Chữa lỗi dùng từ Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây giúp các em dễ dàng phát hiện những lỗi dùng từ trong học tập và trong cuộc sống. Từ đó, các em sẽ có kĩ năng chữa những lỗi đó và tránh đi. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Chữa lỗi dùng từ Ngữ văn 6

1. Lặp từ

1.1. Ví dụ

a. Ví dụ 1:

"Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao".

(Ca dao)

=> Điệp từ "anh" và từ "nhớ" nhằm nhấn mạnh nỗi nhớ quê nhà, nhớ người thân, nhớ bữa cơm gia đình.

b. Ví dụ 2:

Trẻ em rất thích đọc truyện tranh vì truyện tranh dễ hiểu. Đồng thời, truyện tranh có hình và ít chữ.

=> Lỗi lặp từ "truyện tranh". Có thể sửa lại như sau: "Trẻ em rất thích đọc truyện tranh vì nó dễ hiểu. Đồng thời, truyện này có hình và ít chữ".

1.2. Kết luận

- Cần phân biệt phép lặp và lỗi lặp.

+ Lỗi lặp: Câu lặp từ, thừa ý → Câu lủng củng.

+ Phép lặp: Tạo tính nghệ thuật cho câu văn.

- Cần trau dồi vốn từ; khi nói, viết, phải hết sức tránh lặp từ một cách vô ý thức khiến cho lời nói trở nên nặng nề, dài dòng.

2. Lẫn lộn các từ gần âm

2.1. Ví dụ

- Cái cây tôi cùng mẹ trồng ở sau vườn vào tháng trước nay đã ương mầm.

=> Từ "ương mầm" dùng không đúng, lỗi lẫn lộn các từ gần âm. Chữa lại đúng sẽ là: Cái cây tôi cùng mẹ trồng ở sau vườn vào tháng trước nay đã ươm mầm.

2.2. Kết luận

- Muốn tránh mắc lỗi dùng sai âm của từ, phải phát hiện đúng nghĩa của từ.

- Chỉ dùng từ nào mình nhớ chính xác hình thức ngữ âm.

3. Luyện tập

Câu 1: Trong các câu văn sau, những từ nào dùng không đúng, nguyên nhân mắc những lỗi đó là gì? Hãy chữa lại cho đúng.

a. Cô ấy thấy anh ta đi với đồng nghiệp liền ậm ực ghen tuông.

b. Đèn đường ngoài trời hôm nay sao cứ mấp máy mãi thế!

Gợi ý trả lời:

- Nguyên nhân mắc lỗi là: Không nhớ chính xác hình thức ngữ âm của từ.

- Chữa lại:

a. Cô ấy thấy anh ta đi với đồng nghiệp liền hậm hực ghen tuông.

b. Đèn đường ngoài trời hôm nay sao cứ nhấp nháy mãi thế!

Câu 2: Em hãy lược bỏ những từ ngữ trùng lặp trong các câu sau và chữa lại cho đúng.

a. Cô em nói cần hiểu được ngôi kể và vai trò của ngôi kể trong văn tự sự. Và khi hiểu được ngôi kể sẽ biết cách diễn đạt miệng một câu chuyện đời thường.

b. Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ tiêu diệt thành công chằn tinh, tiêu diệt thành công đại bàng cứu người bị hại.

Gợi ý trả lời:

a. Cô em nói cần hiểu được ngôi kể và vai trò của nó trong văn tự sự. Và khi hiểu được ngôi kể sẽ biết cách diễn đạt miệng một câu chuyện đời thường.

b. Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ tiêu diệt thành công chằn tinh và đại bàng cứu người bị hại.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cần phân biệt rõ ràng các lỗi dùng từ: Lặp từ, lẫn lộn những từ gần âm.

- Biết cách chữa các lỗi lặp từ, lẫn lộn những từ gần âm.

- Bước đầu có kĩ năng phát hiện lỗi, phân tích nguyên nhân mắc lỗi dùng từ. Dùng từ chính xác khi nói và viết.

Ngày:10/09/2020 Chia sẻ bởi:Hoang Oanh Nguyen

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM