Vượt thác Ngữ văn 6

eLib xin gửi đến các em nội dung bài Vượt thác dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được khung cảnh thiên nhiên đầy sức sống của sông Thu Bồn và vẻ đẹp của người lao động. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Vượt thác Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Võ Quảng: Sinh 1920 quê ở tỉnh Quảng Nam, là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.

- Năm 1935, trong khi đang theo học Tú tài ở Quốc học Huế, ông tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ ở Huế, năm 1939 làm tổ trưởng tổ Thanh niên Phản đế ở Huế.

- Tháng 9 năm 1941, bị chính quyền Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ, sau đó bị đưa đi quản thúc vô thời hạn ở quê nhà.

- Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra, ông được chính quyền Việt Minh cử làm ủy viên Tư pháp thành phố Đà Nẵng.

- Khi quân Pháp tái chiếm Nam Bộ, ông được cử vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến thành phố Đà Nẵng.

- Năm 2007 ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

- Ông qua đời lúc 11 giờ 20 phút ngày 15 tháng 6 năm 2007 tại Hà Nội. Mộ phần của ông đặt tại nghĩa trang tỉnh Vĩnh Phúc.

b. Tác phẩm:

- Quê Nội sáng tác vào năm 1974, đoạn trích Vượt thác ở chương XI của tác phẩm.

- Bố cục đoạn trích có thể chia thành 3 đoạn:

+ Từ đầu đến "Vượt nhiều thác nước".

=> Cảnh dòng sông và hai bên bờ trước khi thuyền vượt thác.

+ Đoạn 2: tiếp theo đến "Thác cổ cò" => Cuộc vượt thác của Dượng Hương Thư.

+ Đoạn 3: Còn lại => Cảnh dòng sông và hai bên bờ sau khi thuyền vượt thác.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Khung cảnh thiên nhiên

- Trước tiên tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên trên sông Thu Bồn bằng đoạn sông ở vùng đồng bằng, đoạn sông này thật êm đềm, hiền hoà thơ mộng, thuyền bè tấp nập. Hai bên bờ là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít. Là miền quê trù phú: Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươi,dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm.

- Đến đoạn nhiều thác ghềnh thì cảnh vật hai bên bờ sông cũng thay đổi:

+ Những chòm cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước, rồi núi cao đột ngột hiện ra như chắn ngang trước mặt.

+ Ở đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả đặc tả hình ảnh dòng nước: Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dòng chảy dữ dội đã được tác giả miêu tả thật ấn tượng.

- Hai đoạn văn kế tiếp, Võ Quảng tập trung viết về dượng Hương Thư và chuyên vượt thác cổ Cò:

+ Mô tả ngọn thác này nhà văn viết: “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn”.

-> Hình ảnh so sánh ấy biểu thị mức độ nguy hiểm của dòng thác.

+ Dòng nước chảy “đứt đuôi rắn” kia cho thấy dòng thác giữa hai vách đá dựng đứng đang trườn trên đá có mỏm nhô ra khiến dòng nước gãy khúc.

=> Tác giả đã khắc họa nên một bức tranh với khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, phong phú và giàu sức sống. Thiên nhiên vừa tươi đẹp, hùng vĩ, vừa nguyên sơ, cổ kính.

2.2. Cuộc vượt thác của Dượng Hương Thư

- Hoàn cảnh: lái thuyền vượt thác giữa mùa nước to. Nước từ trên cao phónh giữa hai vách đá dựng đứng. Thuyền vùng vằng cứ chực tụt xuống.

=> Đầy khó khăn nguy hiểm, cần tới sự dũng cảm của con người.

- Hình ảnh Dượng Hương Thư:

+ Ngoại hình: "Cởi trần, như một pho tượmg đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa".

+ Động tác: "Co người phóng chiếc sào xuống lòng sông, ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ, thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt".

=> Nghệ thuật so sánh, gợi tả một con người với nét ngoại hình gân guốc, rắn chắc, dũng mãnh, tư thế hào hùng, bền bỉ, quả cảm. Việc so sánh Dượng Hương Thư như hiệp sĩ còn gợi ra hình ảnh huyền thoại anh hùng xưa với tầm vóc và sức mạnh phi thường của Đăm Săn bằng xương bằng thịt đang hiển hiện trước mắt người đọc.

- So sánh: “Dượng Hương Thư…. Ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ” => khiêm tốn, nhu mì trong cuộc sống đời thường nhưng lại dũng mãnh, nhanh nhẹn, quyết liệt trong công việc, trong khó khăn thử thách.

=> Tác giả Võ Quảng đã xây dựng nên hình ảnh Dượng Hương Thư là người lao động quả cảm, người chỉ huy bình tĩnh, dày dạn kinh nghiệm, nhưng khiêm tốn, nhu mì.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Bài văn miêu tả cảnh vượt thác của con thuyền trên sông Thu Bồn, làm nổi bật vẻ hùng dũng và sức mạnh của con người lao động trên nền cảnh thiên nhiên rộng lớn, hùng vĩ.

- Về nghệ thuật: So sánh, nhân hóa, điểm nhìn trên con thuyền theo hành trình vượt thác rất tự nhiên, sinh động, trí tưởng tượng phong phú,...

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy liệt kê những hình ảnh của Dượng Hương Thư khi vượt qua thác dữ?

Gợi ý trả lời:

- "Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái có người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng "xoạc"! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy lại thế trợ giúp chú hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống nó cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống quay đầu quay về lại Hòa Phước".

- "Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ".

- "Dượng hương Thư hoàn toàn khác với một dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẹ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ, trong cơn thác lũ người ta thấy một người anh hùng gan dạ, dũng cảm và có kinh nghiệm sức khỏe khi băng qua con thác dữ".

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn cảm nhận về văn bản "Vượt thác".

Gợi ý trả lời:

Văn bản Vượt thác của nhà văn Võ Quảng mang đến cho người đọc một bức tranh thiên nhiên tràn đầy sức sống cùng với sự lao động khỏe khoắn của con người, văn bản này còn giúp người đọc càng thêm yêu, thêm quý cảnh sắc thiên nhiên và con người Việt Nam. Bằng bút pháp nghệ thuật tả cảnh, tả người của tác giả làm cho bài văn trở nên sinh động hơn với vẻ đẹp hùng vĩ, vẻ đẹp anh dũng của người dân lao động trên sông Thu Bồn. Điều đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả ở đoạn này là sự phối hợp miêu tả cảnh vật thiên nhiên với hoạt động của con người đưa thuyền ngược dòng, vượt thác. Cảnh thiên nhiên hiện lên thật đẹp đẽ và phong phú. Trung tâm của bức tranh là hình ảnh con người mà nổi bật là vẻ rắn rỏi, dũng mãnh của dượng Hương Thư.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Vẻ đẹp phong phú, hùng vĩ của thiên nhiên trên sông Thu Bồn và vẻ đẹp của người lao động được miêu tả trong bài.

- Nắm được nghệ thuật phối hợp miêu tả khung cảnh thiên nhiên hoạt động của con người.

- Rèn kĩ năng đọc và phân tích văn bản văn xuôi hiện đại.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM