Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ

eLib giới thiệu đến các bạn bài học Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ có thể thấy từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa. Để nắm chắc nội dung bài học mời các em cùng tham khảo bài học dưới đây.

Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ

1. Từ nhiều nghĩa

1.1. Khái niệm

Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa. Ban đầu, từ thường chỉ có một nghĩa nào đó. Nhưng trong thực tế sử dụng, để đáp ứng trình độ nhận thức ngày càng cao của con người, trình độ phát triển của xã hội, nhằm gọi tên, biểu đạt những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới, ngoài cách tạo ra những đơn vị từ mới hoàn toàn, người ta thêm vào nghĩa mới cho những từ đã có sẵn. Cách thêm nghĩa mới vào cho từ chính là cách tạo ra từ nhiều nghĩa.

1.2. Ví dụ minh họa

- Từ "chân"

  • Bộ phận dưới cùng của cơ thể người, động vật; dùng để đi, đứng (đau chân, gãy chân...)

  • Bộ phận dưới cùng của một số đồ vật, có tác dụng đỡ các bộ phận khác (chân bàn, chân ghế, chân đèn...)

  • Bộ phận dưới cùng của một số sự vật, tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền (chân tường, chân răng...)

- Một số từ chỉ một nghĩa

- Ví dụ minh họa

  • Xe đạp: Chỉ một loại xe phải dạp mới đi được

  • Xe mãy: Chỉ một loại xe có động cơ, chạy bằng xăng.

  • Compa: Chỉ một loại đồ dùng học tập

  • Toán học: Chỉ một môn học cụ thể.

  • Hoa nhài: Chỉ một loại hoa cụ thể.

  • Bút mực: Bút phải bơm mực mới viết được.

2. Hiện tượng chuyển nghĩa của từ

2.1. Hiện tượng chuyển nghĩa

- Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa.

  • Nghĩa gốc: Là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở hình thành các nghĩa khác.

  • Nghĩa chuyển: Là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.

  • Chuyển nghĩa: Là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.

- Thông thường trong câu từ chỉ có một nghĩa nhất định.

2.2. Phân biệt từ nhiều nghĩa và từ đồng âm

So sánh từ nhiều nghĩa và từ đồng âm:

- Giống nhau: Âm thanh giống nhau

- Khác nhau:

Từ nhiều nghĩa: Có mối liên hệ nhất định giữa các nghĩa

Ví dụ: Xem xét từ "nhà" trong các ví dụ sau:

  • (1) Công trình xây dựng để ở, làm việc. Ví dụ: Ngôi nhà đã được xây xong

  • (2) Chỗ ở, nơi ở và các đồ đạc của một gia đình. Ví dụ: Dọn nhà đi nơi khác

  • (3) Gia đình, những người sống cùng nhà. Ví dụ: Cả nhà đều có mặt đông đủ.

  • (4) Chỉ người thay mặt cho một gia đình ﴾thường dùng ở nông thôn. Ví dụ: Nhà Dậu mới được cởi trói

  • (5) Triều đình, dòng họ nhà vua. Ví dụ: Nhà Tiền Lê đổ, nhà Lí lên thay

  • (6) Tiếng để gọi vợ hoặc chồng ﴾thường dùng ở nông thôn﴿. Ví dụ: Nhà ơi, giúp tôi một tay.

- Trong đó các trường hợp trên nghĩa đều có mối liên hệ với nghĩa ở trường hợp (1).

  • Trường hợp (1): Đó chính là nghĩa gốc của từ "nhà"

  • Trường hợp (2), (3), (4), (5), (6): Là nghĩa chuyển của từ "nhà"

- Từ đồng âm: Khác xa nhau về nghĩa

"Bà già đi chợ Cầu Đông,

Bói xem một quẻ có chồng lợi chăng?

Thầy bói xem quẻ nói rằng:

Lợi thì có lợi nhưng răng không còn."

  • Lợi (1): Lợi ích

  • Lợi (2): Nướu răng

3. Luyện tập

Câu 1: Hãy tìm ví dụ từ có nhiều nghĩa, phân tích và chứng minh tính chất nhiều nghĩa của ví dụ đó.

Gợi ý làm bài:

- Với từ “Ăn’’:

  • Ăn cơm: cho vào cơ thể thức nuôi sống (nghĩa gốc).

  • Ăn cưới: Ăn uống nhân dịp cưới.

  • Da ăn nắng: Da hấp thụ ánh nắng cho thấm vào, nhiễm vào.

  • Ăn ảnh: Vẻ đẹp được tôn lên trong ảnh.

  • Tàu ăn hàng: Tiếp nhận hàng để chuyên chở.

  • Sông ăn ra biển: Lan ra, hướng đến biển.

  • Sơn ăn mặt: Làm huỷ hoại dần từng phần.

→ Như vậy, từ “Ăn” là một từ nhiều nghĩa.

  • Nghĩa đen: Mỗi từ bao giờ cũng có một nghĩa chính, nghĩa gốc và còn gọi là nghĩa đen. Nghĩa đen là nghĩa trực tiếp, gần gũi, quen thuộc, dễ hiểu; nghĩa đen không hoặc ít phụ thuộc vào văn cảnh.

  • Nghĩa bóng (nghĩa chuyển): Là nghĩa có sau, được suy ra từ nghĩa đen. Muốn hiểu nghĩa chính xác của một từ được dùng, phải tìm nghĩa trong văn cảnh.

→ Từ "ăn" có nhiều nghĩa ⇒ Từ nhiều nghĩa.

Câu 2: Cho các nghĩa sau của từ chín

(1) (quả, hạt) ở vào giai đoạn phát triển đầy đủ nhất, thường có màu đỏ hoặc vàng, có hương thơm, vị ngon; trái với xanh

(2) (thức ăn) được nấu nướng đến mức ăn được; trái với sống

(3) (sự suy nghĩ) ở mức đầy đủ để có được hiệu quả

(4) (màu da mặt) đỏ ửng lên

Hãy cho biết nghĩa nào của từ chín được dùng trong các câu sau.

Gợi ý trả lời:

Câu Nghĩa của từ chín
Vườn cam chín đỏ (1)
Trước khi quyết định phải suy nghĩ cho chín (3)
Ngượng chín cả mặt (4)
Trên cây, hồng xiêm đã bắt đầu chín (1)
Cơm sắp chín, có thể dọn cơm được rồi (2)
Lúa chín đầy đồng (1)
Gò má chín như quả bồ quân (4)

4. Kết luận

- Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra những từ nhiều nghĩa.

  • Nghĩa gốc: Là nghĩa xuất hiện từ đầu, làm cơ sở hình thành các nghĩa khác.

  • Nghĩa chuyển: Là nghĩa được hình thành trên cơ sở của nghĩa gốc.

  • Chuyển nghĩa: Là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ tạo ra những từ nhiều nghĩa.

- Thông thường trong câu từ chỉ có một nghĩa nhất định.

Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:Nguyễn Minh Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM