Cây tre Việt Nam Ngữ văn 6

Bài học "Cây tre Việt Nam" dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được giá trị và vẻ đẹp của cây tre - một biểu tượng về đất nước và dân tộc Việt Nam. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Cây tre Việt Nam Ngữ văn 6

1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả:

- Thép Mới (1925 - 1991) có tên thật là Hà Văn Lộc. Quê hương của ông ở Hà Nội.

- Thuở nhỏ, ông cùng em trai học ở Nam Định đến trung học. Ngay lúc còn là học sinh, ông đã tham gia các hoạt động xã hội, phong trào học sinh yêu nước.

- Ông có một người em trai tên là Hà Văn Trường về sau được nhiều người biết đến với tư cách nhà báo Hồng Hà.

- Năm 1943, ông lên Hà Nội học đại học ngành Luật khoa.

- Sau khi nghỉ hưu, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và vẫn tiếp tục công tác với báo "Nhân dân" với cương vị bình luận viên cao cấp cho đến lúc qua đời vào ngày 28 tháng 8 năm 1991.

b. Tác phẩm:

- Bài Cây tre Việt Nam là lời bình cho bộ phim cùng tên của nhà điện ảnh Ba Lan.

- Bố cục văn bản có thể chia thành ba phần như sau:

+ Phần 1: Từ đầu đến "chung thủy" -> Tre - người bạn của nhân dân Việt Nam.

+ Phần 2: Tiếp theo đến "chiến đấu" -> Vẻ đẹp của cây tre Việt Nam.

+ Phần 3: Còn lại -> Tre gắn bó với con người Việt Nam.

2. Đọc - hiểu văn bản

2.1. Tre - người bạn của nhân dân Việt Nam

- Tác giả đã mở đầu văn bản bằng các dẫn chứng cụ thể nhằm chứng minh rằng cây tre là người bạn của nhân dân Việt Nam bởi vì cây tre có mặt ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam như tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, luỹ tre thân mật làng tôi.

- Hình ảnh cây tre được tác giả nhân hóa lên một cách đặc biệt với tên gọi độc đáo đó chính là thành người bạn thân của nhân Việt Nam. Tác giả gọi tre là người bạn thân của nhân dân Việt Nam, đây là cách gọi rất đúng vì tre gần gũi, gắn bó, thân thuộc với đời sống của con người Việt Nam. Cách gọi ấy chứng tỏ tác giả từng gắn bó với tre, hiểu và quí trọng cây tre của dân tộc.

-> Hình ảnh cây tre luôn luôn sát cánh cùng nhân dân, là người bạn trong cuộc sống đời thường của toàn thể nhân dân Việt Nam.

2.2. Vẻ đẹp của cây tre Việt Nam

- Vẻ đẹp của tre được tác giả liệt kê: "Măng mọc thẳng, dáng vươn mộc mạc, màu tươi nhũn nhặn".

- Phẩm chất của tre được tác giả khắc họa: "vào đâu cũng sống, ở đâu cũng xanh tốt; cứng cáp, dẻo dai, vững chắc".

-> Để khắc họa hình ảnh cây tre có những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam thì tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật là dùng rất nhiều những tính từ như "thẳng, mộc mạc, nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc", có tác dụng gợi tả vẻ đẹp và những phấm chất đáng quí của cây tre Việt Nam.

=> Những phẩm chất đáng quý ấy của cây tre cũng chính là những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

2.3. Tre gắn bó với con người Việt Nam

- Chúng ta có thể nhận thấy vai trò to lớn của cây tre, cây tre không phân biệt trẻ em hay người lớn, mà nó gắn bó với cả dân tộc Việt Nam từ trẻ thơ đến người lớn, cụ thể là với tuổi thơ, tre là nguồn vui - các bạn nhỏ chơi chuyền đánh chắt bằng tre; với lứa đôi nam nữ thì dưới bóng tre là nơi hò hẹn tâm tình; với tuổi già hút thuốc làm vui thì có chiếc diếu cày... Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nấm trèn giường tre, tre với mình sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.

- Hình ảnh cây tre còn là người bạn thân của các chiến sĩ chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, cụ thể trong nhiều cuộc chiến tranh khi xưa, tre trở thành một công cụ để chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước, tre cũng gắn bó cùng dân tộc. Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta... Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù... Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Chính trong hoàn cảnh chiến đấu, tre bộc lộ nhiều phẩm chất cao quí khác: thẳng thắn, bất khuất Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng.

- Sắt thép có thể nhiều hơn tre nứa, nhưng tre sẽ còn mãi trong tâm hồn dân tộc Việt Nam.

- Tác giả đã dựa vào sự tiến bộ của xã hội, dựa vào sự gắn bó của tre với đời sống dân tộc, nhất là tâm hồn dân tộc để dự đoán.

-> Cây tre có đầy đủ những phẩm chất cao quý của người Việt Nam, vì thể nó trở thành một biểu tượng của dân tộc ta từ xưa đến nay.

3. Tổng kết

- Về nội dung: Thép Mới đã đem đến cho người đọc vẻ đẹp bình dị và những phẩm chất cao quí của cây tre. Cây tre đã trở thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

- Về nghệ thuật:

+ Chi tiết, hình ảnh chọn lọc mang ý nghĩa biểu tượng.

+ Phép nhân hoá sử dụng thành công, lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu. 

4. Luyện tập

Câu 1: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân về văn bản "Cây tre Việt Nam".

Gợi ý trả lời:

Dân tộc ta từ ngàn xưa cho đến ngày nay đều rất trân trọng và yêu quý cây tre, cây tre như một biểu tượng đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, là người bạn thân thiết của con người. Với nhiều phẩm chất quý báu, nó đã trở thành biểu tượng về đất nước Việt Nam, về dân tộc Việt Nam. Toàn bộ nội dung ấy được diễn đạt trong một bài văn thể kí nghiêng vẻ phía tuỳ bút chính luận. Cho dù là lời thuyết minh cho một cuốn phim với tất cả sự phụ thuộc vào kịch bản, người viết vẫn phát huy được bản sắc của mình bằng lối văn giàu hình ảnh và nhạc điệu. Tất cả thống nhất trong một bố cục chặt chẽ của tư duy. Đây là một trong những bài văn xuôi hiếm có của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám.

Câu 2: Em có nhận xét gì về nghệ thuật của văn bản "Cây tre Việt Nam"?

Gợi ý trả lời:

- Chúng ta có thể nhận thấy đặc điểm nghệ thuật đầu tiên của văn bản "Cây tre Việt Nam" chính là nội dung văn bản hướng đến văn chương hơn là một thể loại báo chí. Phẩm chất văn chương biểu hiện cái nền của cảm xúc dồi dào, tình yêu nồng nhiệt trước con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà cây tre là biểu tượng tuyệt vời. Tình cảm ấy cộng với những tri thức văn hoá, văn chương đã tìm đến những hình ảnh, những nhạc điệu như một thi nhân để thổ lộ, diễn tả.

- Tác giả đã mang đến cho người đọc một văn bản đầy cụ thể và sinh động, có những dẫn chứng cụ thể về cây tre trong cuộc sống của con người ra sao. Cái khéo của nhà văn là tạo được mối liên kết cả bên ngoài và cả bên trong của nó. Bài văn có được sự liền mạch câu nọ nối liền câu kia, ý trên với ý dưới như dòng chảy một con sông. Đây là một chỉnh thể nghệ thuật.

5. Kết luận

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Cảm nhận được đẹp và giá trị của cây tre trong đời sống của dân tộc ta.

- Hiểu được những tình cảm thiết tha của tác giả dành cho tre cũng là dành cho dân tộc.

- Rèn kĩ năng đọc, phân tích một văn bản bút kí.

Ngày:27/12/2020 Chia sẻ bởi:Xuân Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM