Bức tranh của em gái tôi Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được bài học từ văn bản "Bức tranh của em gái tôi". Từ đó, các em có thái độ sống nhân hậu hơn, thoát khỏi sự đố kỵ tầm thường trong cuộc sống. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Bức tranh của em gái tôi Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Tác giả Tạ Duy Anh sinh vào ngày 9 - 9 - 1959, quê quán ở Hà Tây, ông là một trong những nhà văn nổi lên trong thời kì đổi mới văn học những năm 1980.

- Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông ở nhà máy thủy điện Hòa Bình và là trung sĩ bộ binh ở Lào Cai.

- Sau đó Tạ Duy Anh tham gia học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Trải qua 4 năm học, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên.

- Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1993.

b. Tác phẩm:

- Truyện ngắn Bức tranh của em gái tôi đạt giải nhì trong cuộc thi viết Tương lai vẫy gọi“của báo thiếu niên tiền phong 1998.

- Bố cục văn bản được phân tích theo mạch truyện của văn bản, dựa vào nhân vật người anh và người em.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Nhân vật người anh

a. Trong cuộc sống thường ngày với cô em gái:

- Coi thường bực bội: Gọi em gái Kiều Phương là Mèo.

- Bí mật theo dõi việc em tự chế màu vẽ, chê bai em gái bẩn thỉu.

- Thấy em gái thích vẽ chỉ coi đó là trò nghịch ngợm của trẻ con không cần để ý đến việc “ Mèo con” đã vẽ những gì.

b. Khi bí mật về tài vẽ của em gái được chú Tiến Lê phát hiện:

- Tài năng của cô em gái được cả nhà phát hiện, cha mẹ vô cùng vui mừng vì cô con gái của mình có tài năng hội họa. Đồng thời, trước tài năng hội họa của con gái, bố mẹ cô bé đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên “Con gái tôi vẽ đây ư?” “Ôi, con đã cho bố một bất ngờ quá lớn”. Tuy nhiên, khi tài năng của em gái được phát hiện cũng là lúc tình cảm của người anh trai với em rạn nứt, người anh sinh đố kị, ghen ghét và không còn yêu thương em như trước.

- Khác với niềm vui mừng của cha mẹ thì người anh trai có thái độ hoàn toàn ngược lại, chúng ta thấy tâm trạng của người anh thất vọng hoàn toàn, cảm thấy bản thân mình chẳng có chút tài năng nào “tôi luôn thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài”. Cả gia đình chú ý, quan tâm, chăm sóc cho đứa em gái tài năng còn người anh tự đẩy mình trở thành người ngoài cuộc. Bởi vậy, bất cứ hành động nào trước đây là đáng yêu của em gái thì hiện tại lại làm người anh “gắt um lên”, “chỉ thấy nó chọc tức”,…

- Bản thân người anh tự cô lập mình, tự đẩy mình ra xa gia đình hơn. Phải chăng chính điều ấy càng làm tăng thêm thói ghen ghét, đố kị của người anh với cô em gái nhỏ Kiều Phương.

c. Khi đứng trước bức chân dung rất đẹp của mình do em gái vẽ:

- Khi kết thúc truyện nhân vật người anh mới thay đổi suy nghĩ của bản thân. Tác giả Tạ Duy Anh đã khắc họa hình ảnh người anh đến cuối truyện khi người anh được tặng bức tranh đoạt giải của người em và điều bất ngờ là người trong bức tranh chính là mình thì người anh trai đã thực sự bất ngờ. Và bất ngờ hơn khi trong mắt em gái cậu bé không đáng ghét mà lại rất đỗi thân thương, với đôi mắt như tỏa ra một thứ ánh sáng lạ.

- Khi biết được sự thật về bức tranh của người em gái vẽ, người anh mới nhận ra được sự ích kỷ của bản thân. Lúc này bỗng chốc con người cậu trở nên mềm nhũn, cậu bé bất ngờ, hãnh diện và rồi tự thấy xấu hổ. Tâm trạng xấu hổ của người anh lúc này cũng chính là lúc để nhân vật tự thức tỉnh con người ích kỷ của mình. Câu hỏi bỏ lửng “dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến kia ư? như nói lên sự dằn vặt, sự tỉnh giấc trong con người của cậu bé.

2.2. Nhân vật người em

- Tính tình: hồn nhiên, tình cảm trong sáng, lòng độ lượng, nhân hậu.

- Tài năng: hội hoạ.

- Cả tài năng và tấm lòng nhưng nhiều hơn vẫn là tấm lòng trong sáng đẹp đẽ dành cho người anh và nghệ thuật.

- Bức tranh là tình cảm tốt đẹp của em dành cho anh. Em muốn anh mình thật tốt đẹp.

3. Tổng kết

a. Về nội dung:

Câu chuyện xảy ra với hai đứa trẻ nhưng có thể nói ý nghĩa của nó mang tầm ảnh hưởng sâu rộng hơn, có thể nhận thấy qua câu chuyện tác giả muốn gửi đến chúng ta một thông điệp hãy luôn chiến thắng thói đố kị tầm thường bằng lòng khiêm tốn của chính mình.

b. Về nghệ thuật:

- Khắc họa các nhân vật với những diễn biến tâm trạng đặc sắc.

- Lời kể dung dị, chân thật và xúc động.

4. Luyện tập

Câu 1: Em rút ra được bài học gì từ nhân vật người anh trong văn bản "Bức tranh của em gái tôi"?

Gợi ý trả lời:

Qua câu chuyện Bức tranh của em gái tôi giúp người ta hiểu hơn về lòng đố kỵ tầm thường trong cuộc sống, ngoài cảm nhận được vẻ đẹp của cô em gái Kiều Phương, sự thức tỉnh của người anh cũng nhắn nhủ chúng ta rằng hãy tự nhìn lại bản thân. Quả là một bài học về nhân cách rất sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt lại.

Câu 2: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Bức tranh của em gái tôi".

Gợi ý trả lời:

Văn bản "Bức tranh của em gái tôi" mang đến cho người đọc những bài học vô cùng ý nghĩa, văn bản truyền tải đến người đọc như một lời tâm sự, thủ thỉ của tác giả với bạn đọc về thói đố kị trong cuộc sống. Câu chuyện xoay quanh một bức tranh và cách hành xử giữa hai đứa trẻ với những lời nhắn nhủ sâu sắc về tình yêu thương, lòng vị tha, sự ích kỷ đáng để chúng ta suy ngẫm. Câu chuyện khép lại, để lại nhiều dư âm trong lòng người đọc. Bằng nghệ thuật lựa chọn ngôi kể và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, tác phẩm đã cho thấy tình cảm trong sáng, hồn nhiên, tấm lòng nhân hậu, vị tha của người em đã làm cho người anh nhận ra phần hạn chế trong tính cách và lối ứng xử của mình.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm vữmg nội dung ý nghĩa của truyện, nghệ thuật kể chuyện và miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả.

- Rèn kĩ năng phân tích nhân vật trong truyện hiện đại.

Ngày:11/12/2020 Chia sẻ bởi:Thi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM