Thuế máu Ngữ văn 8

eLib xin gửi đến các em tài liệu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được những nỗi đau của nhân dân ta trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Thuế máu Ngữ văn 8

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả: 

- Nguyễn Ái Quốc - là một trong những tên gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kì hoạt động cách mạng trước năm 1945.

- Bác được sinh ra trong một gia đình ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

- Cha là Nguyễn Sinh Sắc, mẹ là Hoàng Thị Loan.

- Là người đã ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng năm 1911.

- Nguyễn Ái Quốc là người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

b. Tác phẩm:

- Bản án chế độ thực dân Pháp, viết bằng tiếng Pháp.

- Xuất bản lần đầu tiên tại Pari 1925 và ở Việt Nam 1946. Tác phẩm gồm 12 chương và phần phụ lục gửi thanh niên Việt Nam.

- Bố cục: Ba chương gắn với ba phần:

+ Phần 1: Chiến tranh và người bản xứ.

+ Phần 2: Chế độ lính tình nguyện.

+ Phần 3: Kết quả của sự hi sinh.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Chiến tranh và người bản xứ

- Thái độ của bọn thực dân trước khi chiến tranh xảy ra thì xem người dân thuộc địa không ra gì, như rơm như rác mà thôi, người dân thuộc địa bị bọn thực dân cai trị coi là giống người hạ đẳng, ngang hàng với súc vật: họ chỉ là những tên da đen bẩn thỉu, những tên “An-nam-mít” bẩn thỉu, giỏi lắm thì cũng chỉ biết kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta.

- Khi chiến tranh bùng nổ, lập tức họ được tâng bốc, vỗ về, được phong tặng cho những danh hiệu cao quý: biến thành những đứa "con yêu bạn hiền", “chiến sĩ bảo vệ chân lí và tự do”.

-> Thủ đoạn: lừa bịp, bỉ ổi, biến họ thành vật hi sinh cho mục đích phi nghĩa.

- Trong cuộc chiến tranh phi nghĩa người dân thuộc địa đã bị bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn, những hình ảnh ấy đã được tác giả miêu tả rất cụ thể, họ phải đột ngột xa lìa vợ con, rời bỏ mảnh ruộng hoặc đàn cừu của họ, để vượt đại dương, đi phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu. Tác giả đã kể ra bao cái chết thảm thương của người lính thuộc địa trên khắp các chiến trường miền Nam nước Pháp.

=> Tám vạn người bản xứ không còn trông thấy quê hương. Họ bị biến thành các vật hi sinh cho lợi ích, danh dự của những kẻ cầm quyền, đem mạng sống mà đấnh đổi lấy những vinh dự hão huyền.

2.2. Chế độ lính tình nguyện

Các thủ đoạn mánh khóe bắt lính của bọn thực dân:

- Bọn thực dân đã dùng những mánh khóe nhằm bắt buộc người dân thuộc địa phải đi tòng quân và rồi cho đó là tự nguyện đi lính.

- Lợi dụng sự bắt lính dọa nạt xoay sở kiếm tiền đối với nhà giàu (đi lính tình nguyện hoặc xì tiền ra).

- Sẵn sàng trói, xích, nhốt người ta như súc vật, đàn áp dã man nếu họ chống đối.

-> Thủ đoạn, mánh khoé trắng trợn, đê hèn (bộ mặt tàn bạo).

- Lời lẽ bịp bợm của bọn cầm quyền: "Chúng trơ trẽn rêu rao rằng họ tự nguyện đầu quân".

=> Lời tuyên bố trịnh trọng của phủ toàn Đông Dương là lừa bịp, trơ trẽn.

2.3. Kết quả của sự hi sinh

- Chúng ta có thể nhận thấy rằng những người lính thuộc địa đã bị bóc lột một cách tàn nhẫn, tra tấn để họ đi lính. Người lính thuộc địa trong các cuộc chiến tranh và cách đối xử của chính quyền thực dân sau khi đã bóc lột xương máu họ đã được tác giả miêu tả bằng những hình ảnh, chỉ tiết tiêu biểu có sức tố cáo rất lớn, khi đại bác đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi, thì những lời tuyên bố tình tứ của các ngài cầm quyển nhà ta bỗng dưng im bặt như có phép lạ, và cả người “Nê-gơ-rô” lẫn người “An nam-mít” mặc nhiên trở lại “giống người bẩn thỉu”.

- Chúng đầu độc người dân thuộc địa làm cho ngu si, yếu hèn cả một dân tộc để vơ vét của cải tài nguyên đầy túi.

- Bộ mặt tráo trở, tàn nhẫn, vô nhân đạo được bộc lộ trắng trợn (Chúng phạm hai tội ác với nhân loại: lôi kéo những nạn nhân vào cuộc huynh đệ tương tàn; coi rẻ tính mạng và xương máu của họ bằng cách bồi thường hèn hạ).

-> Sự bỉ ổi, vô nhân đạo của Thực dân Pháp đối với lính tình nguyện Việt Nam, cái giá của “Thuế máu” mà người lính Việt Nam được trả.

=> Bằng những nghệ thuật lập luận chặt chẽ và giàu sức thuyết phục, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra những dẫn chứng thuyết phục nhằm vạch trần từng bước bộ mặt trơ tráo giả nhân giả nghĩa của chính quyền thực dân quanh việc bóc lột thuế máu, được phơi bày toàn diện triệt để. Từ đó số phận thảm thương của người dân nô lệ cũng được miêu tả cụ thể sinh động.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Tố cáo, kết án đanh thép tội ác của kẻ thù (Thực dân Pháp) qua chính sách bắt lính ở thuộc địa. Bước đầu vạch ra con đường đấu tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa.

- Về nghệ thuật:

+ Nêu luận điểm rõ ràng, các luận cứ được lập luận rất phong phú chuẩn xác

+ Tính chính luận chặt chẽ, thuyết phục và hấp dẫn.

+ Dùng nhiều hình ảnh có giá trị biểu cảm, giọng điệu vừa đanh thép vừa mỉa mai chua chát tạo được sự thuyết phục cao.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản Thuế máu.

Gợi ý trả lời:

Văn bản Thuế máu mang đến cho người đọc cảm nhận một cách đầy đủ về những nỗi đau mà thực dân Pháp đã gây ra cho nhân dân ta, văn bản đã giúp người đọc hiểu được bản chất độc ác, dã man và bộ mặt giả nhân giả nghĩa của chính quyền thực dân Pháp qua việc dùng người dân các xứ thuộc địa làm vật hi sinh để bảo vệ quyền lợi của chúng trong các cuộc chiến tranh tàn khốc. Tác phẩm cũng chứng minh Nguyễn Ái Quốc là một cây bút chính luận xuất sắc trong văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX.

Câu 2: Theo em, nội dung chủ yếu của bản án chế độ thực dân Pháp là gì?

Gợi ý trả lời:

- Nội dung chủ yếu của bản án chế độ thực dân Pháp là bước đầu vạch ra đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn cho các nước thuộc địa để tự giải phóng, giành độc lập. 

- Là văn bản nghị luận sắc bén, nổi tiếng của Nguyễn Ái Quốc.

- Tác giả đã vạch trần sự ác độc, thủ đoạn tàn bạo của thực dân Pháp với người dân thuộc địa.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu được bộ mặt giả nhân, giả nghĩa của thực dân Pháp và số phận bi thảm của những người dân thuộc địa bị bóc lột.

- Nghệ thuật lập luận và nghệ thuật trào phúng sắc sảo trong văn chính luận của Nguyễn Ái Quốc.

Ngày:23/12/2020 Chia sẻ bởi:Tuyết Trịnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM