Nước Đại Việt ta Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em nội dung bài "Nước Đại Việt ta" nhằm giúp các em thấy được ý thức dân tộc của người Việt Nam đã phát triển tới trình độ cao. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Nước Đại Việt ta Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Nguyễn Trãi (1380 - 1442).

- Hiệu: Ức Trai, cha là Nguyễn Phi Khanh.

- Quê: Chí Linh - Hải Dương.

- Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn với vai trò rất lớn bên cạnh Lê Lợi -> trở thành một nhân vật lịch sử lỗi lạc, toàn tài hiếm có. Nhưng cuối đời ông đã bị giết hại một cách oan khốc và thảm thương vào năm 1442. Đến năm 1464 mới được vua Lê Thánh Tông chiêu tuyết (rửa oan). Ông là người Việt Nam đầu tiên được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới.

- Là nhà yêu nước, anh hùng dân tộc.

1.2. Tác phẩm

- Bình ngô đại cáo do Nguyễn Trãi thừa lệnh Vua Lê Lợi soạn thảo, đc công bố ngày 17 tháng chạp năm Đinh Mùi (1428) sau khi quân ta đại thắng, diệt và làm tan dã 15 vạn viện binh của giặc Minh, buộc Vương Thông phải giảng hoà, chấp nhận rút quân về nước.Bài cáo có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập.

- Đoạn trích “ Nước Đại Việt ta” nằm ở phần đầu của bài cáo.

- Thể cáo: Cáo là thể văn nghị luận cổ, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương hay công bố một kết quả của sự nghiệp để mọi người cùng biết. Phần nhiều được viết bằng thể văn biền ngẫu, có tính chất hùng biện, lời lẽ đanh thép, lí luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ mạch lạc.

- Bố cục văn bản có thể chia thành hai phần như sau:

+ Hai câu đầu: Nguyên lý nhân nghĩa.

+ Tám câu còn lại: Chân lí và sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại việt.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nguyên lí nhân nghĩa

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

- Chúng ta có thể thấy tác giả đã chỉ ra được nguyên lí nhân nghĩa trong văn bản "Nước Đại Việt ta" một cách rõ ràng và cụ thể, đây được xem là nguyên lí cơ bản làm nền tảng để triển khai toàn bộ nội dung bài cáo. Hướng đến những người cùng khổ, đông đảo nhất trong xã hội để cho họ được yên ổn lầm ăn, sinh sống.

- Muốn yên dân phải diệt giặc ác,đem lại độc lập cho đất nước, thái bình cho dân.

- Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là “yên dân”; “trừ bạo”.

+ Yên dân: làm cho dân được hưởng thái bình hạnh phúc.

+ Bạo: quân xâm lược nhà Minh.

- Việc chiến đấu chống lại quân xâm lược là việc làm nhân nghĩa để yên dân. Muốn yên dân thì phải trừ diệt mọi thế lực tàn bạo.

- Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi vô cùng mới mẽ và mang những ý nghĩa sâu sắc, nguyên lí này được tác giả lấy ra từ thực tiễn dân tộc để đưa vào tư tưởng nhân nghĩa. Tư tưởng nhân nghĩa trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam, đời nào cũng có anh hùng hào kiệt.

=> Nguyễn Trãi đã mở ra cho người đọc một nguyên lí quan trọng và có ý nghĩa đối với việc phát triển đất nước của dân tộc Việt. Nhân nghĩa - yên dân - trừ bạo - chống ngoại xâm - bảo vệ đất nước và nhân dân là nguyên lí gốc, là tiền đề, là cơ sở lí luận, nguyên nhân thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn trong kháng chiến chống quân Minh, là điểm tựa linh hồn bài Bình Ngô đại cáo.

2.2. Chân lí và sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại việt

- Tác giả Nguyễn Trãi đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, rõ ràng và mạch lạc để khẳng định chủ quyền của dân tộc qua hai yếu tố quan trọng là phải có hoàng đế và có lãnh thổ riêng biệt. Đồng thời, ông còn bổ sung thêm những yếu tố mới, không dựa vào thần linh (yếu tố siêu nhiên) như trước nữa mà căn cứ vào những sự thật hoàn toàn có thật để làm tăng tính khách quan, chân thực, và thuyết phục cho văn bản.

- Những yếu tố đó có vai trò quan trọng, khẳng định vị thế vững chắc, tồn tại bất biến với thời gian, năm tháng: đó là đất nước ta có nền văn hiến lâu đời; có cương vực lãnh thổ rõ ràng, riêng biệt; có phong tục tập quán, lối sống riêng; có lịch sử gắn liền với các triều đại phong kiến đã qua; có nhân tài hào kiệt đời nào cũng có. 

- Tư tưởng tự hào dân tộc: Đất nước có truyền thống văn hiến lâu đời, có chủ quyền dân tộc, ngang hàng với phong kiến phương Bắc.

- Ta ngang hàng với Trung Quốc về trình độ chính trị, tổ chức, quản lí quốc gia.

-> Tác giả đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đa dạng cùng tài lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp với các dẫn chứng giàu sức thuyết phục và cụ thể, sinh động, giọng châm biếm, khinh bỉ khẳng định sự thất bại của phong kiến Trung Quốc khi chúng tham lam, bành trướng, bá quyền, đi ngược lại chân lí hiển nhiên, thì chuốc lấy bại vong.

=> Qua văn bản "Nước Đại Việt ta" chúng ta có thể nhận thấy đây là bài cáo mang đến những tư tưởng phát triển đất nước giàu sức thuyết phục. Bài cáo vừa thể hiện chân lí về sự tồn tại độc lập dân tộc vừa phát huy niềm tự hào dân tộc đã trở thành truyền thống của thế hệ đi trước.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Nước ta có độc lập chủ quyền trên có vua, dưới có dân, có đạo lí dân tộc không chịu khuất phục trước kẻ thù có bề dày lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, độc lập dân tộc trên tư tưởng nhân nghĩa vì dân.

- Về nghệ thuật:

+ Giàu chứng cứ lịch sử, cảm xúc tự hào.

+ Giọng hùng hồn, lời văn biền ngẫu nhịp nhàng ngân vang.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có nhận xét gì về nguyên lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi?

Gợi ý trả lời:

- Chữ nhân mà tác giả sử dụng trong văn bản "Nước Đại Việt ta" chính là lấy dân làm yếu tố trung tâm, xem trọng nhân dân, chăm lo cho nhân dân, lấy dân làm gốc: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Nhân nghĩa trong đạo lí được mở rộng thành lòng thương người và những việc tốt đẹp nên làm.

- Nhân là quan niệm đạo đức có từ lâu đời mà ý nghĩa ban đầu của nó chỉ bó hẹp trong sự tương thân, tương ái giữa người với người.

- Nguyên lí nhân nghĩa là nền tảng cơ bản để Nguyễn Trãi triển khai nội dung bài Bình Ngô đại cáo.

- Người đọc nhận thấy rất rõ những yếu tố trong tư tưởng của Nguyễn Trãi được thể hiện qua những hành động mang tính quyết định như là yên dân, trừ bạo. Yên dân là vỗ về, an ủi, làm cho dân chúng được hưởng cuộc sống ấm no, thái bình. Muốn yên dân thì phải trừ bạo, tức là tiêu diệt mọi thế lực bạo tàn làm khổ dân.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Nước Đại Việt ta".

Gợi ý trả lời:

Tác giả Nguyễn Trãi đã đưa đến những tư tưởng mới mẽ trong việc phát triển đất nước bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng giàu sức thuyết phục. "Nước Đại Việt ta" xứng đáng là áng văn chính luận, bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Đằng sau giọng văn hùng hồn, dẫn chứng chân thực là một lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc của Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi muốn biến lời nói của mình thành lời của người chép sử, biến cái chủ quan thành khách quan, biến một hiện tượng cá biệt thành quy luật muôn đời để mọi tính toán của con người hãy soi mình vào đó. Bề nổi của lời văn là sự nghiêm khắc răn dạy, còn chiều sâu thấm thía một đạo lí, một tư tưởng, một lẽ phải làm người: nhân nghĩa.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Học sinh hiểu sơ giản về thể cáo, hoàn cảnh lịch sử liên quan đến sự ra đời của bài Bình Ngô đại cáo.

- Hiểu được nội dung tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Trãi về đất nước, dân tộc.

- Hiểu được đặc điểm văn chính luận của Bình ngô đại cáo ở một đoạn trích.

- Rèn kỹ năng đọc - hiểu một văn bản theo thể cáo.

- Nhận ra đặc điểm của kiểu văn nghị luận trung đại ở thể cáo.

Ngày:20/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM