Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận Ngữ văn 8

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em hiểu được vai trò của yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận. Từ đó, các em sẽ biết cách vận dụng những yếu tố này trong bài văn nghị luận của mình. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tìm hiểu các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận Ngữ văn 8

1. Yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận

- Văn nghị luận cần phải có yếu tố tự sự và miêu tả.

- Hai yếu tố này giúp cho việc trình bày luận cứ trong bài văn được rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn, có sức thuyết phục, mạnh mẽ hơn.

- Các yếu tố tự sự và miêu tả được dùng làm luận cứ phải phục vụ cho việc làm rõ luận điểm và không phá vỡ mạch lạc nghị luận của bài văn.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn bàn về câu tục ngữ "Cái răng, cái tóc là góc con người" (trong đó có sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả).

Gợi ý trả lời:

Câu tục ngữ "Cái răng, cái tóc là góc con người" nhằm giúp mọi người hiểu hơn về cách đánh giá một con người qua vẻ bề ngoài, cụ thể là từ cái răng đến cái tóc. “Góc con người” là cái sắc sảo, duyên dáng, mặn mà, tươi đẹp của con người, nhất là con gái con trai. Ngày xưa, răng đen hạt na, tóc đen bóng, dày là đẹp. Ngày nay, răng đều, trắng bóng thì mới xinh. Nhất là thiếu nữ. Để tóc dài, cắt tóc ngắn, uốn tóc … đều phải theo nước da và khuôn mặt, dáng vẻ mỗi người. Câu tục ngữ không những chỉ nêu lên nét đẹp con người mà còn nhắc nhở chúng ta biết giữ gìn chăm sóc cái răng cái tóc của mình. Có hàm răng đẹp, mái tóc đẹp là “của Trời cho”. Vì vậy, thuở xưa, khi còn bé, con gái để tóc trái đào, nhưng đến tuổi trưởng thành thì không bao giờ cắt tóc nữa mà cứ để cho dài mãi. Có được một mái tóc dài và bóng mượt là niềm kiêu hãnh của người con gái. Họ thường gội bằng nước bồ kết cho sạch, gội xong phải xả lại bằng chanh cho mềm tóc. Ở miền Nam trồng nhiều dừa, người ta còn bôi nhẹ một lượt dầu dừa lên mái tóc để lấy mùi thơm và làm bóng tóc. Vì vậy chúng ta phải chú ý chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài lần phẩm chất bên trong.

- Trong đoạn văn trên có các yếu tố tự sự như sau:

+ "Thuở xưa, khi còn bé, con gái để tóc trái đào, nhưng đến tuổi trưởng thành thì không bao giờ cắt tóc nữa mà cứ để cho dài mãi".

+ "Ở miền Nam trồng nhiều dừa, người ta còn bôi nhẹ một lượt dầu dừa lên mái tóc để lấy mùi thơm và làm bóng tóc".

- Trong đoạn văn trên có các yếu tố miêu tả như sau:

+ "Sắc sảo, duyên dáng, mặn mà, tươi đẹp".

+ "Răng đen hạt na, tóc đen bóng, dày là đẹp".

Câu 2: Em hãy đọc văn bản sau và liệt kê những yếu tố tự sự và miêu tả có trong văn bản, sau đó nêu tác dụng chung cho hai yếu tố đó:

Để ghi nhớ công lao người lính An Nam, chẳng phải người ta đã lột hết tất cả của cải của họ, từ chiếc đồng hồ, bộ quần áo mới toanh mà họ bỏ tiền túi ra mua, đến các vật kỷ niệm đủ thứ, trước khi đưa họ đến Mác-xây xuống tàu về nước, đó sao? Chẳng phải người ta đã giao họ cho bọn súc sinh kiểm soát và đánh đập họ vô cớ đó sao? Chẳng phải người ta đã cho họ ăn như cho lợn ăn và xếp họ như xếp lợn dưới hầm tàu ẩm ướt, không giường nằm, không ánh sáng, thiếu không khí đó sao? Về đến xứ sở, chẳng phải họ đã được một quan cai trị biết ơn đón chào nồng nhiệt bằng một bài diễn văn yêu nước. "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi!", đó sao?

Thế là những "cựu binh" - đúng hơn là cái xác còn lại - sau khi đã dũng cảm bảo vệ chính nghĩa và công lý nay tay không trở về với chế độ bản xứ của họ, một chế độ không biết gì đến chính nghĩa và công lý cả.

(Thuế máu - Nguyễn Ái Quốc)

 Gợi ý trả lời:

- Trong đoạn văn trên có các yếu tố tự sự chính là kể về tội ác của bọn thực dân một cách chi tiết và cụ thể.

- Trong đoạn văn trên có các yếu tố miêu tả như sau: "Bộ quần áo mới toanh, cho họ ăn như cho lợn ăn, xếp như xếp lơn, hầm tàu ẩm ướt, không giường nằng, không ánh sáng, thiếu không khí, đón chào nồng nhiệt".

=> Tác giả Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng những yếu tố tự sự và miêu tả nhằm giúp người đọc thấy được tội ác mà bọn thực dân đã gây ra trên đất nước chúng ta, gây ra cho nhân dân ta những đau khổ, lầm than.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu sâu hơn về văn nghị luận, thấy được tự sự và miêu tả là những yếu tố cần thiết trong bài văn nghị luận.

- Nắm được các cách thức cần thiết khi đưa yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận.

- Rèn luyện kĩ năng vận dụng các yếu tố miêu tả và nghị luận vào đoạn văn nghị luận.

Ngày:24/12/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM