Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn 11 tóm tắt

eLib xin gửi đến các em nội dung bài soạn dưới đây nhằm giúp các em nắm được quan niệm về cái đẹp của nhà văn, cái đẹp luôn tỏa sáng trong mọi hoàn cảnh. Nhân vật Huấn Cao được tác giả xây dựng nhằm thể hiện cho quan niệm đó. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Soạn bài Chữ người tử tù Ngữ văn 11 tóm tắt

1. Soạn câu 1 trang 114 SGK Ngữ văn 11 tóm tắt

- Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra tình huống truyện độc đáo: Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường: viên quản ngục - kẻ đại diện cho bạo lực tăm tối nhưng lại rất khát khao cái đẹp, say mê cái đẹp với Huấn Cao - người tử tù có tài viết chữ đẹp. 

- Xét trên bình diện xã hội, họ là kẻ thù đối đầu nhau. Xét trên bình diện nghệ thuật, họ là tri âm, tri kỉ của nhau.

- Tác dụng của tình huống truyện đối với việc thể hiện tính cách nhân vật:

+ Tính cách của mỗi nhân vật mỗi lúc thêm đầy đủ, rõ nét và trọn vẹn hơn.

+ Tình huống truyện đã tạo nên kịch tính cho thiên truyện.

+ Góp phần làm nổi bật tư tưởng, chủ đề của tác phẩm.

2. Soạn câu 2 trang 114 SGK Ngữ văn 11 tóm tắt

Huấn Cao có vẻ đẹp thể hiện qua phẩm chất:

- Con người tài hoa, ưu việt, đầy quyền năng (tài viết chữ “đẹp và vuông lắm”, tiếng tăm nổi khắp tỉnh Sơn, khiến quan ngục muốn xin chữ).

- Khí phách hiên ngang, gan dạ của Huấn Cao (vẫn giữ được sự hiên ngang).

- Người có “thiên lương” trong sáng và cao đẹp (thái độ trọng cái đẹp, chia sẻ lời gan ruột với quản ngục).

- Tác giả xây dựng hình tượng Huấn Cao với dụng ý nghệ thuật:

+ Bày tỏ quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của tác giả.

+ Cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời: quan niệm tiến bộ của tác giả.

3. Soạn câu 3 trang 114 SGK Ngữ văn 11 tóm tắt

Phẩm chất của viên quản ngục:

- Say mê, quý trọng cái đẹp, cái tài:

+ Khi chưa gặp Huấn Cao: ngợi khen tài viết chữ đẹp, chí khí ngang tàng, có ý muốn biệt đãi Huấn Cao trong những ngày ông ở tù ngục.

+ Khi gặp Huấn Cao: Thiết đãi tử tế với một kẻ tử tù đại nghịch.

- Tâm hồn nghệ sỹ:

+ Thú chơi chữ, say mê thư pháp.

+ Có sở nguyện cao quý: Có được chữ Huấn Cao.

=> Quản ngục chính là một tấm lòng trong thiên hạ, là một thanh âm trong trẻo trong chốn ngục tù tăm tối.

4. Soạn câu 4 trang 114 SGK Ngữ văn 11 tóm tắt

Có thể khẳng định rằng cảnh cho chữ diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt:

- Không gian: ngục tù chật hẹp, ẩm ướt, bẩn thỉu và tăm tối, ánh sáng bó đuốc chiếu rọi.

- Thời gian: buổi đêm trước hôm Huấn Cao ra pháp trường.

- Sự vật: tấm lụa bạch còn nguyên vẹn.

- Người cho chữ: là tử tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng nhưng tỏa ra khí chất của người nghệ sĩ, một bậc trượng phu thực thụ.

- Người xin chữ: là quản ngục, có địa vị cao hơn nhưng khúm núm, trân trọng, xúc động.

- Người chứng kiến: run run bưng chậu mực.

=> Sự lạ lùng, trái khoáy, xưa nay chưa từng xảy ra, có sự đảo ngược vị thế. Vẻ đẹp, phẩm chất của Huấn Cao, sức mạnh của nghệ thuật chân chính đã vượt lên trên thực tại xã hội tầm thường, tù túng để thăng hoa, tỏa sáng.

5. Soạn câu 5 trang 114 SGK Ngữ văn 11 tóm tắt

Bút pháp xây dựng nhân vật, bút pháp miêu tả cảnh vật được Nguyễn Tuân sử dụng như sau:

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: bằng bút pháp lý tưởng hóa.

- Cảnh cho chữ trong tác phẩm có nghệ thuật tương phản làm nổi bật cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, tính cách với hoàn cảnh.

- Thủ pháp đối lập cảnh tượng hiện lên đầy đủ vẻ uy nghi, rực rỡ của nó.

- Ngôn ngữ: giàu chất tạo hình, biểu cảm, gợi được không khí thời đại (cổ kính, thiêng liêng…).

6. Soạn câu luyện tập trang 115 SGK Ngữ văn 11 tóm tắt

- Huấn Cao là một người rất khẳng khái, sẵn sàng nhận sai, sẵn sàng bày tỏ tâm tư, suy nghĩ của mình với tri kỉ. Khi biết tấm lòng của viên quản ngục ông đã phải thốt lên rằng: “Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Thêm vào đó ông còn đưa ra lời khuyên cho viên quản ngục: “Tôi bảo thực đấy, thầy quản nên tìm về quê nhà mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi rồi mới nghĩ tới việc chơi chữ. Ở đây, trong trốn lao tù khó giữ được thiện lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Có thể thấy đây là lời khuyên chân thành của Huấn Cao bởi ông như đã coi viên quản ngục là một trong những tri kỉ của mình mà nhắc nhở. Đồng thời cũng qua lời khuyên trên ta có thể thấy được ở nhân vật Huấn Cao giống như một nghệ sĩ tài hoa, là người có sự tồn tại của cái tài, cái đẹp và cái thiện.

Ngày:30/09/2020 Chia sẻ bởi:An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM