Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em nắm được nội dung và ý nghĩa của truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng". Từ đó, các em sẽ phân tích được các sự việc thể hiện y đức của vị thái y lệnh trong truyện. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

1.1. Tác giả

- Tác giả: Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446), con trưởng của Hồ Quý Ly, làm quan dưới triều vua cha, từng hăng hái chống giặc Minh xâm lược, bị giặc Minh bắt đem về Trung Quốc.

- Ông có tài chế tạo vũ khí, ông được làm quan trong triều đình nhà Minh tới chức thượng thư. Ông qua đời trên đất nước Trung Quốc.

- "Nam Ông mộng lục" (Nam Ông là tên hiệu - bút danh của Hồ Nguyên Trừng) là tập truyện kí viết bằng chữ Hán trong thời gian Hồ Nguyên Trừng sống lưu vong ở Trung Quốc sau khi bị bắt.

1.2. Tác phẩm

- Khác với đoạn trích truyện - kí của Quỳnh Cư viết về Tuệ Tĩnh bằng hình thức và bút pháp hiện đại.

- Có thể chia bố cục truyện thành 3 phần:

+ Phần 1: từ đầu đến trọng vọng: Công đức của thái y lệnh họ Phạm.

+ Phần 2: tiếp theo đến "mong mỏi': Thái y lệnh kháng lệnh vua cứu người nghèo.

+ Phần 3: đoạn còn lại: Hạnh phúc của thái y lệnh.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Công đức của thái y lệnh họ Phạm

- Thái y lệnh Phạm Bân: hết lòng vì dân nghèo, quên mình để cứu người, bất chấp quyền uy vua chúa cũng như sự nguy hiểm đến tính mạng bản thân.

- Không tiếc tiền bạc, của cải, tích trữ thuốc tốt và thóc gạo lương thực để chữa bệnh và cứu giúp dân nghèo.

- Không kể phiền hà, thường cho bệnh nhân ngèo túng cơ khổ ở… Dựng nhà chữa bệnh cấp cứu hàng ngàn ngày.

-> Có tấm lòng yêu thương người bệnh, cứu giúp dân nghèo.

- Giọng văn trang trọng (nêu tên họ, tên húy, tôn xưng là ngài). Nhưng lời ngợi ca vẫn dựa trên sự thật giản dị và thái độ khiêm tốn đúng mức.

=> Bậc lương y có tấm lòng bồ tát quảng đại hiếm có. Có tài chữa bệnh, có đức cứu người.

2.2. Thái y lệnh kháng lệnh vua cứu người nghèo

- Tình huống: Cùng một lúc phải lựa chọn hai việc: chữa bệnh nhân hiểm ngèo trong dân và vào cung khám theo lệnh vua. Giữa cứu người dân lâm bệnh với phận làm tôi.

-> Đây là một thử thách gay go buộc ông phải có sự lựa chọn đúng đắn giữa việc cứu người dân thường sắp chết với việc thực hiện phận sự của một kẻ bề tôi.

- Phạm thái y: không chần chừ, quyết ngay một đường: "Bệnh đó không gấp. Nay mệnh sống... vương phủ".

-> Thái độ dứt khoát và cương quyết của ông chứng tỏ uy quyền vua chúa không thắng nổi y đức của một bậc lương y chân chính. Ông không sợ mắc tội "phạm thượng", không sợ nguy hiểm đến tính mạng mà chỉ nghĩ đến trách nhiệm của người thầy thuốc. Ông đã vượt qua thử thách một cách nhẹ nhàng.

-> Coi trọng tính mạng của người bệnh hơn cả tính mạng của mình. Dám làm dám chịu, không sợ quyền uy, hành sự theo đạo nghĩa.

- Quả thật, lúc đầu nhà vua tức giận, nhưng sau khi nghe thái y lệnh trình bày thì không những hết giận mà còn khen ngợi. Điều đó chứng tỏ Trần Anh Vương cũng là một ông vua sáng suốt và nhân đức.

-> Phạm Bân lấy tấm lòng chân thành của mình để tâu trình điều hơn lẽ thiệt, từ đó thuyết phục được nhà vua. Đây là thắng lợi vẻ vang của y đức, của bản lĩnh, trí tuệ và lòng nhân ái.

2.3. Hạnh phúc của thái y lệnh

- Hạnh phúc lâu dài chân chính của gia đình vị lương y: sự thành đạt, vinh hiển của con cháu thái y, duy trì truyền thống, đạo nghĩa đẹp của dòng họ.

- Đời cha ông ở hiền, để phúc lộc cho con cháu: con cháu giữ gìn, phát huy truyền thống gia đình dòng họ -> biết ơn cha ông.

=> Phạm Bân là một lương y có tài đức vẹn toàn, ông có công rất lớn đối với nhân dân cũng như có công lớn trong việc thức tỉnh cái tâm trong lòng vua Trần Anh Quang. Sự khen ngợi của nhân dân đối với gia đình ông, sự nghiệp của ông đó là những lời khen ngợi được đúc kết qua câu nói ở hiền gặp lành.

3. Tổng kết

- Về nội dung:

+ Ca ngợi Thái y lệnh không những có tài chữa bệnh giỏi mà còn có lòng nhân đức.

+ Giáo dục con người có lương tâm nghề nghiệp, lòng nhân ái và bản lĩnh trí tuệ.

- Về nghệ thuật:

+ Mang tính chất giáo huấn.

+ Có cách viết gần với sử.

+ Sáng tạo các sự việc.

+ Xây dựng đoạn đối thoại đặc sắc, làm sáng nên chủ đề.

+ Ghi chép người thật, việc thật, tình huống độc đáo, gay cấn.

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy nêu những bài học được rút ra từ truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng".

Gợi ý trả lời:

- Qua truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng" tác giả muốn gửi đến những bài học có ý nghĩa giáo huấn sâu sắc như sau:

+ Người làm nghề y hôm nay trước hết cần trau dồi, tu luyện chuyên môn cho tinh, giỏi, vì nghề y là nghề trị bệnh cứu người.

+ Người thầy thuốc phải có tấm lòng nhân ái, biết yêu thương, tận tụy vì người bệnh.

+ Không sợ uy quyền, không sợ an nguy đến tính mạng bản thân, chữa bệnh bằng tất cả tấm lòng và tài năng của mình.

+ Ưu tiên bệnh nặng cứu trước, bệnh nhẹ chữa trị sau, đặt tính mạng của người bệnh lên hàng đầu.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về truyện "Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng".

Gợi ý trả lời:

Qua truyện "Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng” đã thức tỉnh những ai làm nghề y trong xã hội ngày nay cần có đức và có tài để cứu chữa bệnh tình cho dân chúng, phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích của cá nhân mình. Phải thực hiện đúng “lương y như từ mẫu”. Đó mới là vị thầy thuốc giỏi nhất. Thái y Phạm không chỉ là người có trái tim nhân hậu mà ông còn là người có bản lĩnh cứng cỏi, ông rất thông minh trong những khuôn phép ứng xử, ông đã làm cho vua, khơi gợi trong vua lòng yêu thương và đức bao dung của vị vua này đối với những người dân nghèo khổ. Nếu là một vị vua có lương tâm thì chắc chắn sẽ cảm động trước những lời nói của ông. Lúc đầu nhà vua có tức giận nhưng sau khi nghe xong vị vua không những tức giận mà còn khen ngợi cho vị lương y này. Phạm Bân là một lương y có tài đức vẹn toàn, ông có công rất lớn đối với nhân dân cũng như có công lớn trong việc thức tỉnh cái tâm trong lòng vua Trần Anh Quang.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Hiểu nội dung, ý nghĩa của truyện.

- Hiểu nét đặc sắc của tình huống gay cấn của truyện.

- Hiểu thêm cách viết truyện trung đại.

- Đọc - hiểu văn bản truyện trung đại.

- Phân tích được các sự việc thể hiện y đức của vị thái y lệnh trong truyện.

- Kể lại được truyện.

Ngày:03/10/2020 Chia sẻ bởi:Minh Ngoan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM