Cô Tô Ngữ văn 6

Bài học Cô Tô dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp sinh động, trong sáng của bức tranh thiên nhiên cùng với hoạt động sinh hoạt của con người trên đảo Cô Tô. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cô Tô Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Nguyễn Tuân (1910 - 1987), quê ở Hà Nội, là nhà văn nổi tiếng, sở trường về thể tuỳ bút và ký.

- Tác phẩm của ông luôn thể hiện phong cách độc đáo tài hoa, sự hiểu biết phong phú nhiều mặt và vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện.

b. Tác phẩm:

- Đoạn trích ở phần cuối của bài kí Cô Tô - Tác phẩm ghi lại những ấn tượng về thiên nhiên, con người lao động ở vùng đảo Cô Tô mà nhà văn thu nhận được trong chuyến ra thăm đảo.

- Bố cục văn bản có thể chia thành ba phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến "ở đây" -> Cảnh Cô Tô sau cơn bão.

+ Phần 2: Từ "Mặt trời" đến "nhịp cánh" -> Cảnh mặt trời mọc trên biển, đảo Cô Tô.

+ Phần 3: Còn lại: Cảnh sinh hoạt của con người trên đảo Cô Tô.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Cảnh Cô Tô sau cơn bão

- Tác giả đã tái hiện thành công cảnh Cô Tô khi cơn bão qua đi bằng những hình ảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp và gần gũi với cuộc sống. Trên cái nền là bầu trời xanh tươi sáng và mặt nước màu lam biếc, nổi bật lên màu xanh mượt của cây, màu vàng giòn của cát và màu trắng của sóng xô dào dạt vào đảo.

- Cảnh Cô Tô được miêu tả từ cao xuống thấp. Từ nóc đồn trên đảo, Nguyễn Tuân nhìn ra bao la Thái Bình Dương bốn phương tám hướng, quay gót 180 độ mà ngắm cả toàn cảnh đảo Cô Tô.

-> Chính những cảnh đẹp tươi sáng và hài hòa ấy đã làm nảy sinh cho nhà thơ những cảm xúc vô cùng mãnh liệt và say mê, tác giả cảm thấy bản thân càng thấy yêu mến hòn đảo như bất cứ người chài nào đã từng đẻ ra và lớn lên theo mùa sóng ở đây.

=> Khung cảnh thiên nhiên của cảnh biển Cô Tô sau cơn bão gây cho tác giả cảm giác như đây chính là cảnh đẹp của quê hương ruột thịt của mình. Tác giả là người yêu mến, gắn bó với thên nhiên, đất nước.

2.2. Cảnh mặt trời mọc trên biển, đảo Cô Tô

- "Chân trời ngấn bể sạch như tấm kính".

- Tác giả thậm chí còn sử dụng hình ảnh so sánh độc đáo, mang lại những ấn tượng nghệ thuật sâu sắc cho người đọc về cảnh biển, đảo Cô Tô. Tròn trình, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm, đường bệ đặt lên một mâm bạc... y như mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh.

- Dậy từ canh tư, ra tận đầu mũi đảo ngồi rình mặt trời lên. Cách đón nhận công phu và trang trọng.

=> Tác giả đã dùng nhiều hình ảnh so sánh độc đáo để tái hiện cảnh biển Cô Tô tràn đầy sức sống ra sao, chính sự so sánh ấy cho chúng ta thấy được tài năng quan sát, tưởng tượng của nhà văn đã làm nên một bức tranh cực kì rực rỡ, lộng lẫy về cảnh mặt trời mọc trên biển.

2.3. Cảnh sinh hoạt của con người trên đảo Cô Tô

- Cái giếng như trung tâm bức tranh sinh hoạt của con người nơi đây, trên biển, đảo Cô Tô con người luôn hướng đến cái giếng vì cái giếng là nơi tắm, múc, gánh nước, bao nhiêu là thùng gỗ cong, ang, gốm. Các thuyền mở nắp sạp chờ đổ nước ngọt để chuẩn bị ra khơi đánh cá. Anh hùng Châu Hoà Mãn quẩy nước cho thuyền. Chị Châu Hoà Mãn dịu dàng địu con.

-> Cái giếng nước ngọt giữa đảo.

=> Dường như cái giếng là nơi để mọi người sum họp lại sau một ngày lao động vất vả, khó nhọc, thậm chí cái giếng còn là nơi sự sống diễn ra một cách đông vui, tấp nập, bình dị - Một cuộc sống êm ấm, hạnh phúc trong sự giản dị, thanh bình.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Đoạn trích trên đây đã giúp em hiểu thêm về một cảnh quan nổi tiếng của đất nước, từ đó càng thêm yêu mến, gắn bó và tự hào về Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

- Về nghệ thuật:

+ Ngôn ngữ giàu tính gợi hình, gợi cảm.

+ Bút pháp miêu tả đặc sắc và hài hòa.

4. Luyện tập

Câu 1: Theo em, trung tâm của sự sống trong bức tranh Cô Tô là gì?

Gợi ý trả lời:

- Tác giả đã cho người đọc thấy rằng trong khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt trên đảo Cô Tô có hình ảnh cái giếng là trung tâm của bức tranh sự sống. Nếu cảnh mặt trời mọc là cảnh của chiêm bao, của mơ mộng, nó thật nghệ sĩ, tài hoa thì cái giếng nước ngọt là tiêu biểu cho cái thực thuần phác và đầy ắp tình người.

- Chúng ta có thể nhận thấy cái giếng mà tác giả miêu tả trong văn bản Cô Tô là một cái giếng có lợi rất nhiều cho những người dân nơi đây. Người ta đến đó để tắm gội, để múc nước mang về, nghĩa là rất giống một thứ giếng làng có gốc đa, bến nước của chốn quê hương các vùng châu thổ. Cái cảm giác có thực của nó được nhận biết không phải bằng trí tưởng tượng mà trên da thịt con người, từ những gầu nước của nó mà nhà văn vừa đi ngắm cảnh mặt trời mọc trở về đang "dội lên đầu lên cổ lên vai lên lưng". Còn những người lao động bình thường thì có thể múc nước đổ vào mọi thứ: vào thùng gỗ, vào những cong, những ang gốm màu da lươn. 

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản Cô Tô?

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Cô Tô" mang đến cho người đọc những cảm xúc mãnh liệt về một khung cảnh thiên nhiên và sinh hoạt tràn đầy sức sống. Đây là một bức tranh lộng lẫy, huy hoàng hiếm có. Cảnh mặt trời mọc được miêu tả trong một không gian rộng lớn, bao la, trong trẻo, tinh khôi: Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Tác giả đã dùng hình ảnh so sánh đặc sắc, ví mặt trời sau khi lên tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn... hồng hào, còn mặt bể là một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được vẻ đẹp trong sáng, tráng lệ, hùng vĩ, nhộn nhịp và vui tươi trong bức tranh thiên nhiên ở vùng đảo biển Cô Tô.

- Rèn luyện kĩ năng đọc và phân tích một bài kí.

Ngày:19/12/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM