So sánh Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được khái niệm, cấu tạo của phép so sánh. Từ đó, các em có thể nhận diện và phân tích phép so sánh trong những văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

So sánh Ngữ văn 6

1. So sánh là gì?

- Ví dụ:

+ Khỏe như voi.

+ Mặt trời xuống biển như hòn lửa.

+ Em tôi gầy hơn tôi rất nhiều.

- Khái niệm: So sánh là biện pháp tu từ sử dụng nhằm đối chiếu các sự vật, sự việc này với các sự vật, sự việc khác giống nhau trong một điểm nào đó với mục đích tăng gợi hình và gợi cảm khi diễn đạt.

2. Cấu tạo của phép so sánh

a. Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh bao gồm:

- Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh).

- Vế B (nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A).

- Từ ngữ chỉ phương diện so sánh.

- Từ ngữ chỉ ý so sánh (gọi tắt là từ so sánh).

b. Trong thực tế mô hình cấu tạo nói trên có thể biến đổi ít nhiều:

- Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh có thể được lược bớt.

- Vế B có thể được đảo lên trước với A cùng với từ so sánh.

3. Luyện tập

Câu 1: Phép so sánh sau đây có gì đặc biệt:

Mẹ già như chuối ba hương

Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Gợi ý trả lời:

Câu ca dao trên đặc biệt ở lối so sánh với những hình ảnh vô cùng đời thường, cụ thể câu ca dao trên đã dùng phép so sánh để nói về mẹ, lối so sánh ấy mộc mạc, gần gũi, dân dã và đầy hình tượng... như chuối ba hương... như xôi nếp một... như đường mía lau cứ xoáy vào tâm trí tôi và gợi lên bao điều trong sự miên man của dòng cảm xúc không đầu, không cuối... Chuối ba hương là một thương hiệu chuối nổi tiếng về sự thơm tho và ngọt ngào. Chuối ba hương có thể không đẹp như những loài chuối khác nhưng chất lượng chuối ba hương khó có loại chuối nào sánh bằng. Điều đó khác chi tình mẹ dành cho con khó có loại tình nào so bì được. Nếp một là nếp có đẳng cấp xếp đầu bảng phân loại trong họ nếp. Nếp một nấu xôi tất nhiên ngon hơn xôi được nấu từ nếp hạng hai, hạng ba. Và đường mía lau, một loại đường được làm từ mía thân gầy giống như cây lau mảnh khảnh. Đường mía lau là loại đường quý hiếm. Hương thơm. Vị ngọt. Sự thơm ngọt đó có khác nào tình mẹ của ta đâu.

Câu 2: Em hãy tìm năm thành ngữ có sử dụng phép so sánh.

Gợi ý trả lời:

- Thương người như thể thương thân.

- Lúng túng như gà mắc tóc.

- Lăng xăng như thằng mất khố.

- Lôi thôi như cá trôi xổ ruột.

- Rành rành như canh nấu hẹ.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được khái niệm và cấu tạo của so sánh.

- Biết cách quan sát sự giống nhau giữa các sự vật để tạo ra những so sánh đúng, tiến đến tạo ra những so sánh hay.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM