Luyện nói kể chuyện (tiếp theo) Ngữ văn 6

Nội dung bài học dưới đây nhằm củng cố và rèn luyện cho các em kĩ năng lập dàn ý cho bài luyện nói kể chuyện trước lớp. Đồng thời, tài liệu này còn giúp các em biết cách luyện nói trước lớp một cách đầy tự tin, lưu loát. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Luyện nói kể chuyện (tiếp theo) Ngữ văn 6

1. Chuẩn bị

Tham khảo dàn bài: "Kể về một ngày hoạt động ý nghĩa của bản thân".

- Mở bài:

+ Giới thiệu tên, tuổi, chỗ ở, vài nét về gia đình.

+ Học lớp..., trường...

- Thân bài:

+ Các hoạt động trong ngày:

  • Buổi sáng: Thức dậy lúc mấy giờ? Làm những việc gì? Đi học lúc nào? Trường xa hay gần?
  • Buổi trưa: Ăn uống, nghỉ ngơi.
  • Buổi chiều: Giúp việc gia đình (dọn dẹp nhà cửa, dạy em học...). Học và làm bài tập. Giải trí.
  • Buổi tối: Quây quần cùng gia đình trò chuyện, vui chơi... Chuẩn bị bài cho ngày mai. Đi ngủ.

- Kết bài:

+ Cảm nghĩ của em.

+ Em rất quý thời gian, biết sử dụng thời gian vào những việc có ích.

+ Cố gắng rèn luyện nề nếp tốt trong cuộc sống hằng ngày.

2. Luyện nói trên lớp

Trước khi tiến hành bài luyện nói kể chuyện, chúng ta cần tiến hành những bước sau:

- Chia những thành viên trong lớp nói theo dàn bài đã chuẩn bị trước.

- Chọn một số học sinh thực hành luyện nói trước lớp.

- Lưu ý cho học sinh khi luyện nói kể chuyện trước lớp cần:

+ Nói to, rõ ràng, mạch lạc, không vấp, không kể quá nhanh cũng không kể quá chậm.

+ Mắt nên nhìn thẳng vào người nghe.

+ Chú ý diễn cảm, nét mặt, không luyện nói như học thuộc lòng, trả bài.

+ Nhấn nhá những chỗ cần thiết.

+ Tạo biểu cảm trong giọng nói, trên khuôn mặt khi cần thiết.

3. Luyện tập

Câu 1: Em hãy lập dàn bài cho đề luyện nói sau: "Kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học".

Gợi ý trả lời:

- Mở bài: Giới thiệu kỉ niệm của ngày đầu tiên bước vào lớp 1.

- Thân bài:

+ Tâm trạng buổi tối trước ngày đi học, nôn nao, bồn chồn, lo lắng, không ngủ được.

+ Tâm trạng vào buổi sáng trước giờ đi học: Dậy sớm -> soi gương -> chững chạc lớn hẳn ra.

+ Tâm trạng trên đường đến trường -> hồi hộp -> cảnh vật xung quanh dường như có sự thay đổi lớn, miêu tả: Bầu trời, gió, chim hót, cây cối, các bạn học sinh -> lòng có sự thay đổi -> vào lớp 1.

+ Tâm trạng khi nhìn thấy ngôi trường, bạn bè, lớp học:

  • Ngôi trường xinh xắn, oai nghiêm, cổ kính -> lo sợ vẩn vơ.
  • Sân trường: Đông người, áo quần tươm tất, nét mặt vui tươi.
  • Lớp học rất rộng và đặc biệt có cái bảng rất to.
  • Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ vào ngày đầu tiên học lớp 1.

- Kết bài: Nêu cảm xúc về ngày đầu tiên đi học.

Câu 2: Em hãy viết bài luyện nói cho đề bài đã lập dàn ý ở câu 1.

Gợi ý trả lời:

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta vẫn nhớ như in cái ngày đi học đầu tiên, ngày hôm ấy mẹ là người dắt em tới trường, em với tâm trạng lo âu và sợ hãi như lời bài hát "ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt em tới trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương". Đó là những cảm xúc đầu tiên của tôi khi chuẩn bị vào lớp một. Khi tôi ngân nga bài hát này thì lòng tôi lại nhớ đến những kỉ niệm đẹp của ngày đầu tiên đi học.

Nhớ lại lúc ấy, cái thuở tôi còn bé xíu cùng mẹ bước chân vào một ngôi trường tiếu học rộng thênh thang. Khi mới vừa bước chân vào trường thì tôi nắm lấy tay mẹ tôi thật chặt chứ không như những lúc ở nhà; đi đâu cùng được và cũng chẳng sợ gi. Có lẽ vì tôi đã quá quen với từng con hèm nhỏ ở nhà tôi nên tôi chẳng sợ gì cả, tôi chạy bỏ mẹ lại thật xa. Vậy mà lúc ấy tôi lại chẳng dám rời khỏi mẹ dù chỉ một bước. Giờ học bắt đầu, cồng trường đóng lại, tôi bơ vơ trong lớp nhìn ra ngoài cổng xem còn có mẹ không. Tôi như ở một thế giới hoàn toàn khác khi tôi vừa chia tay mẹ. Lúc đó tôi chẳng biết phải làm gì chỉ biết đứng đỏ mà khóc. Và rồi, cô đến bên tôi, cô nắm lấy tay tôi và cô nói ràng: “Đừng sợ, có cô đây”. Tôi nghe cô nói, lời nói thật ngọt ngào và dịu dàng biết bao. Tôi cứ ngỡ cô là người mẹ thứ hai của tôi, che chở, quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ tôi. Tôi lúc ấy không còn đi chơi như ngày trước nữa mà tôi đã đi học.

Ngày đầu đi học thật khó, tôi chẳng biết gì cả. Tôi chẳng biết cầm bút, chẳng biết sách vở là gì nhưng điều đó chẳng khó gì khi có cô bên cạnh tôi. Cô đã chỉ tôi cách cầm bút, tập cho tôi viết chữ. Và rồi ba tiếng trống trường vang lên, báo hiệu giờ về đã đến. Những bạn khác thì được ba mẹ đón về nhà. Cô cũng về nhà, chỉ còn lại một mình tôi - cậu học trò lớp một cô đơn trong căn phòng lạnh lẽo. Tôi đã khóc, khóc rất to rồi đột nhiên có ai đó khẽ đặt tay lên vai tôi và nói: “Mình về nhà thôi con”, lúc đó tôi mới nhận ra là mẹ đã ở bên tôi.

Ôi! Sao tôi thương đến thế, sao tôi nhớ đến thế. Cái ngày đầu tiên đi học của tôi. Cái ngày mà tôi có nhiều kỉ niệm nhất trong tuổi thơ của mình.

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được chủ đề, dàn bài, đoạn văn, lời kể và ngôi kể trong văn tự sự.

- Yêu cầu của việc kể một câu chuyện của bản thân.

- Lập dàn ý và trình bày rõ ràng, mạch lạc một câu chuyện của bản thân trước lớp.

- Yêu thích văn tự sự, giao tiếp ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng.

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:Denni

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM