cũng cho thấy sự căm tức, uất hận trước tội ác của giặc, cũng như giận trước thái độ bàng quan của kẻ bên dưới. Cho thấy tinh thần yêu nước sâu sắc của Trần Quốc Tuấn.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu lập luận là phương thức biểu đạt chính trong văn nghị luận.

- Rèn luyện kĩ năng nhận biết yếu tố biểu cảm và tác dụng của nó trong bài văn nghị luận.

- Biết đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận hợp lí, có hiệu quả, phù hợp với lí gíc lập luận của bài văn nghị luận.

Ngày:23/12/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM