Ôn tập văn miêu tả Ngữ văn 6

Bài học "Ôn tập văn miêu tả" dưới đây nhằm giúp các em củng cố và hệ thống hóa lại những kiến thức đã học về văn miêu tả. Hy vọng rằng bài học này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Ôn tập văn miêu tả Ngữ văn 6

1. Nội dung ôn tập

- Khái niệm: Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,… làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe. Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường được bộc lộ rõ nhất.

-  Phân loại: 

+ Văn tả cảnh.

+ Văn tả người.

- Yêu cầu khi miêu tả:

+ Tả cảnh phải bám vào một số nét thực của đời sống. Ví dụ khi tả một phiên chợ trong tưởng tượng của em cần dựa trên những đặc điểm thường xảy ra của cảnh đó làm cơ sở tưởng tượng như: không khí của cảnh, số lượng người với những lứa tuổi tầng lớp nào? chợ diễn ra ở địa điểm nào? Thời tiết khí hậu ra sao? Những cơ sở đó là thực tế để tưởng tượng theo ý định của mình.

+ Tả người trong tưởng tưởng: nhân vật thường là những người có đặc điểm khác biệt với người thường như các nhân vật ông Tiên, ông Bụt trong cổ tích hay một người anh hùng trong truyền thuyết. Cần dựa vào đặc điểm có tính bản chất để tưởng tượng những nét ngoại hình cho phù hợp, tạo sự hấp dẫn.

2. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết bài văn tả dòng sông ở quê hương em.

Gợi ý trả lời:

Con sông ở quê hương em vô cùng trong sạch và rất dài. Đó là một dòng sông thơ mộng - là kì quan thiên nhiên ban tặng cho đất nước và con người Việt Nam.

Sáng sớm, đi thuyền trên mặt sông làm em cảm thấy rất mát lạnh và sảng khoái. Khắp nơi chỉ thấy hơi sương trắng xóa, phủ kín mặt sông, đôi lúc còn có những hạt sương còn đọng lại trên lá rơi xuống mặt sông tạo thành những vòng tròn lan xa. Nếu nhìn từ trên cao xuống ta sẽ thấy con sông như một con rắn khổng lồ đang trườn xuống ngoằn nghoèo, khoác trên mình chiếc áo màu xanh biếc. Bây giờ, ông mặt trời đã thức dậy, ông vén màng mây mỏng soi mình xuống trần gian. Ông đi tới đâu, ánh nắng chan hòa tới đó. Ông thả những chú bé nắng tinh nghịch xuống trần gian, đánh thức cả gia đình chim sẻ đang còn ngái ngủ vội vàng thức giấc. Chúng chuyền cành hót líu lo trong vòm cây, tán lá khiến cho bờ sông vắng vẻ trở nên náo nhiệt ồn ã.

Dòng sông quê tôi tuôn dài, tuôn dài như áng tóc trữ tình cuồn cuộn mùi khói mèo tháng hai và mùi nắng mới hương xuân. Con sông thơ mộng, duyên dáng và dịu dàng kín đáo như tiếng vâng không nói ra của tình yêu. Bên bờ sông là những dặng phi lao xanh rì đang rì rào trong gió, như đang thì thầm với chúng tôi mỗi khi chúng tôi ghe thăm. Con sông này là nơi gắn với tuổi thơ tôi, với những đứa trẻ đồng quê yêu sông nước, yêu nghịch ngợm hồn nhiên. Con sông có lúc dữ dỗi và ào ào mãnh liệt cuộn xoáy như những lốc xoáy sâu thẳm. Có khi nó dịu dàng, say đắm giữa màu đỏ chói lói của tán phượng vào ngày hè. Nhưng nó đã ở đây, cùng thời gian của sự trưởng thành trong tôi mà đắp bồi cho xứ sở quê hương.

Con sông này hiền lành và là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân quê tôi. Hằng ngày, mọi người đều ra sông rửa rau, tắm rửa và đùa nghịch. Con sông cũng là nơi tâm hồn được thỏa mê vui thích mà chẳng e dè gì. Vậy nên con sông như người bạn tri kỉ của người dân nơi đây, con sông thân thương chảy giữa đôi bờ hư thực đã lớn lên cùng tâm hồn dào dạt và sôi nổi của tuổi thần tiên trong tôi. Cứ thế, chúng tôi lớn lên, chúng tôi gắn bó và lấy nó làm địa chỉ của tâm hồn, làm kí hiệu và dấu hiệu riêng cho tuổi thơ thuần khiết của mình.

Mặt sông như một tấm gương khổng lồ phản chiếu cả sắc mây trời. Thỉnh thoảng trên sông có những chùm lục bình tím biếc trôi lênh đênh thật yên bình. Ánh nắng trời chiều hắt xuống dòng sông làm cho khúc sông như khoác thêm màu áo mới. Trong chiếc áo đỏ đậm phù sa, sông cần mẫn bồi đắp cho đồng bằng quê em thêm tươi tốt.

Con sông như đã trở thành nàng thơ trong tâm hồn mỗi đứa trẻ thơ chúng tôi. Con sông mang lại những giá trị về vật chất nhưng nhiều hơn cả là về tinh thần, là nỗi niềm cổ tích thuở xưa. Quê hương đẹp, đẹp theo một cách riêng, và đáng nhớ về theo một cách riêng, để mỗi người nhớ về quê hương. Khi thì nhớ về cánh đồng xanh thẳng cánh cò bay, khi thì là con sông trong nước trôi êm ả, khi là cây đa giếng nước sân đình để làm nên một tuổi thơ trọn vẹn, tươi vui mà thiêng liêng tột cùng.

(Sưu tầm)

Câu 2: Em hãy phân biệt văn miêu tả và văn tự sự.

Gợi ý trả lời:

- Văn miêu tả:

+ Văn miêu tả là loại văn mang đến cho người đọc những hình dung sơ bộ ban đầu về những sự việc, sự vật có đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh... làm cho đối tượng miêu tả như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.

+ Văn miêu tả chủ yếu thiên về cảm xúc của người viết, tả cảnh và tả người đều dựa vào cảm xúc.

- Văn tự sự:

+ Văn tự sự là loại văn kể lại những sự việc theo trình tự phù hợp nhất, theo mạch truyện từ trước, đó là loại văn có phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.

+ Văn tự sự kể lại đúng quá trình diễn ra sự việc, ít yếu tố tưởng tượng.

3. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Biết cách hệ thống hóa được những kiến thức về văn miêu tả.

- Trau dồi vốn từ phong phú.

- Có ý thức học tập bộ môn.

Ngày:29/12/2020 Chia sẻ bởi:Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM