Ngôi kể trong văn tự sự Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được sự cần thiết của ngôi kể trong văn tự sự. Từ đó, các em sẽ lưu ý đến ngôi kể trong bài văn của mình để bài văn thêm sinh động, linh hoạt và thú vị. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Ngôi kể trong văn tự sự Ngữ văn 6

1. Ngôi kể và vai trò của ngôi kể trong văn tự sự

- Ngôi kể là vị trí giao tiếp mà người kể sử dụng để kể chuyện.

- Khi gọi các nhân vật bằng tên gọi của chúng, người kể tự giấu mình đi, tức là kể theo ngôi thứ ba, người kể có thể kể linh hoạt, tự do những gì diễn ra với nhân vật.

- Khi tự xưng là tôi, kể theo ngôi thứ nhất, người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình nghe, mình thấy, mình trải qua, có thể trực tiếp nói ra cảm tưởng, ý nghĩ của mình.

- Để kể chuyện cho linh hoạt, thú vị, người kể có thể lựa chọn ngôi kể thích hợp.

- Người kể xưng tôi trong tác phẩm không nhất thiết chính là tác giả.

2. Luyện tập

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và trả lời những câu hỏi bên dưới:

"Tôi đã bỏ cái khăn tang bằng vải màn ở trên đầu đi rồi. Không phải đoạn tang thầy tôi mà vì tôi mới mua được cái mũ trắng và quấn băng đen.

Gần đến ngày giỗ đầu thầy tôi, mẹ tôi ở Thanh Hóa vẫn chưa về. Trong đó nghe đâu mẹ tôi đi bán bóng đèn và những phiên chợ chính còn bán cả vàng hương nữa. Tôi nói “nghe đâu” vì tôi thấy người ta bắn tin rằng mẹ và em tôi xoay ra sống bằng cách đó.

Một hôm, cô tôi gọi tôi đến bên, cười hỏi:

- Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mợ mày không?

"Tưởng đến vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ của mẹ tôi, và nghĩ đến cảnh thiếu thốn một tình thương yêu ấp ủ từng phen làm tôi rớt nước mắt, tôi toan trả lời có. Nhưng, nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô tôi kia, tôi cúi đầu không đáp. Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến... Mặc dầu non một năm ròng mẹ tôi không gửi cho tôi lấy một lá thư, nhắn người thăm tôi lấy một lời và gửi cho tôi lấy một đồng quà. Tôi cũng đã cười đáp lại cô tôi:

- Không! Cháu không muốn vào. Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về".

(Trích: "Trong lòng mẹ" - Nguyên Hồng)

1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi nào? Dấu hiệu nào để nhận biết điều đó.

2. Nếu thay đổi ngôi kể thì đoạn văn trên có còn sinh động không? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

1. Đoạn trích trên được kể theo ngôi thứ nhất. Dấu hiệu nhận biết chính là cách xưng "tôi", người kể trực tiếp kể ra những gì mình thấy, mình trải qua.

2. Nếu thay đổi ngôi kể thì đoạn văn trên vẫn hợp lí và sinh động. Vì không ảnh hưởng đến trật tự đoạn văn và người kể không nhất thiết phải xưng "tôi".

Câu 2: Em có nhận xét gì về ngôi kể thứ ba được sử dụng trong đoạn văn sau đây:

"Ngày nào cũng vậy, suốt buổi Dế Mèn chui vào trong hang, hì hục đào đất để khoét một cái ổ lớn làm thành một cái giường ngủ sang trọng. Rồi cũng lo xa như các cụ già trong họ hàng dế, Dế Mèn đào hang sâu sang hai ngả làm những con dường tắt, những cửa sau, những ngách thượng, phòng khi gặp nguy hiểm, có thể thoát thân ra lối khác được".

Gợi ý trả lời:

- Cách kể bằng ngôi thứ ba khiến câu chuyện khách quan hơn bằng con mắt của người ngoài cuộc, khiến người đọc hình dung được những việc Dế Mèn làm như đang diễn ra trước mắt.

- Đoạn văn sinh động và phong phú hơn rất nhiều.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm vững đặc điểm của hai loại ngôi kể: ngôi thứ nhất và ngôi thứ 3, tác dụng của từng loại ngôi kể.

- Phân tích các ngôi kể trong các truyện đã học, đã đọc, chuẩn bị lựa chọn sử dụng ngôi kể thích hợp trong bài viết của mình.

- Vận dụng những kiến thức trong bài học khi viết văn tự sự.

Ngày:28/09/2020 Chia sẻ bởi:Chương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM