Lòng yêu nước Ngữ văn 6

Bài học "Lòng yêu nước" dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được lòng yêu nước bắt nguồn từ những gì gần gũi, thân thuộc với quê hương của mình. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Lòng yêu nước Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- I-li-a Ê-ren-bua (1891-1967) là một trong những nhà văn nổi tiếng của nước Nga (Liên Xô trước đây).

- Ngoài viết văn ra ông còn viết báo.

- Ông là đại biểu tối cao Xô Viết tối cao các nhiệm kỳ 37.

- Từ năm 1950 là Phó chủ tịch Hội đồng hòa bình Thế giới. Hai lần ông được tặng Giải thưởng Stalin (1942 - 1948).

- Năm 1952 được tặng Giải thưởng Lê-nin vì "sự nghiệp củng cố hòa bình giữa các dân tộc".

- Ông mất ngày 31 tháng 8 năm 1967 ở Moskva.

b. Tác phẩm:

- Bài “Lòng yêu nước” được trích từ bài báo “Thử lửa” của I-li-a Ê-ren-bua, viết vào cuối tháng 6 năm 1942, thời kì khó khăn nhất trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược (1941-1945).

- Bố cục văn bản có thể chia thành hai phần như sau:

+ Phần 1 (từ đầu đến “trở nên lòng yêu Tổ quốc”) -> Những biểu hiện của lòng yêu nước.

+ Phần 2 (còn lại) -> Sức mạnh của lòng yêu nước.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Những biểu hiện của lòng yêu nước

- Câu khái quát về lòng yêu nước: "Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất".

-> Tác giả đã vô cùng tinh tế khi phát hiện được những cảm xúc thực chất của con người trong cuộc sống khi yêu những điều gì đó quen thuộc và họ yêu bằng những cái rất gần gũi hằng ngày quanh ta, có thể cảm giác được. Câu văn khái quát mà không trừu tượng, rất thấm thía dễ hiểu.

- Lòng yêu nước bắt đầu từ lòng yêu những vật tầm thường vì đó là những biểu hiện của sự sống đất nước được con người tạo ra. Chúng đem lại niềm vui, hạnh phúc, sự sống cho con người.

- Biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước được tác giả liệt kê:

+ "Cánh rừng bên bờ sông cây mọc là là mặt nước".

+ "Những đêm tháng sáu sáng hồng".

+ "Bóng thuỳ dương tư lự bên đường, trưa hè vàng ánh, tiếng ong bay".

+ "Khí trời của núi cao, dòng suối óng ánh bạc, vị mát của nước đóng băng, rượu vang rót từ túi da dê".

+ "Sương mù và dòng sông Nê-va, những pho tượng tạc chiến mã".

+ "Những phố cũ ngoằn ngoèo, điện Krem-li, tháp cổ"...

- Chúng ta có thể nhận thấy điều đặc biệt của văn bản "Lòng yêu nước" là ở đoạn cuối, tác giả đã nêu ra được những dẫn chứng về chân lí của lòng yêu nước chân chính. Lòng yêu nước thiêng liêng được nâng lên từ lòng yêu nhà, yêu xóm, yêu quê bình thường giản dị. Lòng yêu nước là một thứ tình cảm có thật, từ trong lòng người chứ không hư ảo, trừu tượng.

=> Qua văn bản "Lòng yêu nước" tác giả muốn nhắn nhủ đến mọi người rằng tình yêu nước xuất phát từ những điều rất đỗi thân quen trong cuộc sống. Tác giả chọn những cảnh tượng mang vẻ đẹp tiêu biểu cho từng vùng đất nước. Đó đều là những gì thân thuộc nhất đối với sự sống con người trên mỗi vùng đất Xô Viết, từ thiên nhiên đến văn hoá, lịch sử.

2.2. Sức mạnh của lòng yêu nước

- Nếu như con người có lòng yêu nước chân chính thì rất dễ nhận thấy được điều đó khi đặt chúng trong một hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn như là chiến tranh. Như vậy, tác giả cho rằng lòng yêu nước vốn là tình cảm thiêng liêng trong mỗi con người chân chính. Tuy nhiên, nó sẽ chứng tỏ sức mãnh liệt trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, gay go, quyết liệt khi đất nước bị xâm lăng, khi độc lập tự do của đất nước bị đe doạ.

- Thử thách chiến tranh: "Có thể nào quan niệm được sức mãnh liệt của tình yêu nước mà không đem nó vào lửa đạn gay go thử thách".

- Lòng yêu nước sẽ nổi dậy một cách mạnh mẽ khi đất nước đứng trước những điều nguy cấp, có hại, lòng yêu nước chân chính là phải hành động. Khi nguy cơ mất nước thì lòng yêu nước sẽ trỗi dậy nếu cần sẽ đổ máu hi sinh để đổi lấy. Như vậy. lòng yêu nước là một giá trị tinh thần có thể nhìn thấy được.

-> Văn bản "Lòng yêu nước" như một lời nói đầy mạnh mẽ và dứt khoát của người dân Liên Xô khi đất nước xảy ra chiến tranh, đó là lòng yêu nước chân chính. Đó là tiếng nói thầm kín nhất, tha thiết nhất, cháy bỏng nhất trong lòng người dân Liên Xô có ý nghĩa thể hiện lòng yêu nước trở thành hành động, chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc quang vinh. Và cuối cùng cơn hiểm nghèo đã qua, nước Nga đã từng đứng vững giành chiến thắng vẻ vang.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài văn thể hiện tinh thần yêu nước tha thiết, sâu sắc của tác giả và những người con Xô viết trong hoàn cảnh thử thách gay gắt của cuộc chiến tranh vệ quốc. 

- Về nghệ thuật:

+ Lập luận chặt chẽ.

+ Dẫn chứng điển hình, thuyết phục.

4. Luyện tập

Câu 1: Em có suy nghĩ gì về quan niệm lòng yêu nước của tác giả I-li-a Ê-ren-bua?

Gợi ý trả lời:

- Quan niệm lòng yêu nước của tác giả hết sức đơn giản và dễ hiểu, lòng yêu nước bắt đầu từ những cái đơn giản nhất trong cuộc sống, chẳng hạn như là lòng yêu nước được bắt nguồn từ tình yêu với những vật bình thường, gần gũi, từ lòng yêu gia đình, quê hương. Nhưng lòng yêu nước chỉ có thể bộc lộ đầy đủ sức mạnh lớn lao của nó trong những hoàn cảnh thử thách gay go, mà lúc này là cuộc chiến tranh Vệ quốc ác liệt một mất một còn với quân thù. 

- Tác giả còn chỉ ra rằng thực tế lòng yêu nước phải rõ ràng và cụ thể, yêu nước là phải hành động vì nước, vì dân. Tác giả đã nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận một lòng yêu nước mơ hồ, chung chung. Lòng yêu nước phải đi đôi với những suy nghĩ, hành động thiết thực và được bộc lộ rõ ràng nhất trong lửa đạn chiến tranh.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Lòng yêu nước".

Gợi ý trả lời:

Qua văn bản "Lòng yêu nước" chúng ta sẽ hiểu hơn về những quan niệm yêu nước thì phải hành động như thế nào, phải có một tinh thần yêu nước ra sao? Bài văn Lòng yêu nước trích từ bài báo Thủ lửa của I-li-a Ê-ren-bua viết năm 1942, giai đoạn đầu cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống phát xít Đức. Nó được coi là bài ca bất diệt về cội nguồn và sức mạnh lòng yêu nước của nhân dân Nga. Lòng yêu nước là một tình cảm vô cùng thiêng liêng - là cội nguồn sức mạnh của mọi suy nghĩ, hành động, sáng tạo ở mỗi con người chân chính. Đoạn văn trên đây của I-li-a Ê-ren-bua không chỉ ngợi ca lòng yêu nước và cổ vũ toàn dân xông lên chiến đấu chống phát xít Đức bảo vệ Tổ quốc, mà còn xứng đáng được coi là bài ca bất hủ về lòng yêu nước của nhân dân Nga nói riêng và của nhân loại nói chung trên trái đất này.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được lòng yêu nước bắt nguồn từ lòng yêu những gì gần gũi, thân thuộc của quê hương. 

- Rèn kĩ năng đọc tìm hiểu nội dung một văn bản nước ngoài.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM