Hành động nói Ngữ văn 8

Bài học "Hành động nói" dưới đây nhằm giúp các em nắm được khái niệm, mục đích của hành động nói. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích hành động nói trong một văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Hành động nói Ngữ văn 8

1. Hành động nói là gì?

- Hành động nói là hành động được thực hiện bằng lời nói nhằm mục đích nhất định.

- Ví dụ:

+ Ngày mai, tôi sẽ đi siêu thị, bạn có muốn mua gì không?

-> Hành động nói để hỏi.

+ Anh phải giữ khoảng cách với tôi.

-> Hành động nói để điều khiển.

2. Một số kiểu hành động nói thường gặp

- Dựa vào mục đích của hành động nói mà người ta đặt tên cho nó.

- Những kiểu hành động nói thường gặp: Hỏi, trình bày (báo tin, kể, tả, nêu ý kiến, dự đoán…), điều khiển (cầu khiến, đe dọa, thách thức…), hứa hẹn, bộc lộ cảm xúc.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn có sử dụng hành động nói.

Gợi ý trả lời:

Môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề bởi chất thải của các khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt, khói bụi các phương tiện giao thông... Với nhịp độ gia tăng dân số và tốc độ phát triển công nghiệp và hoạt động đô thị hoá như hiện nay thì diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, chất lượng đất ngày càng bị suy thoái. Đối với nguồn nước bị ô nhiễm làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước. Ô nhiễm nước có nguyên nhân từ các loại nước,chất thải công nghiệp được thải ra lưu vực các con sông mà chưa qua xử lí đúng mức; các loại phân bón hoá học và thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước ngầm và nước ao hồ; nước thải sinh hoạt được thải ra từ các khu dân cư ven sông gây ô nhiễm trầm trọng,ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân,sinh vật trong khu vực. Ô nhiễm môi trường không khí là do khí thải của các nhà máy, khí thải từ phương tiện giao thông làm cho không khí không sạch hoặc gây mùi khó chịu, giảm thị lực khi nhìn xa do bụi. Như vậy, môi trường bị ô nhiễm là đe dọa đến cuộc sống con người. Vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ môi trường? Chúng ta cần đánh lên hồi chuông cảnh báo để thức tỉnh mọi người, cần chung tay bảo vệ môi trường.

-> Hành động nói: "Vậy chúng ta phải làm gì để bảo vệ môi trường?": dùng để hỏi.

Câu 2: Em hãy chỉ ra hành động nói và nêu được mục đích của hành động nói trong những ngữ liệu sau:

a. Thoáng thấy mẹ về đến cổng, thằng Dần mừng nhảy chân sáo:

- U đi đâu từ lúc non trưa đến giờ? Có mua được gạo hay không? Sao u lại về không thế?

(Tắt đèn - Ngô Tất Tố)

b.

- Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng ngồi cách xa nhau. Anh nhớ chưa? Anh hứa đi.

- Anh xin hứa.

c. Mẹ tôi, giọng khản đặc, từ trong màn nói vọng ra:

- Thôi, hai đứa liệu mà đem chia đồ chơi ra đi.

Vừa nghe thấy thế, em tôi bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi. Cặp mắt đen của em lúc này buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều.

(Cuộc chia tay của những con búp bê - Khánh Hoài)

d. Một hôm tôi sang chơi, thấy trong nhà luộm thuộm, bề bộn, tôi bảo:

- Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế! Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng. Ngộ có kẻ nào đến phá thì thật chú chết ngay đuôi! Này thử xem: khi chú chui vào tổ lưng chú phải lồm cồm đụng sát lên tận mặt đất, làm cho ai trên về cỏ nhìn sang cũng biết chú đương đi đứng chỗ nào trong tổ. Phỏng thử có thằng chim Cắt nó nhòm thấy, nó tưởng mồi, nó mổ một phát, nhất định trúng giữa lưng chú, thì chú có mà đi đời! Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.

(Dế Mèn phiêu lưu kí - Tô Hoài)

Gợi ý trả lời:

a. U đi đâu từ lúc non trưa đến giờ? Có mua được gạo hay không? Sao u lại về không thế?

-> Hành động nói để hỏi.

b. 

- Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng ngồi cách xa nhau.

-> Hành động nói để điều khiển.

- Anh nhớ chưa?

-> Hành động nói để hỏi.

- Anh hứa đi.

-> Hành động nói để điều khiển.

- Anh xin hứa.

-> Hành động nói để hứa hẹn.

c. Thôi, hai đứa liệu mà đem chia đồ chơi ra đi.

-> Hành động nói để điều khiển.

d. 

- Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế!

-> Hành động nói để bộc lộ cảm xúc.

- Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng.

-> Hành động nói để trình bày.

- Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.

-> Hành động nói để bộc lộ cảm xúc.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu nói cũng là một thứ hành động, khái niệm hành động nói. Các kiểu hành động nói thường gặp.

- Rèn cho học sinh kĩ năng xác định được hành động nói trong các văn bản đã học và trong giao tiếp.

- Tạo lập được hành động nói phù hợp với mục đích giao tiếp.

Ngày:16/12/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM