Tức cảnh Pác Bó Ngữ văn 8

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tinh thần lạc quan cùng với lòng yêu đất nước sâu sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, bài Tức cảnh Pác Bó này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng phân tích một bài thơ tứ tuyệt. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tức cảnh Pác Bó Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Hồ Chí Minh (1890 - 1969), vị lãnh tụ vĩ đại của nước Việt Nam. Quê ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An.

- Cha là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan.

- Tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, là nhà Cách mạng người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Là một trong những người đặt nền móng và lãnh đạo công cuộc đấu tranh giành độc lập toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam trong thế kỉ XX một chiến sĩ cộng sản quốc tế.

- Bác là người viết và đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

b. Tác phẩm:

- Bài thơ ra đời trong khi Bác sống và hoạt động cách mạng bí mật ở hang núi Pác Bó - Cao Bằng.

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt.

- Bố cục bài thơ có thể chia thành hai phần:

+ Phần 1: 3 câu thơ đầu -> Cảnh sinh hoạt và làm việc của Bác.

+ Phần 2: Câu thơ cuối -> Tâm trạng của Bác.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cảnh sinh hoạt và làm việc của Bác

"Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"

- Tác giả đã diễn tả thành công cuộc sống sinh hoạt hằng ngày bằng hai câu thơ hết sức ngắn gọn, gồm có mười bốn chữ cái nhưng nhà thơ đã gợi mở ra một không gian - thời gian sống, làm việc rất cụ thể, rõ ràng: nơi ở trong hang núi, nơi làm việc thì bên bờ suối và thức ăn là cháo bẹ, rau măng.

- Cách ngắt nhịp của hai câu thơ đầu cũng hết sức đặc biệt, đó là cách ngắt nhịp 4/3 một cách ngắt nhịp rất phổ biến của thể thơ tứ tuyệt, kết hợp với lời thơ cân đối (sáng - tối, ra - vào, ra suối - vào hang) đã cho thấy một nếp sống sinh hoạt và làm việc rất đều đặn, trở thành một thói quen trong một hoàn cảnh đặc biệt của Bác.

- Những món ăn mà Bác ăn hằng ngày vô cùng giản dị, đạm bạc và khắc khổ nhưng Bác không hề nghĩ nó đạm bạc. "Cháo bẹ" (cháo ngô), rau măng (măng nứa, măng tre, măng rừng) thật đạm bạc, đều là những thức ăn đơn sơ có sẵn của thiên nhiên núi rừng. Nhưng Bác không hề cảm thấy khắc khổ mà ngược lại thấy rất thoải mái, ung dung: "vẫn sẵn sàng".

- Câu thơ thứ ba tái hiện nơi làm việc của Bác, đó chính là chiếc bàn đá đã chông chênh được tạo nên một cách đặc biệt. "Bàn đá chông chênh" vừa là chiếc bàn của thiên nhiên rừng núi, lại vừa là chiếc bàn của lòng người. Bác đã biến phiến đá thông thường của tự nhiên làm thành chiếc bàn kê thật giản dị, đơn sơ cạnh một công việc lớn lao cao cả: "dịch sử Đảng".

=> Bác được sống giữa thiên nhiên, núi rừng. Gian khổ vẫn thư thái, vui tươi, lạc quan, yêu đời, hăng say làm cách mạng. Đó là hình tượng người chiến sỹ được khắc hoạ chân thực vừa có tầm vóc lớn lao trong tư thế uy nghi giống như bức tượng đài vị lãnh tụ CM đang dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu đồng thời đang suy tư tìm cách xoay chuyển lịch sử Cách mạng Việt Nam chuẩn bị cao trào đấu tranh mới…

2.2. Tâm trạng của Bác

"Cuộc đời cách mạng thật là sang"

- Làm cách mạng vì nước vì dân, so với niềm vui ấy thì những gian khổ trong sinh hoạt kia không đáng gì với cái sang được làm cách mạng.

- Đối với Bác mặc dù thức ăn và cuộc sống có khắc khổ, đạm bạc nhưng với cuộc đời làm Cách mạng Bác thấy không hề khắc khổ mà lại thấy sang. Sự sang trọng giàu có về mặt tinh thần của cuộc đời làm Cách mạng, lấy lí tưởng cứu nước làm lẽ sống, không hề bị khó khăn, gian khổ thiếu thốn khuất phục. Lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp Cách mạng.

- Chỉ cần nhắc tới hai tiếng "cách mạng" thôi là chúng ta đã cảm thấy sự hiểm nguy, vất vả và gian khó như thế nào. Vậy mà Bác lại cảm thấy việc làm đó "thật là sang".

=> Chữ "sang" đã chuyển tải được một cách đầy đủ tinh thần lạc quan và sự quyết tâm khi làm Cách mạng của Bác. Phải chăng cái "sang" mà Bác nói tới ở đây là vì giờ đây Bác đang được sống với thiên nhiên núi rừng Pác Bó, nơi quê hương Việt Nam yêu dấu mà suốt cả cuộc đời Người muốn đấu tranh để bảo vệ nó, và cao hơn, cái "sang" của công việc làm cách mạng đó là ý nghĩa, mục đích tôn chỉ cao đẹp mà Bác làm là: cứu dân, cứu nước, đem lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Một tinh thần lạc quan, một phong thái ung dung thanh thản, một bản lĩnh thép cứng cỏi, phi thường vượt lên trên gian khó và luôn mang trong mình trái tim nhân hậu, bao dung: yêu thiên nhiên, yêu đất nước sâu sắc ở Hồ Chí Minh.

- Về nghệ thuật:

+ Bài thơ được viết theo thể thơ tứ tuyệt, có sự kết hợp giữa chất cổ điển và tinh thần hiện đại.

+ Giọng điệu dí dỏm, vui tươi, ngôn từ dễ hiểu, giản dị, hình ảnh đời thường mộc mạc.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có nhận xét gì về nghệ thuật của câu thơ "Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng"?

Gợi ý trả lời:

- Câu thơ "Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng" được tác giả sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghệ thuật. Đầu tiên, biện pháp nghệ thuật mà chúng ta cần chú ý đến cách gieo vần độc đáo của Người. Gieo vần ang vừa khỏe khoắn lại vừa tạo được tiếng vang xa tạo nên một cảm giác vô cùng vững vàng và vững chắc.

- Câu thơ này cũng chứa một từ láy hết sức đặc biệt, đó là từ láy duy nhất của cả bài thơ, "chông chênh" là từ láy duy nhất trong bài nhưng không hề tạo nên một thế khấp khểnh thiếu vững chắc mà ba chữ cuối “dịch sử Đảng” với những âm chắc nịch khỏe khoắn và gân guốc như làm hài hòa cả ba câu thơ.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn cảm nhận về văn bản "Tức cảnh Pác Bó" của Hồ Chí Minh.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ "Tức cảnh Pác Bó" thể hiện tinh thần lạc quan, vượt lên trên mọi hoàn cảnh của Bác, đó còn là con người vì sự nghiệp Cách mạng. Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ thể hiện niềm vui, niềm tin mãnh liệt và nghị lực phi thường của Bác trong hoàn cảnh sống và làm việc giữa núi rừng Việt Bắc, sau mấy chục năm trời xa cách đất nước và dân tộc. Chính sự ra vào ung dung, tinh thần vẫn sẵn sàng, khí tiết, cốt cách vững vàng trong tình thế chông chênh đã làm nên cái sang, cái quý trong cuộc đời của con người một lòng một dạ phấn đấu hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và nhân loại bị áp bức trên toàn thế giới.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được một đặc điểm của thơ Hồ Chí Minh: Sử dụng thể loại thơ tứ tuyệt để thể hiện tinh thần hiện đại của người chiến sĩ cách mạng.

- Cuộc sống vật chất và tinh thần của Hồ Chí Minh trong những năm tháng hoạt động cách mạng đầy khó khăn gian khổ.

- Đọc - hiểu thơ tứ tuyệt của Hồ Chí Minh.

- Phân tích được những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu trong tác phẩm.

Ngày:15/12/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM